- Trước tiên, ông thấy tình hình TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương hơn một năm nay ra sao?
- Như tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, là phải xây dựng Cần Thơ thành trung tâm kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, y tế… cho cả vùng ĐBSCL, Cần Thơ phải góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.
Để làm được việc này, có nhiều việc rất lớn đặt ra. Tuy có thuận lợi là TP trực thuộc Trung ương, nhưng còn có nhiều cái khó. Trước hết là mặt bằng chung còn rất thấp, về cơ sở hạ tầng, về qui mô kinh tế, về nguồn nhân lực, thậm chí về đội ngũ cán bộ.
- Vậy thì đâu là chuyện cần tập trung làm trước hết?
- Quan trọng hàng đầu là phải tập trung sức xây dựng cho được hạ tầng kinh tế, xã hội để làm nền tảng, làm cơ sở vật chất cho sự phát triển TP Cần Thơ. Ví dụ xác định Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL thì trước hết mạng lưới giao thông phải gắn kết với toàn vùng. Chứ bây giờ chỉ có quốc lộ 1A độc đạo đến Cần Thơ thì khó lắm. Cho nên phải mở rộng mạng lưới giao thông nhiều hơn, tốt hơn. Thứ hai là phải xây dựng cảng thông ra với quốc tế, phải xử lý cho được luồng cửa Định An. Thứ ba là phải có sân bay quốc tế. Song song đó, phải mở rộng hệ thống giáo dục, y tế.
- Cách làm phải như thế nào?
- Phải tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng với phương châm phát huy sức mạnh tổng hợp. Với các cơ sở của Trung ương thì địa phương phải có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để họ làm. Nhiều công trình của Trung ương có cái đang làm, có cái chuẩn bị triển khai, như nhà máy nhiệt điện Ô Môn, cầu Cần Thơ, sân bay, bến cảng… Còn cái nào của TP thì ngoài ngân sách của Trung ương phân bổ thì TP phải tạo ra nguồn lực để làm. Và phải phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế để người ta đầu tư phát triển TP.
- Nhưng thưa ông, có không ít công trình, khởi công rồi “nằm ì” ra đó?
- Sau khi có Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị thì Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, rồi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng về đây bàn chuyên sâu nhiều vấn đề để xây dựng, phát triển TP Cần Thơ. Rõ ràng là đang có sự chuyển biến. Ví dụ đoạn đường từ TP HCM về đây đang được triển khai rất mạnh. Cầu Cần Thơ cũng đang xúc tiến chứ không phải động thổ rồi để đó; chắc chắn là đến năm 2008 sẽ xong như đã cam kết. Còn dự án mở rộng sân bay CầnThơ thì đã được Chính phủ duyệt và có thể đến quí 2 này sẽ khởi công nâng cấp giai đoạn 1. Rồi nhiệt điện Ô Môn, các bệnh viện lớn cũng đang được Chính phủ và các bộ quan tâm.
- So với nhu cầu xây dựng TP Cần Thơ hiện nay, ông có thấy là nguồn cán bộ của TP bị hụt hẫng không?
- Việc muôn thuở mà gần như chỗ nào người ta cũng kêu là nguồn nhân lực không đáp ứng. Cho nên nhiệm vụ đào tạo, tổ chức cán bộ phải phục tùng nhiệm vụ chính trị. Trước hết phải có nhận thức tốt về vấn đề này và phải có giải pháp tích cực. Ở Cần Thơ, như đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói là trước hết phải đào tạo cho được hai “ông thầy” - “ông thầy thuốc” và “ông thầy giáo”. Cho nên mình phải có đại học y dược, rồi đại học sư phạm.
Còn nói chung các nguồn nhân lực khác thì phải cố gắng phấn đấu đào tạo. Phải mở mang hệ thống giáo dục đào tạo, cả cao đẳng và đại học. Còn bên chính trị thì sẽ có Phân viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phân viện Hành chính quốc gia, hình thành cả trường đào tạo trực thuộc Bộ Công An ở đây để phục vụ cho cả vùng đồng bằng. Như vậy là phải chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên để giải quyết cái này.
Thứ hai là phải có qui hoạch tạo nguồn cán bộ. Thứ ba là phải có chính sách thật tốt tạo điều kiện cho anh em đi học. Rất mừng là đang có mấy quận, huyện đã chọn được năm, bảy người đi học thạc sĩ.
