Họa sĩ Huế cũng có nhiều cây cọ nổi danh. Vậy nhưng Huế vẫn chưa có những tác phẩm tranh phong cảnh có tiếng tăm cỡ như “Phái phố” của Hà Nội hay Lưu Công Nhân vẽ Tam Bạc, Hội An... Nhận thức được điều này, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức trại sáng tác tại lăng vua Tự Đức, vừa để các nghệ sĩ vẽ và triển lãm tại chỗ, vừa để quảng bá cho vùng đất di sản...
Và sau ba ngày dự trại sáng tác, chiều 12-5, triển lãm mỹ thuật Dấu thời gian với 30 tác phẩm tranh có đủ sơn dầu, acrylic, bút sắt, than... của 15 tác giả đã khai mạc tại lăng vị vua - nhà thơ Tự Đức mà phong cảnh của nó được nhận xét như một “kiệt tác thơ”.
Bước vào không gian triển lãm nằm bên hồ Lưu Khiêm, nhiều người dân và du khách ngạc nhiên trước những góc phong cảnh Khiêm lăng (tên gọi của lăng Tự Đức) được thể hiện với nhiều cung bậc, phong cách và cảm xúc khác nhau. Có người chọn vẽ một chi tiết, có người trừu tượng hóa phong cảnh lăng Tự Đức, người thì tả thực đến từng hoa văn, lại có họa sĩ chọn một góc nhỏ của một kiến trúc cổ kính... Tất cả đều cố gắng lột tả cho được “hồn cốt” của một phong cảnh vốn đã quá đỗi thơ mộng. Đặng Thu An, Lê Văn Nhường, Nguyễn Thiện Đức lấy cảm hứng từ khu vực quanh hồ Lưu Khiêm nên thơ. Nhóm Ngô Tâm, Đặng Mậu Tựu... xúc cảm với hàng thông cổ thụ phiêu phất, điểm xuyết trong đó là những kiến trúc cổ. Nguyễn Khắc Tài say mê với đôi rồng đá dẫn vào mộ vua. Lê Bá Cang, Lê Phan Quốc thì “lắng” với những đường cong bờ hào, mặt nước và khu đồi thông thơ mộng. Một họa sĩ khác lấy cảm hứng từ những cây đại (sứ) cổ thụ như một linh hồn nằm trong “bóng vạn niên”...
Trại sáng tác không chỉ giới thiệu phong cảnh khu lăng này qua ngôn ngữ tạo hình, mà còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ Huế có dịp giao lưu và cùng làm việc tại không gian ngoài các xưởng vẽ cá nhân, đồng thời tìm cảm xúc mới tại phong cảnh của di tích Huế, trải nghiệm sự cọ xát giữa họa sĩ, tác phẩm với công chúng và du khách tham quan.
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, nhận xét cuộc triển lãm có chất lượng nghệ thuật cao. “Điều độc đáo nhất của triển lãm chính là toàn bộ tác phẩm đều thực hiện và hoàn thành tại chỗ” - ông Đức nói.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17-5, sau đó tiếp tục triển lãm tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (đường Lê Trực, TP Huế).