Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
642
123.242.889

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vở diễn thể nghiệm Huyền thoại cuộc sống:
Làm mới mặt bằng sân khấu đã bị cũ mòn? Vở “Huyền thoại cuộc sống” do đạo diễn Việt kiều Australia Lê Quý Dương viết và dàn dựng sắp được công diễn. Đây là một “công trình kết hợp nghệ thuật kịch, múa, video, kỹ xảo ánh sáng, hiệu ứng âm thanh, phục trang và hóa trang ấn tượng, nghệ thuật sắp đặt và các trình thức trống dân tộc” hứa hẹn làm nên sự mới lạ, hiện đại.

Sau đây là trò chuyện cùng anh.

 

- Khái quát về hiện thực thế giới với khủng hoảng tâm linh, chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, đói nghèo và sự đe dọa của chủ nghĩa đế quốc mới, tôn vinh độc lập tự do, tự quyết, đi tìm ngọn lửa đầu tiên của sự sống loài người… Với từng ấy ý tưởng, dễ bị cảm giác vở diễn sẽ là một cuộc trình diễn những khái niệm hơn là đi sâu vào nội tâm nhân vật?

 

- Đây là một vở kịch, và dù có thêm bất cứ hình thức nào, nó vẫn sẽ tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc của một vở kịch với ý nghĩa nhân văn của nó.

 

“Huyền thoại cuộc sống” là sự đúc kết của tác giả về vòng quay cuộc sống, một kịch bản mang tính ý niệm, với bối cảnh và các nhân vật đều mang những cái tên khái quát như lão Chúa đất, mụ Chủ quán, chàng Tráng sĩ, nàng Thiếu nữ…

 

Điều đáng nói là dựng lên những không gian có chiến tranh, có cái chết và sự sống, có tình yêu và sự hủy diệt, người viết - cũng là người dựng, đã tự tạo cho mình những cơ hội để có thể lồng vào, phô diễn thêm rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, hứa hẹn làm nên sự mới lạ, hiện đại của vở diễn.

 

- Kết hợp rất nhiều loại hình trong một buổi trình diễn kịch, đó thật sự là xu hướng của sân khấu thế giới mà anh quan sát được và ứng dụng, hay chỉ là sự kết hợp giữa màu sắc của sân khấu Việt với các thể loại hiện đại khác để gây lạ mắt với sân khấu phương Tây - những nơi mà anh sẽ đến?

 

- Kết hợp truyền thống và hiện đại là điều mà tôi muốn làm. Còn gì hơn là vận dụng những trình thức quen thuộc của sân khấu truyền thống, tuân thủ chặt chẽ đồng thời làm mới nó cùng với các hình thức mới? Đó là điều mà sân khấu chúng ta đang mong mỏi: làm sao làm mới mặt bằng sân khấu đã bị cũ mòn bấy lâu nay.

 

- Với giá vé 250.000, 150.000 và 100.000 đồng, anh nhắm đến đối tượng khán giả nào cho vở diễn?

 

- Khán giả trí thức, công chức trong các công sở và lượng du khách nước ngoài rất lớn ở quanh khu “phố Tây” Phạm Ngũ Lão, Đề Thám ngay sau rạp Công Nhân. Tôi đã thấy họ dừng trước rạp, muốn vào xem, nhưng không có gì cho họ xem cả. Đó cũng là lý do vở sẽ có phụ đề tiếng Anh trong các suất diễn. Ngoài ra tôi còn muốn đem vở đi dự các liên hoan sân khấu nước ngoài.

 

 

- Trường hợp xấu nhất, giả sử mở màn mà không có khán giả nào đến mua vé - với giá vé không “quen thuộc” như trên?

 

 

- Thì tôi cũng không buồn. Chúng tôi làm kịch không để cho những người vào rạp chỉ muốn cười hay khóc, mà mong muốn khi ra khỏi nhà hát, họ sẽ nhìn cuộc sống khác hơn. Tôi đã đến nhiều nơi: các phòng trà, quán bar, các cuộc trình diễn thời trang, ở đó khán giả thậm chí có thể bỏ cả triệu đồng chỉ để xem các cô gái chân dài đi qua đi lại.

 

Còn nếu họ không chịu vào xem một vở kịch với nhiều ý tưởng hơn một chút, thì cũng đâu phải lỗi tại tôi? Ở nước ngoài, nếu bạn muốn xem một vở diễn kiểu này, bạn sẽ phải trả ít nhất 50 USD. Phải biết giá trị của mình, và chúng tôi sẽ không hạ giá vì tin vào giá trị đó.

 

- Từ 15-4, vở sẽ ra mắt ba đêm tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, với dàn diễn viên gồm Mai Mai (giải nhất Diễn viên triển vọng 2004), Kim Khánh, Mỹ Uyên, Minh Béo, Tấn Hưng...

 

 

 

DN - Nhân Dân