Ngoài việc đào tạo thì phải sử dụng cho được lực lượng hiện có. Mà ở Cần Thơ thì lực lượng này rất đông. Nếu nói về trí thức ở ĐBSCL, thì ở Cần Thơ lực lượng này rất lớn nhưng quan trọng là phải biết tập hợp, khai thác sử dụng phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa TP. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp cần có công nghệ cao thì phải bàn với Đại học CầnThơ và Viện Lúa ĐBSCL. Các lĩnh vực khác cũng có nguồn nhân lực lớn tại địa phương. Nhưng phải thừa nhận là vừa qua chúng ta tập hợp, khai thác sử dụng, phối hợp hành động chưa tốt.
- Riêng chuyện qui hoạch xây dựng, vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong các dự án khu dân cư, nhiều “dự án treo” làm khổ bà con ?
- Giờ có nhiều vấn đề cấp bách phải làm như đồng chí bộ trưởng Bộ Xây dựng mới bàn là làm sao phải có qui hoạch cho tốt để cho TP phát triển. Phải tăng cường quản lý qui hoạch xây dựng. Hiện nay Thành ủy đã chủ trương cho UBND TP rà soát lại tất cả các dự án. Dự án nào đúng, đủ điều kiện thực hiện thì giữ lại. Cái nào qui hoạch không hợp lý thì phải điều chỉnh. Dự án nào không thưc hiện thì phải thu hồi giấy phép. Để cho an dân. Vừa qua bà con nói với tôi rất nhiều về chuyện qui hoạch treo này.
- Có làm kiên quyết được không? Và thời hạn cụ thể phải xong là khi nào?
- Tinh thần là Thành ủy làm kiên quyết. Ví dụ TP đang có bốn, năm chục dự án xây dựng khu dân cư nhưng mình thấy chỉ có một số làm được. Như qua cầu Quang Trung, cái nào làm được, cái nào không, thấy là biết rồi. Mấy cái chưa làm thì UBND TP phải có trách nhiệm kiểm tra hết sức cụ thể, lí do vì sao chưa làm. Nếu ai không có khả năng thì phải thu hồi giấp phép theo đúng pháp luật và chủ trương của TP. Vừa qua cũng đã làm được một số rồi. Tinh thần là phải giải quyết khẩn trương để cho an dân.
- Còn trong cải cách hành chính, ông thấy có khó không?
- Cải cách hành chính cũng là khâu phải chỉ đạo tập trung giải quyết. Đột phá của khâu này là cải cách thủ tục hành chính, trước hết là lo thủ tục nhà đất cho dân. Thứ nữa là thủ tục cấp phép đăng ký kinh doanh. Rồi giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Một năm qua, những việc này đã có chuyển biến.
- Thành uỷ TP Cần Thơ cũng chủ trương chống tham nhũng. Nhưng sao chưa thấy giải quyết vụ nào cho rốt ráo?
- Mình đã thấy được cái “chốt” rồi. Tương đối nhìn rõ được địa bàn, đối tượng liên quan. Thí dụ ở các sở thì mắc vào thủ tục hành chính, nhất là ở các bộ phận tham mưu, chỗ này chỗ kia có biểu hiện trì trệ, “hoạch họe” dân. Thì UBND TP phải có trách nhiệm củng cố sắp xếp lại, trước hết về nhận thức, về lề lối làm việc, qui định cụ thể về phân cấp, phân quyền, trách nhiệm… Còn xử lý thì anh nào lôi thôi thì phải thay, đạo đức không tốt thì phải xử lý. Nếu anh sai phạm thì phải xử lý theo đúng pháp luật. Còn lề mề thì phải bố trí sắp xếp lại cho đúng việc, đúng người.
- Thay nhiều thì liệu có còn đủ cán bộ làm việc không?
- Nói đúng ra thì cán bộ mình không thiếu. Vấn đề là phải bố trí sắp xếp sao cho hợp lý, đúng chỗ, đúng người. Đội ngũ cán bộ của TP Cần Thơ không phải là thiếu.
- Ông vừa chủ trì hội nghị giới thiệu nhân sự cho Đại hội Đảng TP Cần Thơ. Cốt lõi của hội nghị này là gì?
- Đại hội tới đây là đại hội đầu tiên của TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương với nhiệm vụ mới to lớn và nặng nề chứ không phải như bình thường. Vì hồi trước là xã giờ trở thành phường, hồi trước là TP trực thuộc tỉnh giờ là TP trực thuộc Trung ương. Cho nên phải khẳng định đây là đại hội có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Đó là xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm phát triển của ĐBSCL. Cần Thơ phải trở thành đô thị loại 1 trước năm 2010. Và Cần Thơ phải hoàn thành công nghiệp hóa trước năm 2020.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này thì tổ chức cán bộ là vấn đề quyết định. Tiêu chuẩn chung là cán bộ phải có phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực thực tiễn, nhất là phải đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng TP Cần Thơ là thành phố trung tâm ĐBSCL. Hội nghị này mở rộng ra để giới thiệu cán bộ theo hướng này cho Đại hội Đảng TP sắp tới.
