Trong cuộc phỏng vấn năm 2005 với tạp chí Time, JK Rowling mô tả cuốn sách tiếp theo bà sẽ viết sau bộ Harry Potter là “rất khủng khiếp”, thậm chí bà “không chắc nó có đủ hay mà phát hành không, mà đã phát hành thì người ta thể nào cũng mua sách, nên tôi thật sự thấy bất an”.
Có lẽ từ đỉnh cao vinh quang, người ta có hai trạng thái: hoặc là sợ không thể vượt nổi chính mình và dừng lại, hoặc là nén nỗi sợ để chinh phục đỉnh cao mới với lòng tự tin và sức mạnh chưa từng có. Hiển nhiên Rowling thuộc nhóm thứ hai, bà bình thản trả lời tờThe Guardian: “À, cùng lắm thì người ta bảo “trời ơi dở không chịu nổi, thôi quay về viết truyện thiếu nhi phù thủy đi”. Tôi chịu được chuyện ấy”.
Vậy Khoảng trống có “khủng khiếp” không?
Một điều chắc chắn là không có phép thuật, 100% muggle (người không có khả năng sử dụng pháp thuật và không được sinh ra trong thế giới phù thủy). Có vẻ như Rowling đã phá vỡ bùa phép che giấu học viện Howarts, “đẩy” các nhân vật ra thị trấn Pagford nhỏ bé và buộc họ tự tìm lấy nguồn sức mạnh không phải từ đũa phép, mà là chính trong bản thân mình. Một điều chắc chắn không kém: ta bị quyển sách níu giữ bằng một thứ bùa phép khác, không thể rời tay.
Cũng như Harry Potter, mạng lưới nhân vật trong Khoảng trống rất dày đặc và sống động, cứ mỗi diễn biến lại cho người đọc thấy một khía cạnh khác của cùng một con người. Nhân ái mà vẫn có nhiều khi ghen tị, độc địa muốn trả thù đời nhưng không khỏi sợ hãi khi gây nên tội lỗi, cao ngạo kiêu kỳ thật ra để che giấu mặc cảm ấu thơ...
Một thị trấn nhỏ ở Anh, những căn nhà hàng mấy trăm năm tuổi, sương mù và tuyết trắng. Có lẽ điều khiến người đọc ở khắp mọi nơi tìm thấy sự đồng cảm với nơi này là người ta có thể bắt gặp mình trong từng nhân vật. Những thanh niên một thời gấp lại tập 7 Harry Potter với nụ cười hạnh phúc vì kết thúc “thiện thắng ác thua”, khi đã bước hẳn vào thế giới “người lớn”, có khi nào cũng hoang mang như những “người lớn” tại Pagford khi một “khoảng trống” hoác ra giữa cuộc sống bình lặng, và một khi bị cuốn vào đó, tự nhiên ta ngỡ ngàng nhận một mặt nạ rất khác của chồng, của vợ, của cha mẹ, con cái, của bạn bè...
Rowling dành lòng thông cảm lặng thầm mà mãnh liệt nhất cho tuổi - sắp - lớn đau đớn và khó khăn. Những cô cậu bé ngậm kẹo que nghe mẹ đọc Harry Potter, 15 năm sau có thể đã phổng phao thành một Andrew mới lớn mặt lấm tấm mụn, len lén thích cô bạn học mà chỉ dám trộm nhìn xa xa; thành Sukhvinder tốt bụng nhưng khổ sở vì những trò trêu chọc và tẩy chay của tuổi trẻ chưa biết xót thương; thành cô thiếu nữ Gaia xinh đẹp không sao tìm được tiếng nói chung với mẹ; thành Krystal sớm chai sạn khôn ngoan vì cảnh nhà nhưng luôn khát khao được thừa nhận và dành trọn yêu thương cho cậu em trai bé bỏng; hay thậm chí thành Fats, gã thiếu niên bất cần đời nhìn ai cũng chỉ thấy những ti tiện và giả dối. Những người - sắp - lớn xoay xở sống trong thế giới người lớn áp đặt với những nỗi niềm không ai thông hiểu, và họ hành động để giật xuống tấm rèm che những điều khuất tất, giải tỏa những niềm riêng ấy của mình.
Không còn hai phe hắc - bạch rõ ràng, cuộc chiến thiện - bất thiện lặn sâu vào lòng mỗi con người, chính vì thế nó dai dẳng, và cái giá phải trả để người ta biết đặt mình vào vị thế người khác mà suy nghĩ, biết sống như một phần của cộng đồng lớn lao hơn... quá đắt giá và xót thương.
Một thị trấn nhỏ. Một “khoảng trống” nhỏ trong hội đồng địa phương. Phải chăng là quá nhỏ để thành cớ cho hàng loạt nút thắt mở kịch tính đến đôi khi ta nhận ra mình nín thở khi đọc? Nhưng chẳng phải trái đất này cũng chỉ là một thị trấn lớn hơn một chút đó thôi sao...?