Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
601
123.246.498

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Diễn đàn: Người đọc đang chờ đợi gì ở các nhà văn?
TT - Đại hội Hội Nhà văn VN lần 7 sẽ diễn ra trong ba ngày 23, 24 & 25-4-2005 tại Hà Nội. Làm thế nào cho hoạt động văn học nóng hơn, có nhiều tác phẩm hay hơn trong tình hình nền văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe - nhìn lấn át?
Người đọc đang chờ đợi gì ở các nhà văn VN? Nhà nước nên giúp đỡ các nhà văn như thế nào cho thật sự hiệu quả?... Đó là những nội dung mà Tuổi Trẻ muốn phát động qua diễn đàn ngắn hạn này (kéo dài đến ngày 22-4) để gợi ý thêm cho đại hội, rất mong được đón nhận ý kiến tham gia của bạn đọc và cả những người trong giới cầm bút.

Để bắt đầu, chúng tôi xin điểm qua tình hình xuất bản sách văn học hiện nay.

Sách văn học: cung và cầu

Theo thống kê của Cục Xuất bản, năm 2003, không kể lượng sách lậu khó có thể kiểm soát, có gần 210 triệu bản sách được phát hành và năm 2004 tổng số phát hành đã lên 279,5 triệu bản (tăng 11%).

Trong đó, tính riêng địa bàn TP.HCM, mỗi năm Công ty Phát hành sách (Fahasa) TP bán ra trên dưới 10 triệu bản sách quốc văn, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ bán ra trên 13 triệu bản/năm... Điều quan trọng là phần lớn số sách được tiêu thụ là sách giáo khoa, truyện tranh, sách học làm người... Vậy còn đường đi và đến của sách văn học (SVH)?

Làm một thống kê tương đối tại các NXB, nếu căn cứ vào lượng cung, có thể nhìn thấy lượng cầu về SVH của người đọc VN hiện nay không cao, cũng như thị trường SVH chưa đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức văn chương của độc giả. Ngoại trừ NXB Văn Học và NXB Hội Nhà Văn là nơi chủ yếu in SVH, lượng phát hành SVH của các NXB khác chiếm tỉ lệ rất ít trong tổng số sách phát hành, như NXB TP.HCM là 5-7%, NXB Phụ Nữ 20-30%, ngay cả NXB Trẻ - một trong những đơn vị làm sách mạnh nhất - lượng SVH được phát hành cũng không chiếm hơn 50% (không tính sách thuộc tủ sách Sống đẹp).

NXB Trẻ trong năm 2004 in khoảng gần 700.000 SVH, trong đó có  58.000 bản SVH thuộc tủ sách Tuổi hồng và sáng tác cho thiếu nhi, 301.800 SVH trong nước, hơn 331.000 SVH nước ngoài, trong đó có hơn 233.000 sách dành cho thiếu nhi. NXB TP.HCM trong năm 2004 chỉ có giấy phép cho in 10 tựa SVH, và vì sợ loại sách này hay bị đọng vốn, NXB chỉ... dám in duy nhất một tựa sách là Đường sáng trăng sao của Nguyệt Tú. Trong quí 1-2005, NXB cũng mới in duy nhất một quyển thuộc SVH là một tập hồi ký thơ. Theo NXB, sức mua SVH rất hạn chế, có quyển giảm giá 50% vẫn bán không chạy.

NXB Hội Nhà Văn từ đầu năm đến nay cũng chỉ mới in được 20 tựa sách với lượng phát hành trung bình chỉ 700 - 1.000 bản. Những quyển như Thiên thần sám hối, Lão khổ của Tạ Duy Anh - có số bản in cao nhất trong năm 2004 của NXB - cũng chỉ in đến 2.000 bản. Với văn học dịch thì sách của các nhà văn Mỹ bán chạy hơn cả, nhưng lượng phát hành SVH dịch giảm hẳn từ sau khi công ước Berne ra đời, hiện NXB chưa in được một tác phẩm văn học dịch nào trong năm 2005.