- Thưa ông, nguồn cán bộ chính cho nhu cầu này, từ đâu ra?
- Không ai khác hơn là từ chính chúng ta. Vấn đề là phải sắp xếp bố trí cho phù hợp, qui hoạch đào tạo cho đúng nhu cầu. Tức là tại chỗ là chính. Nếu dân ở đây không làm được thì ai làm thay cho ta? Cho nên phải khẳng định: quyết định sự thành công ở đây là do nhân dân ở đây và do đội ngũ chúng ta.
- Giả sử đâu đó thiếu cán bộ chủ chốt thì sao?
- Thì phải thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ. Nếu như từ nay tới đại hội thấy chỗ nào cần phải tăng cường cán bộ thì phải làm ngay từ bây giờ. Mà nếu như tăng cường thấy gắt quá, sợ bầu bán lôi thôi bè cánh không đạt thì sau đại hội sẽ tăng cường. Cái đó thuộc về thẩm quyền của cấp ủy trong bố trí sắp xếp cán bộ. Nhưng nếu như chỗ đó đại hội rồi, vẫn làm không tốt thì mình có quyền điều chỉnh. Đó là việc bình thường.
- Thực lòng thì hiện nay ông đang băn khoăn chuyện gì nhất trong công tác cán bộ?
- Vấn đề lớn nhất bây giờ là phải làm thông suốt nhận thức trong đội ngũ cán bộ. Về ý thức phải thấy rõ được yêu cầu, nhiệm vụ. Coi mình làm chức này chức nọ là do sự phân công của tập thể. Ở trong cấp ủy cũng tốt mà ra khỏi cấp ủy cũng vui vẻ không có chuyện gì. Như Bác Hồ nói, cán bộ là công bộc của dân. Từ đó không giành chức, giành quyền gì hết. Thứ hai là phải qui hoạch cán bộ thật tốt. Muốn vậy phải có dân chủ, khách quan và đánh giá đúng cán bộ để bố trí và có kế hoạch đào tạo cho tốt.
- Nhưng thưa ông, trước đại hội Đảng, thường thấy cảnh nhiều cán bộ mất đoàn kết hoặc “dĩ hòa vi quí”?
- Thường là vậy. Tới mùa đại hội thường có thưa kiện lùm xùm. Tới mùa đại hội thì cán bộ mình co thủ, giữ cho an phận. Chính cái đó nó làm hại cho kinh tế xã hội, phát triển không được. Cho nên ngay bây giờ, như đồng chí Tổng Bí thư vừa nói, một đại hội thắng lợi là phải chọn đúng người đúng việc, phải hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Cho nên chuẩn bị đại hội kỳ này có nghĩa là xúc tiến việc tổ chức làm tròn nhiệm vụ kinh tế xã hội. Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ phải là đại hội của trí tuệ, đoàn kết, quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
- Trở lại hội nghị cán bộ trước Đại hội Đảng TP Cần Thơ, sẽ có hi vọng gì?
- Cuộc hội nghị này thay vì chỉ mời hai trăm cán bộ, mình đã mời hơn ba trăm cán bộ để lấy ý kiến rộng rãi, dân chủ giới thiệu cho Đại hội tới bầu chọn ra 49 cán bộ vào cấp ủy theo đúng tiêu chuẩn.
Phải tạo ra sự chuyển biến mới. Trước hết phải bố trí cán bộ Đảng đáp ứng được yêu cầu theo nhiệm vụ mới. Thứ hai là cán bộ phải trẻ hơn. Thứ ba là có cơ cấu cán bộ nữ và có cán bộ trong các ngành kinh tế. Tóm lại là trí thức hơn, trẻ hơn, và có đủ cơ cấu trong các ngành kinh tế. Vì xây dựng TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của vùng mà mấy ông sở quan trọng không có trong cấp ủy thì không được.
Làm tổ chức cán bộ phải thật sự công khai, dân chủ, không bè cánh. Hội nghị này giới thiệu được nhiều cán bộ. Trên cơ sở đó, Thường vụ Thành ủy làm việc kỹ, sàng lọc ra theo tiêu chuẩn, theo nhu cầu nhiệm vụ rồi đưa ra Ban Chấp hành Thành ủy lấy ý kiến./.