Tại sân khấu nhỏ rạp Kim Mã ngày 4-6, máy điều hòa đã bật, vậy nhưng “phù thủy sợ ma” Tuấn Kha vẫn mướt mồ hôi. Không phải do vai diễn khó mà vì niềm háo hức, sung sướng khi Tuấn Kha được là một trong những diễn viên chèo đầu tiên của Nhà hát Chèo VN được thực hiện vai mẫu rất nổi tiếng trong vở chèo cổ Kim Nham này.
“Rất cần, rất hay”
Hay tin Viện Sân khấu - điện ảnh (Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội) đang thực hiện dự án này, nghệ sĩ sân khấu truyền thống đều mừng vui. Nghệ sĩ Hồng Hạnh - Nhà hát Cải lương VN, nổi danh với vai cung phi Điểm Bích trong vở cải lương cùng tên - nói: “Đấy là niềm vinh hạnh suốt cuộc đời của bất kỳ nghệ sĩ tài năng nào. Lẽ ra việc này phải làm từ lâu rồi”. NSƯT Hán Văn Tình (Nhà hát Tuồng VN) quanh năm đóng vai “giặc” trong các vở tuồng lịch sử cũng hoan hỉ: “Được ghi hình vai mẫu là niềm hạnh phúc lớn lao. Niềm hạnh phúc này không chỉ cho riêng tôi mà còn cho thế hệ sau. Các em cần được tiếp lửa để say nghề mà giữ nghề”.
Đạo diễn - NSƯT Hoàng Quỳnh Mai - trưởng đoàn 2 Nhà hát Cải lương VN - đã reo lên khi nghe thông tin về dự án. Chị bảo: “Rất cần, rất hay không chỉ cho riêng nghệ sĩ mà cả toàn xã hội. Nhà hát Cải lương VN sẽ hỗ trợ tối đa”. Và hầu hết nhà hát, nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu truyền thống từ Bắc, Trung, Nam khi biết tin đều ủng hộ và sẵn sàng giảm tối đa những chi phí có thể chỉ với mỗi điều kiện: “Miễn sao các vai mẫu được quay thật chỉn chu và sau đó phải được truyền bá rộng rãi”.
Dù vậy, không ít nghệ sĩ cũng tỏ ý tiếc nuối. NSND Lệ Thủy băn khoăn: “Vai Tô Ánh Nguyệt thì tôi vẫn có thể diễn được chứ những vai cần xuân sắc như trong vở Chuyện tình Lan - Điệp, Cây sầu riêng trổ bông, Đời cô Lựu, Lôi vũ thì làm sao vào vai khi bây giờ đã thành bà già”?
Còn NSND Hoàng Khiềm kể vào lúc 30-40 tuổi, ông lừng danh trên sân khấu với các vai diễn Tạ Đình Ôn (tuồng cổ Sơn Hậu), Trịnh Ân (tuồng cổ Nữ tướng Đào Tam Xuân)... Vậy nhưng bây giờ ở tuổi ngoài 60, sân khấu có đẹp, âm thanh ánh sáng có tốt đến mấy ông cũng chẳng thể múa hay, hát hay như thời trước được nữa. “Sự tỏa sáng của nghệ sĩ tài năng không phải là suốt cả cuộc đời mà chỉ có một thời điểm đỉnh cao. Vì vậy việc lưu giữ lại tài năng thông qua công nghệ thông tin hiện đại tại sao không chớp lấy “thời điểm vàng” ấy?” - NSND Hoàng Khiềm đặt câu hỏi.
Phải tranh thủ!
