Thẻ hành nghề cho nghệ sĩ: Quá nhiều bất cập
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo đại diện cơ quan quản lý các cấp lẫn nghệ sĩ, báo giới ở 3 địa điểm TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội để lấy ý kiến cho Đề án cấp chứng chỉ hành nghề nghệ sĩ, người mẫu.
Ai cũng biết với tình hình lộn xộn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD) như hiện nay, việc cấp thẻ hành nghề là cần thiết nhưng cấp như thế nào, tiêu chí ra sao… và cả công tác quản lý trước lẫn sau việc cấp thẻ đối với nghệ sĩ lại còn quá nhiều bất cập, vướng mắc.
|
|
Siết chặt đối với ca sĩ, người mẫu
Còn chưa tới 6 tháng nữa, các ca sĩ, người mẫu nào không có chứng chỉ hành nghề sẽ không được biểu diễn bởi cơ quan quản lý cho biết sẽ tập trung rà soát, cấp chứng chỉ cho đối tượng đặc biệt tạo dư luận xã hội nhiều nhất khi có các hành vi phản cảm, lố lăng, cũng như sai phạm hát nhép... là ca sĩ và người mẫu. Hai đối tượng này nếu đủ tiêu chuẩn như tiêu chí hành nghề trong đơn đăng ký thì hồ sơ mới được xét duyệt. Tuy nhiên, ca sĩ thì xét giọng hát, chuyên môn; còn người mẫu thì không hiểu cơ quan quản lý sẽ xét duyệt chứng chỉ hành nghề dựa trên điều gì khi nhà nước chưa từng có trường chính quy dạy nghề người mẫu, hay sẽ phải dựa trên danh hiệu trong các cuộc thi, số đo ba vòng, chiều cao..., là những điều rất khó nghĩ tới cho khu vực có quá nhiều điểm khác biệt và đặc trưng này. Vì thế, hãy chờ xem, sắp tới ca sĩ, người mẫu nào sẽ còn được tiếp tục hành nghề, biểu diễn trên sân khấu, trong các chương trình nghệ thuật.
|
|
|
Từ 1.1.2014, ai có thẻ mới được biểu diễn
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn và Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương đã công bố trong hội nghị rằng: Đề án cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được tiếp tục lấy ý kiến để tháng 9 này hoàn thiện ban hành và sẽ cấp thẻ đợt 1 (từ tháng 9 - 12), để bắt đầu từ 1.1.2014 áp dụng việc có chứng chỉ hành nghề mới được diễn!
Sở dĩ cơ quan quản lý thấy cần thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ là vì cả nghệ sĩ lẫn công chúng đều cho rằng giờ ai cũng có thể lên sân khấu biểu diễn và ai cũng làm ca sĩ được dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”. Ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: “Chứng chỉ hành nghề không phải chứng nhận chuyên môn mà là một công cụ quản lý, giám sát nghệ sĩ để họ nâng cao nhận thức, giữ gìn đạo đức và trau dồi chuyên môn trong hoạt động làm nghề”.
Đối với các NSND và NSƯT, cơ quan quản lý sẽ lập danh sách để chủ động tự cấp cho các đối tượng này và cấp một cách đương nhiên. Sẽ có hai loại chứng chỉ hành nghề, chỉ khác mẫu, chứ không phân loại chứng chỉ “cao - thấp”: một là chứng chỉ cấp cho các nghệ sĩ được đào tạo bài bản chính quy, hoạt động trong các cơ quan công lập với thời hạn 5 năm; hai là chứng chỉ cho các nghệ sĩ trong các đoàn xã hội hóa hoặc hoạt động tự do với thời hạn thẻ là 3 năm. Hội nghị cũng lấy ý kiến đại biểu là nên chăng chứng chỉ sẽ là một loại không thời hạn cho tất cả nghệ sĩ.
3 lần vi phạm hoạt động biểu diễn sẽ bị tước thẻ
Đề án cũng xác định rõ chứng chỉ hành nghề không cấp cho các nghệ sĩ nước ngoài hoặc nghệ sĩ hải ngoại; các đối tượng này khi muốn trình diễn phải làm hồ sơ cấp phép biểu diễn riêng theo từng chương trình và có thời hạn cho phép.
