Bây giờ, về nước, bà nằm bẹp cả tuần vì đau họng, và cũng vì niềm vui tràn ngập trong lòng…
Quên hết nỗi đau
Trong vở Áo đợi người, Ngọc Giàu đóng vai bà mẹ chồng có cô con dâu hiếu thảo nhưng không may mất sớm, bà thương con dâu đến đứt ruột. Khi đèn sân khấu chuyển sang tối, Ngọc Giàu bước ra bìa sàn gỗ để diễn lớp khóc con, bà bước hụt chân té từ bục cao xuống sàn gạch, cả người đổ ập ngay trước khán giả.
Mấy cậu thanh niên vội chạy tới đỡ bà lên, hốt hoảng: “Má ơi, má có sao không?”. “Má ơi, con chở má vô bệnh viện!”. Nghe khán giả kêu mình bằng má ngọt ngào, Ngọc Giàu như quên hết nỗi đau. Bà lắc đầu, ngồi dậy rồi diễn tiếp đoạn bi thương, tiếng ru con của bà nghẹn ngào bay khắp khán phòng…
Xong lớp diễn, nhìn lại mới thấy gót chân bị xẻ một đường, phải lập tức bà vô bệnh viện may lại. Còn cánh tay và ngực thì bầm tím. Nhưng chỉ ba ngày sau bà phải bay sang Pháp, vì nhận lời diễn cho Bảo tàng quốc gia về nghệ thuật châu Á (Bảo tàng Guimet) và làm cuộc phỏng vấn với ba đài truyền hình ở Pháp.
Chương trình dài 75 phút, diễn hai đêm tại bảo tàng, và một đêm ở sân khấu bên ngoài để đông đảo khán giả được xem.
75 phút, chỉ mình bà và nghệ sĩ Hương Thanh (chị của nghệ sĩ Hương Lan, cùng là con của nghệ sĩ Hữu Phước vang bóng một thời tại đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, bạn diễn của Ngọc Giàu lúc còn ở chung đoàn). Hương Thanh đi nhiều nơi trên nước Pháp để hát nhạc dân tộc Việt Nam, và chị đã được Bảo tàng trân trọng mời về. Nhưng chị nói phải có Ngọc Giàu hợp tác mới làm nên một hình ảnh cải lương đẹp và trang trọng, giới thiệu cùng thế giới.
Ngọc Giàu cùng Hương Thanh đã hát mấy bài vọng cổ như Dạ cổ hoài lang, Lòng mẹ, Mẹ vẫn đợi con về, và trích đoạn Hạng Võ biệt Ngu Cơ. Giọng ca bà vẫn mượt như nhung, và dáng bà vẫn oai phong lẫm liệt trong vai Hạng Võ.
Bà nói: “Phải ca live toàn bộ chứ không được thu sẵn. Ở nước ngoài, hát nhép là chết liền”. Hỏi sao không chọn trích đoạn nào có nhân vật Việt Nam, bà trả lời: “Tôi có đưa qua trích đoạn Lục Vân Tiên cho họ xem trước, nhưng họ chọn Hạng Võ biệt Ngu Cơ vì trích đoạn này nhiều chi tiết sinh động sân khấu hơn, dàn dựng bắt mắt hơn”.
Khán giả đã vỗ tay khen ngợi liên tục. Nhưng một số khán giả Pháp lại thắc mắc không hiểu sao vừa dứt chữ trong câu vọng cổ thì người Việt lại vỗ tay. Bà cười: “Đó là điểm độc đáo của nghệ thuật vọng cổ”.
Chen vô một câu vọng cổ cho đỡ nhớ nghề
Nhưng khó nhất là câu hỏi của một đài truyền hình, rằng tại sao cải lương quý giá như thế mà khi về Việt Nam muốn xemcải lương lại không có, Ngọc Giàu phải nói khéo: “Rồi sẽ có. Bây giờ chúng tôi đang gặp những khó khăn về rạp diễn, nhưng sẽ xây dựng để có thể sáng đèn thường xuyên”.
Và đó cũng là khắc khoải của Ngọc Giàu khi bà trở về nước. Bà ao ước: “Phải chi có một khán phòng nhỏ chừng 150 ghế cũng được, để nghệ sĩ được diễn thường xuyên cho khách du lịch xem, và cho cả những fan Việt. Tôi sẵn sàng lấy cát sê thấp, chứ tôi diễn kịch cũng đâu có tiền nhiều, mà ráng chen vô một câu vọng cổ ca cho đỡ nhớ nghề”.
|
|
|
“Cải lương xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. So với đờn ca tài tử thì cải lương phong phú hơn nhiều. Mình nên làm hồ sơ trình lên trên, có hy vọng lắm đó”
|
|
|
NSND Ngọc Giàu
|
|
|
Bà còn kể từng xin rạp Công Nhân để làm cải lương, nhưng rốt cuộc Nhà nước giao cho Nhà hát Kịch TP.HCM. Bà từng máu lửa như thế, và bây giờ vẫn không muốn bó tay.
Nhưng hiện giờ thì Ngọc Giàu đang phải nghỉ dưỡng ở nhà, uống thuốc, xông cảm đủ thứ, bởi bị nhiễm lạnh rất nặng ở Pháp, vì đang mùa tuyết rơi. Ông xã của bà đã theo bà sang Pháp để chăm sóc cái chân bà đang bị thương, lo từng miếng cơm, tấm áo, thùng trang điểm v.v…
Về Việt Nam, cũng một tay ông chăm vợ, tối còn chở vợ đi diễn kịch. Có duy nhất đứa con gái thì đã sang Pháp lấy chồng, sinh con, hạnh phúc. Ở nhà hai vợ chồng già hủ hỉ với nhau, lần nào tôi ghé thăm cũng thấy ông bà rất vui vẻ, và ban đêm đi xem kịch thì gặp ông chở bà trên chiếc xe gắn máy vi vu đến sân khấu.
Bà thật hạnh phúc cùng gia đình và nghệ thuật.
|