Cuộc sống của cộng đồng dân cư sống trong di tích chính là một phần quan trọng của di tích, chính nó tạo nên những đặc trưng riêng có và bản sắc không thể thay thế của di tích.
Nếu chỉ lo giữ những ngôi nhà cổ và những không gian kiến trúc truyền thống vốn có, ta có thể có một tổng thể đẹp, nhưng sẽ là một ngôi làng “chết”. Vì vậy quyền lợi dân sinh không những cần phải lo mà phải đưa lên hàng đầu. Những thành công trên thế giới về lĩnh vực bảo tồn đều đã tiếp cận và giải quyết theo cách này. Đây cũng chính là tính nhân văn của hoạt động bảo tồn di sản mà chúng ta rất cần phải chú ý.
Mặt khác, bảo tồn không có nghĩa là đóng băng cái gì có sẵn, mà là bảo tồn những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị riêng biệt của di sản trong sự phát triển hữu cơ của nó. Sẽ thật tuyệt vời nếu cộng đồng dân cư vẫn phát triển trên mảnh đất của mình và chính họ tham gia bảo tồn di sản ấy trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp quản lý và các chuyên gia bảo tồn.
Với các di sản sống, nguyên tắc quản lý và bảo tồn là phải coi đối tượng quản lý bảo tồn là tổng hòa những yếu tố vật chất và chính “sự sống” trong đó. Mọi giải pháp đều phải đồng thời giữ gìn các thành phần vật chất cũng như duy trì những chức năng, hoạt động vốn có của nó. Và đặc biệt không làm tổn thương dưới bất kỳ hình thức nào đối với yếu tố con người liên quan đến di sản.
Tôi cho rằng “tinh thần di tích” của người dân Đường Lâm không hề nhỏ, nó là một phần của lòng yêu quê hương, thành kính với tổ tiên, cội nguồn mà người mình ai cũng có, thậm chí rất sâu nặng. Nhưng có lẽ bao trùm tất cả phải là “tinh thần sống”, cuộc sống bất ổn thì chẳng có tinh thần nào không bị lung lay. Theo tôi, có lẽ đây chưa phải là vấn đề “phân chia lợi ích”, tiền thu được từ bán vé vào tham quan di tích cũng không phải để và không thể chia cho người dân. Vấn đề quan trọng là các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di tích không được ảnh hưởng, cản trở cuộc sống thường nhật của họ. Những nhu cầu chính đáng và hợp lý của mọi người dân sống trong di tích cần phải được quan tâm giải quyết thỏa đáng.