Theo đề án cấp chứng chỉ hành nghề, ai cũng được đăng ký cấp chứng chỉ nếu tự thấy đủ tiêu chí, còn nghệ sĩ hoạt động công lập gửi bản đăng ký ở cơ quan chủ quản để chuyển lên cơ quan cấp chứng chỉ. Khi đã có chứng chỉ, nếu nghệ sĩ vi phạm trong hoạt động biểu diễn sẽ bị phạt ở mức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Vi phạm lần một sẽ bị bấm thẻ, bị phạt trên mức 5 triệu thì sẽ bị “treo thẻ”, cấm biểu diễn có thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu tái phạm lần 3 thì sẽ bị tịch thu thẻ, cấm biểu diễn vĩnh viễn.
|
|
3 tiêu chí được cấp chứng chỉ hành nghề
Các nghệ sĩ phải tự kê khai quá trình hoạt động và năng lực nghề nghiệp trong hồ sơ để nộp về Sở VH-TT-DL tỉnh thành nơi mình hoạt động, hoặc nộp về Cục NTBD, đồng thời phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Có tư cách đạo đức xuất hiện trước công chúng; Có năng lực nghệ thuật để trình diễn; Chưa từng bị thu hồi chứng chỉ.
|
|
|
Quá nhiêu khê
Đã từng cấp thẻ hành nghề và hủy bỏ việc cấp thẻ khi năm 1999, với đề xuất của Cục NTBD, hàng nghìn thẻ hành nghề đã được cấp cho các nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng chỉ 3 năm sau, Nghị định 59/2002 bãi bỏ 4 giấy phép con và thay thế 12 giấy phép bằng phương thức quản lý khác trong đó, có bãi bỏ giấy phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật (cấp cho nghệ sĩ), thế nên thẻ hành nghề đã không còn hiện diện, mặc cho hơn cả ngàn nghệ sĩ khi ấy đã kêu than rằng đi thi lấy thẻ quá “đoạn trường”! Mỗi nghệ sĩ phải nộp 100.000 đồng/người để làm lệ phí và việc cấp thẻ cho chỉ riêng hơn 3.000 nghệ sĩ ở TP.HCM đã tốn kém hơn 300 triệu đồng.
Nay, đề án mới này đã quyết định không thu phí nghệ sĩ, mà kinh phí do ngân sách nhà nước cấp thì quả thật với số lượng nghệ sĩ trong cả nước, số tiền phải chi ra là không nhỏ. Nói về việc này, nhiều đại biểu nói với PVThanh Niên rằng “tốn kém không đáng khi con số có thể lên tới hơn chục tỉ đồng cho việc cấp thẻ nghệ sĩ trong cả nước”. Không chỉ thế, việc cấp chứng chỉ lần này lại không có hội đồng thẩm định khiến nhiều đại biểu băn khoăn ai sẽ là người đánh giá các nghệ sĩ đáp ứng tiêu chí để cấp; và nếu không có sự đồng bộ từ các cấp, các tỉnh thành trong việc xét duyệt thì chuyện người này không được cấp chứng chỉ ở tỉnh thành này, có thể sẽ chạy sang tỉnh thành khác đăng ký và đậu chứng chỉ là chuyện không khó.
Một đại biểu (xin phép không nêu tên) nói thêm: Hiện đã có Nghị định 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, Nghị định 75 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, Chỉ thị 65 của Bộ VH-TT-DL về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thời trang, quá đủ để quản lý hay xử phạt nghệ sĩ nếu có vi phạm, vậy thì việc thêm thẻ hành nghề để “quản và xử” các nghệ sĩ quả là thêm nhiêu khê và thừa.
Ý kiến
“Quan điểm của tôi là nên bàn tính thật kỹ, hoặc không nên cấp chứng chỉ mà nên tăng cường công tác quản lý ở các sở VH-TT-DL địa phương, bởi còn cả một đoạn đường dài thực thi việc quản lý sau khi chứng chỉ hành nghề được cấp nữa. Hơn nữa, khi đã cấp chứng chỉ hành nghề cho ca sĩ rồi, nhưng khi phúc khảo chương trình, hội đồng duyệt thấy tiết mục đó quá dở, ca sĩ không có giọng hát để chuyển tải thì làm sao cắt bỏ họ ra khỏi chương trình. Nhiều điều còn rất khó để giải quyết rốt ráo sau này”.
Ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM
“Hiện nay nhiều bạn trẻ chưa học qua trường lớp âm nhạc, còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, hoặc các anh chị lớn tuổi có giọng hát mãi xanh, đi thi hát ở các chương trình truyền hình thực tế, đoạt giải rồi được săn đón có show đi hát liên tục, vậy thì khi xét duyệt họ có đủ tiêu chuẩn không? Câu trả lời quả là không dễ!”.
NSND Trần Bình
“Rất dễ xảy ra tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, mượn danh nghệ sĩ, bởi khi có chứng chỉ hành nghề rồi, mỗi lần diễn ca sĩ sẽ photocopy chứng chỉ của mình cho bầu show để họ nộp cho cơ quan quản lý và lần sau, ca sĩ đó không diễn chương trình đó nữa, nhưng bầu show lại có bản sao chứng chỉ để nộp cho cơ quan quản lý xin được giấy phép biểu diễn cho chương trình của họ!”.
Ông Hoàng Tuấn, quản lý ca sĩ Đan Trường
|