Cha đẻ một chương trình ca nhạc được đề cử giải Cống hiến từng chia sẻ về việc chỉ còn nửa tháng nữa là chương trình bắt đầu mà lượng vé bán được chưa ra sao. Lo càng lo hơn vì thời điểm đó anh không có cách gì đẩy mạnh quảng cáo cho chương trình. Bởi theo quy định hiện hành, nhà tổ chức chỉ được treo 20 băng rôn quảng cáo, và cũng chỉ được treo trước lúc diễn 15 ngày. “Lượng băng rôn quảng cáo cho phép quá ít và thời gian cũng quá ngắn. Như thế rất khó cho nghệ sĩ”, vị nhạc sĩ không dám “vượt rào" treo băng rôn nói.
Biết sai nhưng vẫn phải làm
Nhưng có những chương trình dù không muốn cũng phải vượt rào để quảng bá. Liên hoan xiếc quốc tế năm 2012 tại Hà Nội là một dẫn chứng. Là chương trình giao lưu, việc quảng bá nhắm nhiều hơn tới việc rạp kín người. Ban tổ chức chương trình cũng thật thà đến mức ghi cả số điện thoại của Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam lên băng rôn. “Liên hoan xiếc quốc tế, tôi bị Sở Thông tin - Truyền thông cắt số điện thoại, đúng theo quy định. Do treo quá số lượng băng rôn thì người ta mới cắt. Rồi làm công văn sang đề nghị người ta cũng trả lại số điện thoại thôi, không bị mất tiền”, ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói.
Một bầu show ở Hà Nội tiết lộ nhiều khi biết sai, nhưng vì sự sống còn của chương trình, đành phải phạm luật. Khi đó, số băng rôn thực tế sẽ nhiều hơn số cho phép đã đành, còn phải chuẩn bị cả phần “hậu cắt băng rôn” của Thanh tra sở. Thanh tra cắt là đơn vị lại treo lại. Tốn kém đội lên nhưng hiện đó vẫn là cách quảng bá chương trình khả dĩ nhất về hiệu quả lẫn kinh tế.
Từ ý kiến của nghệ sĩ cho thấy không phải lúc nào quảng cáo phi băng rôn cũng có hiệu quả với nghệ thuật biểu diễn. Bởi theo họ, chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông quá đắt. Việc dùng băng rôn lại rất thuận lợi khi tiếp cận với vùng ngoại vi TP. Chưa kể có những loại hình như xiếc lại nhắm tới trẻ em - đối tượng mà bố mẹ đang kiểm soát chặt việc lướt mạng. “Quảng cáo bằng trực quan trên đường rất quan trọng”, ông Vũ Ngoạn Hợp nói về cách thức dùng băng rôn.
|
|
|
Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để treo băng rôn. Vậy tại sao luật không cho phép có những cột quảng cáo lịch sự để chúng tôi treo quảng cáo một cách sòng phẳng. Và tại sao không cho chúng tôi treo lâu hơn để khán giả tiếp cận được thông tin
|
|
|
Một nhạc sĩ
|
|
|
Chậm quy hoạch, thiệt nghệ sĩ
Đại diện Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết hiện Sở đã đưa ra giải pháp cho treo băng rôn kép tại các điểm cho phép. Như vậy, nhu cầu treo băng rôn cũng sẽ được giải quyết phần nào. Tuy nhiên, điều mà nghệ sĩ trông chờ còn hơn thế. Họ thậm chí sẵn sàng trả tiền để treo băng rôn đúng vị trí nhiều hơn. “Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để treo băng rôn. Vậy tại sao luật không cho phép có những cột quảng cáo lịch sự để chúng tôi treo quảng cáo một cách sòng phẳng. Và tại sao không cho chúng tôi treo lâu hơn để khán giả tiếp cận được thông tin”, một nhạc sĩ nói.
Theo thông tin từ Sở VH-TT-DL Hà Nội, hiện Sở đang tính toán mở rộng hệ thống cột treo khoảng 250 điểm. Tuy nhiên, cả việc mở rộng lẫn quy hoạch quảng cáo ở Hà Nội đang gặp khó khăn do nhiều tuyến đường đang mở, quy hoạch có thay đổi. Sở cũng sẽ giải quyết triệt để tình trạng băng rôn chạy ngang đường trong quý 3 năm nay. Ngành văn hóa Hà Nội muốn anh em nghệ sĩ chuyển dần sang các hình thức quảng cáo khác.
Một lo lắng khác từ các nhà quản lý là nhiều đơn vị kinh doanh sẽ dùng chương trình nghệ thuật để quảng cáo trá hình. Tuy nhiên, trong điều kiện các chương trình nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật khó làm ăn như hiện nay, việc doanh nghiệp hỗ trợ nghệ thuật cũng là điều nên khuyến khích. Nếu sợ thất thu từ quảng cáo, hoàn toàn nên có một quy định thu có cân nhắc cho những liên kết nghệ thuật - doanh nghiệp như vậy.
Dù thông cảm với nhà quản lý, song có thể thấy những quy định cho quảng cáo nghệ thuật biểu diễn giờ đang “ngặt” với nghệ sĩ và nhà tổ chức. Vì thế, có lẽ rất nên xem xét lại quy định số lượng, địa điểm, thời gian cho việc treo băng rôn quảng cáo nghệ thuật để công chúng khỏi thiệt thòi, nghệ sĩ có thêm cơ hội
.
|