“Năm 1968 tôi tới miền Nam Việt Nam khi chưa hề biết thế nào là chiến tranh” - Patrick Chauvel nhớ lại. Người chú Pierre Schoendoerffer - từng là phóng viên chiến trường trong trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954 đã khuyên Patrick Chauvel nên đến Việt Nam, nơi sẽ giúp ông trưởng thành. Patrick Chauvel lên đường với lòng háo hức của cậu trai trẻ muốn được trải nghiệm hành trình mới. Ông không ngờ rằng, mình đang chuẩn bị dấn thân vào một cuộc chiến bạo liệt và tàn khốc ra sao.
Đi tìm sự thật
|
|
|
Tôi theo đuổi công việc không phải với lòng dũng cảm mà với một đức tin giúp thế giới biết sự thật
|
|
|
Patrick Chauvel
|
|
|
Patrick Chauvel tới Việt Nam đúng vào thời điểm diễn ra cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968. Ông tác nghiệp lần đầu tiên trong trận đánh tại Chợ Lớn: “Tôi đã thấy rất sốc khi phải chứng kiến cảnh những người lính bị bắn vỡ đầu”. Trận đánh quá ác liệt khiến những phóng viên có mặt tại hiện trường không thể trụ vững. “Tôi chạy thục mạng bỗng nhiên đâm sầm vào ai đấy. Khi mở mắt ra tôi mới biết đó là người lính Việt cộng. Tôi cho anh biết trên người tôi không có súng, chỉ có chiếc máy ảnh và tôi là phóng viên người Pháp chứ không phải người Mỹ. Anh ấy đã để cho tôi đi” - ông kể. Sau trận đánh đó, Patrick Chauvel bắt đầu thay đổi cái nhìn về chiến tranh. “Mỗi ngày tôi phải chứng kiến thêm những cảnh giết chóc kinh hãi, những người dân vô tội, phụ nữ trẻ em bị giết hại dã man. Tôi bị sốc một thời gian dài và đã nghĩ đến việc rời khỏi đây cũng như công việc này. Nhưng tôi quyết định sẽ tìm hiểu sự thật vì sao người Mỹ lại phải tiến hành cuộc chiến tranh này” - Patrick Chauvel nói.
Ông nhận ra, trong khi nhiều lính Mỹ băn khoăn về lựa chọn chiến đấu tại Việt Nam là đúng hay sai, thì những người lính của quân giải phóng luôn kiên cường. Patrick Chauvel không thể quên một người lính Việt cộng bị thương sau cuộc ném bom của quân đội Mỹ: “Chúng tôi nhìn thấy máu chảy ướt đầm vùng bụng, nhưng anh vẫn đứng dậy bước đi, được vài bước anh khuỵu xuống nhưng vẫn đứng dậy bước tiếp. Sĩ quan chỉ huy quân đội Mỹ vô cùng cảm phục trước sự hiên ngang của một người lính trẻ dù mới 17 tuổi. Ông giơ tay chào cậu và đưa cậu lên trực thăng để cấp cứu”. Lần khác, Patrick Chauvel có cơ hội gặp một người tù cộng sản: “Tôi biết ông là một vị chỉ huy cấp cao trong quân đội Việt Nam. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau trong hai tiếng đồng hồ. Ông ấy giải thích cho tôi biết vì sao những người lính cộng sản quyết thắng trong cuộc chiến với người Mỹ”. Ngay khi đó Patrick Chauvel nhận ra có một mặt câu chuyện mà ông chưa được biết rõ, ông muốn đi tìm sự thật. Ông quay trở lại Pháp tìm cách để đến được miền Bắc Việt Nam, nhưng tiếc là Patrick Chauvel đã không thực hiện được ý định của mình.
Sau chiến tranh Việt Nam, Patrick Chauvel tiếp tục công việc tại hơn hai mươi cuộc chiến trên khắp thế giới và đến giờ vẫn tiếp tục. Năm 1974, Patrick Chauvel bị thương khi tác nghiệp trong cuộc chiến tranh tại Campuchia, trong khi hai người bạn của ông bị mất tích đến giờ vẫn không có tin tức. Cách đây vài ngày, hai đồng nghiệp của ông mất tích tại Syria. Ông không sợ một ngày nào đó cũng sẽ mất tích, hay bỏ mạng tại một chiến trường nào đó? “Nếu tôi không làm công việc này hay ra chiến trường thì cuối cùng tôi sẽ biến mất khỏi cuộc đời. Tôi theo đuổi công việc không phải với lòng dũng cảm mà với một đức tin giúp thế giới biết sự thật” - Patrick Chauvel nói.
·
Ảnh: Minh Ngọc
|
· Patrick Chauvel trở lại Việt Nam với bộ phim tài liệu Rapporteurs de guerre - Những phóng viên chiến trường do ông đạo diễn, tham dự LHP tài liệu châu Âu diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 6 này. Bộ phim cho thấy sự khốc liệt và nguy hiểm trong công việc phóng viên chiến trường và lý giải vì sao những người phóng viên lại lựa chọn công việc này. Ông đang dự định thực hiện bộ phim về các phóng viên chiến trường Việt Nam ở cả hai phía. “Tôi muốn được cùng họ nhìn lại về chiến tranh Việt Nam, với những góc nhìn từ hai phía” - Patrick Chauvel nói.
|
·