Trải qua bao biến thiên, tuồng, chèo, cải lương luôn là những kết tinh đặc sắc của văn hóa truyền thống VN. Dù lúc thăng lúc trầm, những loại hình nghệ thuật này vẫn sống mãi đến hôm nay. Nhưng thực tế hiển hiện mối lo: sân khấu truyền thống đang dần thất truyền. Phần hồn của lối hát tình tứ, lối diễn tinh tế cứ theo dần những bậc tài hoa ra đi. Giờ đây, nhắc đến các cụ “cây đa cây đề” như: Cả Tam, Dịu Hương, Năm Ngũ, Trùm Thịnh, Hoa Tâm... (chèo); Đội Tảo, Bạch Trà, Sáu Lai, Năm Đồ, Mười Thân, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Thành Tôn... (tuồng); Tám Danh, Ba Du, Phùng Há, Sỹ Tiến, Ba Vân, Út Trà Ôn, Ái Liên... (cải lương) cũng chỉ là nhắc nhớ một thời vang bóng, để rồi đều luyến tiếc: giá như còn giữ được đôi chút tư liệu như giọng ca, lời hát, lớp diễn của mỗi người.
“Phải tranh thủ ngay từ bây giờ. Đừng để đến khi những nghệ sĩ gạo cội (giờ cũng là thế hệ thứ hai, thứ ba) ra đi mới vội vã đi tìm. Không thể lấy lại được đâu!” - GS Hoàng Chương, tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN, nói.
Chuyện ấy đã xảy ra. Những năm trước, Nhà hát Tuồng VN đã đi tìm lại tư liệu về những bậc thầy ở Viện Tư liệu phim. Nhưng số tìm được không nhiều, chỉ còn đôi ba cái tên. Đã thế, các thước phim bị hỏng rất nhiều do chất lượng và việc bảo quản phim kém. Để “chắt lấy” giọng hát hay lớp diễn của các cụ Bạch Trà, Ngô Thị Liễu, Sáu Lai, Nguyễn Thành Tôn phải tốn rất nhiều công sức mà vẫn không thể tròn vành...
Không phải năm nào cũng xuất hiện tài năng sân khấu. Có khi đến vài chục năm mới xuất hiện một nghệ sĩ tài hoa từ cách diễn đến lối hát. Bởi vậy những người xưa đã đi rồi, giờ còn lại những nghệ sĩ đã thành danh với những vai diễn để đời như: tuồng thì có Đàm Liên, Mẫn Thu, Minh Gái, Hoàng Khiềm, Hòa Bình...; cải lương có Diệp Lang, Lệ Thủy, Minh Vương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu...; chèo có Chu Văn Thức, Diễm Lộc, Mạnh Phóng, Quốc Anh, Xuân Hinh, Xuân Hanh, Thanh Ngoan, Thúy Ngần... Nhưng mỗi ngày “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, vậy nên muộn còn hơn không, cần tranh thủ ghi hình lại những vai mẫu của các nghệ sĩ thành danh ấy để thế hệ sau không phải ngậm ngùi...
Không thể ngồi chờ Nhà nước
Dự án ghi hình vai mẫu, trích đoạn sân khấu truyền thống được Viện Sân khấu - điện ảnh thực hiện trong khoảng ba năm. Năm 2013, viện sẽ ghi hình các trích đoạn chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Từ Thức, Trinh Nguyên... Năm 2014, 2015 sẽ ghi hình các trích đoạn tuồng cổ và một số trích đoạn các vở cải lương được xem là mẫu mực như Tô Ánh Nguyệt, Kiều Nguyệt Nga... Việc ghi hình này được thực hiện chọn lọc theo những vai mẫu đặc sắc không chỉ của những nghệ sĩ đã nổi danh, mà của cả những nghệ sĩ trẻ đã khẳng định được tài năng ở mỗi nhà hát khắp Bắc, Trung, Nam.
“Sân khấu truyền thống ngày mỗi mai một. Không thể cứ ngồi chờ Nhà nước, dù kinh phí hạn hẹp chúng tôi vẫn chủ động thực hiện dự án này để phần lưu giữ vốn cổ, phần kết hợp với công tác đổi mới giảng dạy cho học sinh - sinh viên đang theo học chuyên ngành sân khấu dân tộc. Ngoài ra, khi hoàn thành dự án, chúng tôi còn muốn đưa các DVD về các trường học, câu lạc bộ để học sinh được tiếp cận đầy đủ hơn về sân khấu truyền thống. Các tư liệu cũng sẽ được số hóa để sau này đưa lên Internet” - TS Đinh Quang Trung, phó viện trưởng Viện Sân khấu - điện ảnh, cho biết.
|