Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
647
123.242.945

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vị mặn biển đời từ một hồn thơ đa cảm
Cầm tập thơ Vị mặn biển đời của GS, TS Mai Quốc Liên do Nhà xuất bản Văn học ấn hành (2004) tác giả mới gửi tặng tôi không khỏi ngạc nhiên. Đây quả là điều bất ngờ đối với tôi kể từ những ngày đầu biết Liên cách đây khoảng nửa thế kỷ...

Vào thời điểm trong nước và thế giới có nhiều biến động lớn, gây không ít tác động tiêu cực đến cách nhìn nhận, đánh giá lại những thành tựu văn hóa, văn nghệ của đất nước mấy chục năm qua cùng định hướng cho giai đoạn tới, Mai Quốc Liên là một trong số những nhà nghiên cứu, lý luận sẵn sàng "vào cuộc" để bảo vệ chân lý và sự thật lịch sử. Trong khi tranh luận, mặc dù đã phải mượn lời Mạnh Tử: "Ngô khởi hiếu biện tai! Ngô bất đắc dĩ dã" (Ta há thích biện luận đâu! Ta bất đắc dĩ đó thôi); nhưng đôi lúc không kìm được, anh đã có những lời lẽ khá gay gắt ngay cả với những người vốn là đồng nghiệp, bạn bè từng gắn bó thân thiết một thời với mình. Không hề tỏ ra khoan nhượng khi đụng đến những vấn đề anh coi là nguyên tắc, là thiêng liêng. Có lẽ vì vậy mà có người cho rằng anh thuộc "phái bảo thủ", "khô cứng, khó gần"... Mấy năm gần đây, thi thoảng tôi có đọc của anh đôi ba bài thơ ngắn đăng tải trên vài tờ báo, chỉ nghĩ đây là cái thú bất chợt, anh làm cho vui như thể tiện thể hái một vài bông hoa nhỏ nhoi, hiếm có trên con đường thiên lý cheo leo mà anh đang rong ruổi. Vậy mà bây giờ Vị mặn biển đời với 41 bài thơ chọn lọc của anh được in khá trang trọng đặt ngay trước bàn tôi. Càng đọc càng thấy không ít bài là "thơ thứ thiệt", rất đáng đọc và cùng suy ngẫm với người viết. Và bao trùm lên tất cả là tôi đã gặp một Mai Quốc Liên khác hơn nhiều so với những gì tôi đã biết về anh. Hóa ra bên trong con người "ông đồ" thời hiện đại nay đã mang hàm giáo sư, tiến sĩ, tưởng rất đỗi khô khan này ẩn chứa một tâm hồn thi sĩ chân chất, đa cảm đến không ngờ. Đề tài trong thơ anh cũng thật gần gũi như những lời tâm sự trước những gì anh đã thấy, đã cảm về một Hà Nội phía sau mình gắn bó với mái trường thân yêu, về một cây bàng đứng đợi xuân nơi cuối phố có dáng người con gái đã thành kỷ niệm của tuổi chớm yêu, về một bức thư nhà mùa mưa lũ mà mỗi chữ như "nhòa nước mắt", về tình cảm riêng tư của anh với những nhà văn, nhà thơ bậc đàn anh và lớp cùng trang lứa... Những đất nước, những phương trời xa lạ anh đã từng qua được ghi lại như những trang nhật ký thơ ngắn gọn, thấm đẫm tình người mà vẫn có được những nét rất riêng nghề nghiệp. Đến Hàng Châu, Tiền Đường anh Gặp hồn Nguyễn Du trên từng con sóng; đến Bu-ca-rét ngắm Tuyết đầu mùa, Pa-ri chiều mưa bay hay quê hương của Đốt-xtôi-ép-xki nơi nước Nga xa xôi, anh không chỉ nhìn cảnh và người hôm nay mà còn cảm bằng cả trái tim từ nỗi đau, niềm vui quá khứ, những rung động ngọt ngào trước cái đẹp để rồi nhận ra, tuy mỗi dân tộc có một nền văn hóa và lối sống khác nhau nhưng "nhân loại là một". Để rồi cùng trân trọng, yêu thương, gìn giữ những gì đáng gọi là thiêng liêng nhất phải bao nhiêu thế hệ mỗi dân tộc mới có được đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần. Mảng đề tài viết về những người thân của anh cũng thật tự nhiên, gần gũi như trái tim chân thật của anh. Về kỷ niệm với người thương một chiều đông bên bờ sông Hồng, nay chỉ còn trong nỗi nhớ Sông Hồng trầm tích sóng bờ em. Về một đêm mưa nằm một mình nơi xa "thương em và nhớ con", nhớ lại bao đêm mưa khác trong đời. Về cô bạn anh yêu thầm từ thuở học trò khi cả hai cùng say sưa hát bài Bộ đội về làng trong những ngày kháng chiến gian khổ mà nay không biết ở phương nào. Về thằng cháu nội thông minh, tinh nghịch với những nét vẽ ngô nghê đầu đời... Cả những bài anh viết về Nguyễn Văn Trỗi, người anh hùng cùng quê, về người mẹ Bàn Cờ anh chưa từng gặp thì mẹ đã đi xa, về Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Bách phải giã từ cõi đời đột ngột Cứu được bao nhiêu người/Chỉ mình không cứu nổi cũng khiến người đọc xúc động dù người viết cũng tự nhận bác sĩ Bách là "người chưa hề quen thân với mình".

 

 Đọc thơ Mai Quốc Liên có cảm giác anh không quá câu nệ vào vần điệu, sắp xếp ngôn từ, càng không có vẻ gì là "đổi mới" trong thơ. Cùng với những bài thơ nhỏ mang cốt cách Đường thi, những câu thơ 5 chữ, 7 chữ quen thuộc ta lại gặp những câu thơ như dòng chảy cảm xúc, dài, ngắn thất thường khiến nhiều lúc ta như quên đi cái vỏ ngôn ngữ, chỉ còn thấy sự chân thực của tình người. Quán sách cũ thao thức hồn năm tháng (Pa-ri chiều mưa bay), Tuyết đầu mùa rơi rối cả lòng tôi (Vị mặn biển đời), Thời gian không cũ niềm mong nhớ/Lòng vẫn trinh nguyên nỗi đợi chờ (Em dắt xuân về)... Những câu thơ thoáng nhẹ mà nồng ấm như hơi thở, ta gặp không ít trong tập thơ.

 

Ở nước ta không ít nhà thơ có những công trình nghiên cứu phê bình, nhưng nhà nghiên cứu phê bình làm thơ, lại có riêng một vài tập còn là hiếm hoi. Nhà nghiên cứu phê bình, thẩm định thơ tinh tế là Hoài Thanh - người có công trình Thi nhân Việt Nam cắm một cái mốc đáng kính nể của một chặng đường thơ Việt Nam 1930-1945, nhưng cũng chưa hề làm một câu thơ nào. Có lẽ ở con người rất mê thơ và thưởng thức thơ rất sành điệu này, con người phê bình luôn lấn át con người thơ... Và Mai Quốc Liên có là một trong những ngoại lệ ít ỏi không, có lẽ còn phải chờ thêm thời gian. Dẫu sao chúng ta cũng có thể chúc mừng anh vì thấy Vị mặn biển đời quả là những chắt lọc đáng được trân trọng từ một hồn thơ.

ND - NhânDân