NXB Văn học trong năm 2004 cũng chỉ phát hành được khoảng 400 tựa SVH. Nhờ "thương hiệu" quen thuộc, sách của NXB in thấp nhất là 700 bản đến trung bình là 1.000 - 1.500 bản thường là vẫn bán chạy. Nhưng theo NXB, sức mua hiện cũng đang dần bão hòa.

Không nói đến sách lậu, sách trái phép làm lũng đoạn thị trường "văn hóa đọc" hiện nay, không khỏi mơ... về thời bao cấp khi mà các tác phẩm được in đều có số lượng phát hành từ 5.000 - 10.000 bản, có cuốn in đến cả vạn bản ngay lần xuất bản đầu tiên như cuốn diễn ca của Nguyên Hồ.

Trong khi đó, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của những nhà văn viết cho thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh (45 tập truyện Kính vạn hoa là bộ sách viết cho thiếu nhi giữ kỷ lục phát hành cao nhất - trên 1 triệu bản sau bảy năm - được NXB Trẻ tái bản vào năm 2003 với số lượng 7.000 bản/tập, 2 vạn bản sách Chuyện xứ Lang Biang được tiêu thụ ngay từ tập đầu tiên), rồi Bùi Chí Vinh (gần 3 triệu bản sách Tứ quái TKKG được bán ra), các tác phẩm được cho là làm nên "hiện tượng phát hành" của đất nước hiện 80 triệu dân như ở ta vẫn chỉ loanh quanh ở con số mấy ngàn bản!

Nói chung, SVH cũng như các loại sách thông thường hiện nay khá thấp về ấn bản. Nhiều quyển in ra rồi bị mất hút trong đời sống văn học, ngay cả các tác phẩm được trao giải thưởng. Tuy nhiên, những SVH hay, gây dư luận vẫn luôn được độc giả tìm đọc, chứng tỏ người đọc vẫn luôn đòi hỏi và trông chờ những tác phẩm có giá trị văn học đích thực, xứng tầm giải thưởng.

Tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo đoạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội 2003 - 2004 đã được NXB Phụ Nữ tái bản (dù số bản in cũng chỉ đến 3.000 bản); NXB Kim Đồng cũng đã cho tái bản một số tác phẩm đoạt giải của cuộc vận động sáng tác theo yêu cầu của độc giả như Một thiên nằm mộng (Nguyễn Ngọc Thuần), Những vì sao trong mơ (Nguyễn Ngọc Minh Hoa), Con nít vùng ngập lũ (Dạ Ngân), Tiếng vọng tuổi thơ (Vũ Bảo)... Thế nhưng, SVH như dạng tủ sách "Thơ với tuổi thơ", NXB Kim Đồng lại phải bù lỗ tiền tỉ.

Dù từ lâu truyện tranh, sách giải trí vẫn áp đảo thị trường sách, nhìn lại nhu cầu đọc SVH của độc giả, vẫn có thể tin tưởng SVH còn chiếm một vị thế quan trọng. Qua top 30 tác phẩm bán chạy nhất được cập nhật thường xuyên trên mạng Nhà sách VN, SVH trung bình vẫn chiếm hơn 1/3 số sách, gần đây nhất có các quyển Truyện ngắn hay 2004, Một nắm mưa trên ngôi nhà Mondrian, Đối thoại với một thế giới không có đàn bà, Đêm tái sinh, Bốn lối vào nhà cười, Cành mai sân trước, Truyện ngắn 5 cây bút nữ, Lỡ hội trăng rằm...

Nhưng cú hích nào để SVH đến tay độc giả nhiều hơn, chất lượng hơn? Đó vẫn là niềm mong mỏi chưa được giải đáp của một bộ phận bạn đọc yêu văn học.            

Linh Thoại - Theo Tuoitre Online