Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.845 tác phẩm
2.760 tác giả
431
122.963.600

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
UNESCO “xiết” danh hiệu di sản
Hậu danh hiệu, Hội An luôn chú ý đến chính sách bảo tồn. Bài chòi cũng đã được tái hiện - Ảnh: Ngữ Thiên Việt Nam sẽ phải tự lựa chọn để mỗi năm không có quá 1 hồ sơ ứng cử di sản văn hóa phi vật thể, không quá 2 hồ sơ vật thể, và nên đẩy mạnh bảo tồn “hậu danh hiệu”.

 

 

Hồ sơ đờn ca tài tử cơ bản đã xong từ năm 2011, nhưng phải chờ tới cuối năm nay mới “gửi lời chào ban giám khảo và bắt đầu phần thi của mình”. Theo thông tin từ Cục Di sản, hiện mỗi năm chúng ta sẽ chỉ trình một hồ sơ di sản văn hóa theo yêu cầu của UNESCO. Chính vì thế, kế hoạch dự kiến là cuối năm nay Việt Nam trình hồ sơ đờn ca tài tử, sang năm sẽ trình hồ sơ danh thắng Tràng An, Ninh Bình.


 

 

Về việc có phải UNESCO đang “xiết” các hồ sơ di sản của Việt Nam hay không, TS Dương Bích Hạnh, Văn phòng UNESCO Hà Nội, cho biết tổ chức này cũng yêu cầu các nước khác điều tương tự. “Mỗi năm một quốc gia không được nộp quá 2 hồ sơ di sản. Hằng năm, tổ chức chỉ xét 45 hồ sơ trên toàn thế giới. Vì thế, nếu Việt Nam nộp 2 hồ sơ, sẽ có khả năng UNESCO trả về 1”, bà Hạnh nói. Đây cũng chính là lý do đờn ca tài tử phải lùi lại để ưu tiên cho tín ngưỡng Hùng Vương.

 

“Hướng dẫn thực hiện công ước về di sản văn hóa vẫn có những danh sách ưu tiên được nộp nhiều hồ sơ hơn. Ví dụ nước chưa có di sản nào, nước mới gia nhập công ước trong 10 năm trở lại đây sẽ được ưu tiên như vậy. Việt Nam không thuộc tiêu chí ưu tiên nào nên sẽ chỉ được nộp 1 hồ sơ”, bà Hạnh phân tích.

 

Chuyên gia này cho biết thêm hiện trên diện toàn cầu thì tỷ lệ di sản văn hóa quá lớn so với di sản thiên nhiên và hỗn hợp. Với Việt Nam cũng có chuyện chênh lệch trên. “Việt Nam có làm hồ sơ thì cũng nên ưu tiên 2 loại di sản thiên nhiên hoặc di sản hỗn hợp. Chẳng hạn như năm nay, Tràng An làm hồ sơ cũng theo tiêu chí cảnh quan văn hóa, tức là hỗn hợp cả yếu tố thiên nhiên lẫn yếu tố văn hóa”, bà Hạnh nói.

 

Hậu danh hiệu

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một chuyên gia (đề nghị giấu tên) cho rằng việc “xiết” số lượng hồ sơ nộp hằng năm cũng có điều hay. Nó khiến người ta phải nhìn lại, xem sau danh hiệu là điều gì khiến mình phải “chạy đua” để chiếm chỗ của hồ sơ duy nhất. Theo TS Nguyễn Thế Hùng, chúng ta đã 2 lần bị UNESCO “nhắc nhẹ” về việc quản lý di sản văn hóa tại các cuộc họp hội đồng di sản. Theo đó, Huế và Hạ Long đã được đưa vào danh sách có vấn đề về quản lý.

 

Tuy nhiên, ngoài Huế và Hạ Long, cũng còn có những di sản có vấn đề trong quản lý mà thông tin chưa lộ ra ngoài, hoặc chúng ta đang “đóng cửa bảo nhau” để chưa bị nhắc nhở. Chẳng hạn, thực hành quan họ kiểu đám đông “đồng ca” quan họ cho thấy chính nhà quản lý văn hóa ở Bắc Ninh cũng chưa nhận thức đúng về giá trị di sản này. Xẩm hiện đang héo mòn vì những buổi diễn mà nghệ sĩ đeo kính đen giả mù rất xúc phạm người xẩm. Bởi đôi mắt hỏng không phải là đặc trưng của nghệ thuật này... Chúng ta đang còn có quá nhiều thực hành văn hóa xấu.

 

Nhưng ngay cả chuyện “đóng cửa bảo nhau” cũng sẽ khó bưng bít được hết thông tin. Bởi UNESCO sẽ cử chuyên gia sang tìm hiểu việc thực hiện các cam kết của Chính phủ trong hồ sơ ứng cử. Họ sẽ sang cả bằng con đường chính thức với các đoàn kiểm tra, hoặc không chính thức như một khách du lịch. Khi đó, không ai dám chắc danh hiệu di sản có ở lại với Việt Nam hay không, nếu các cam kết không được thực hiện. Và, từng xảy ra chuyện UNESCO rút danh hiệu di sản đã trao. Việc xiết hậu kiểm của tổ chức này là có thật.

 

Một TS của Viện Nghiên cứu văn hóa cho biết: “UNESCO có một loại hồ sơ những nơi thực hành tốt trong bảo tồn di sản. Việt Nam lại chưa chú ý đến hồ sơ này. Chúng ta đang trong tình trạng cứ công nhận xong là đi làm hồ sơ cái mới. Kèm theo danh hiệu, UNESCO cũng sẽ có khoản tiền hỗ trợ cũng như chuyên gia hỗ trợ. Khoản tiền đó đáng kể hơn nhiều nếu so với tiền đi kèm danh hiệu di sản đại diện nhân loại.  Cứu di sản cần bảo vệ khẩn cấp là điều UNESCO ưu tiên hơn”.

Ý kiến:

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền: Sống trong cộng đồng hơn là tổ chức liên hoan

Tôi nhận được thông tin cuối năm nay sẽ không tổ chức liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ để tiết kiệm chi tiêu. Điều này cũng không ảnh hưởng tới sự tồn tại của đờn ca tài tử, bởi lối chơi này trong dân phát triển rất mạnh. Sự linh hoạt của lối chơi đã khiến đờn ca tài tử len lỏi được trong cuộc sống. Vì thế, sức sống của nó rất mạnh và bớt đi một liên hoan không làm ảnh hưởng gì đến sức sống đó. 

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: Tránh bỏ lửng, tránh chi tiêu không hiệu quả

Có hai xu hướng hiện đã xuất hiện và chúng ta nên tránh trong việc bảo tồn các di sản được UNESCO công nhận.

Đầu tiên là việc bỏ lửng. Có những di sản sau khi vinh danh các nghệ nhân không được tôn vinh, chăm sóc. Việc phát triển di sản đó trong dân cũng làm cầm chừng.

Thứ hai, có trường hợp di sản trở thành lý do để thu hút đầu tư ngân sách, và việc chi tiêu cho nó cũng chưa hợp lý. Chẳng hạn có di sản lập dự toán kinh phí chương trình bảo tồn đến vài trăm tỉ đồng, sau đó được góp ý lại giảm đi một nửa dự toán. Chúng ta không thể chi quá nhiều cho chỉ một di sản, để rồi ảnh hưởng tới tổng kinh phí cho những việc khác. 

 

 

 

Trinh Nguyễn - TN0