Bộ sưu tập do 14 người mẫu nghiệp dư trình diễn. Những người mẫu này vốn là nữ sinh Trường Trưng Vương (Sài Gòn) cách đây khoảng 40 năm. Chương trình gồm 5 phần, đan xen những bài hát gợi nhớ về một Hà Nội xưa. Kết hợp với phần trình diễn của các người mẫu là những mẫu thiết kế được chiếu lên màn hình lớn. Khán giả có thể hình dung được những chiếc áo dài tứ thân, ngũ thân của gần 100 năm trước hoặc nhận diện, so sánh giữa mẫu thiết kế với những chiếc áo dài Le Mur đang lượn lờ trên sân khấu…, từ đó mới thấy được sự cách tân táo bạo của họa sĩ thiết kế đồng thời nể phục cặp mắt đầy mỹ cảm của ông để cho ra đời những chiếc áo dài vừa nhã nhặn thướt tha, vừa khép nép chừng mực đúng chất phụ nữ Á Đông, để đời sau tôn vinh một biểu tượng rất đẹp, rất riêng của phụ nữ Việt Nam.
Theo nhiều tư liệu để lại thì vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, họa sĩ Nguyễn Cát Tường là thành viên nhóm Tự Lực Văn Đoàn (gồm Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ…). Nhóm này chủ trương cách tân đổi mới, giải phóng phụ nữ.
Thời ấy, phụ nữ (miền Bắc) chỉ chơi rặt cái “mốt”: che phần ngực là một dải yếm mặc phía trong chiếc áo dài tứ thân truyền thống màu thâm, nâu hoặc đen, hai tà áo phía trước buộc chéo lại ở phần thắt lưng, còn “quần” chỉ là chiếc váy đụp (rỗng hai đầu, buộc túm ở phần cạp), cho nên mới có câu ca dao “Cái trống mà thủng hai đầu/Bên ta thì có, bên Tàu thì không”… Họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1911 - 1946), quê ở Sơn Tây, tốt nghiệp khóa 4 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1933), khi tham gia nhóm Tự Lực Văn Đoàn ông đề ra phương châm: “Quần áo tuy dùng để che thân, song nó là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ, trí thức của một đất nước”. Ông lấy cảm hứng từ chiếc váy đầm của phụ nữ phương Tây với những kiểu nối vai (raglant), tay phồng, cổ lá sen… áp dụng vào kiểu áo dài tứ thân, ngũ thân truyền thống và cách tân chỉ còn hai vạt dài. Đặc biệt, ông dùng những chất liệu có màu sắc sặc sỡ thay cho những màu vốn thâm u của áo dài truyền thống. Những màu sắc tươi sáng này, khi mặc kết hợp với chiếc quần trắng, đi giày cao thì cứ y rằng trông người mặc tươi sáng hẳn lên. Vì tên là Tường nên họa sĩ lấy bút danh Le Mur Cát Tường (le mur tiếng Pháp nghĩa là bức tường), và những kiểu áo dài cách tân của ông cũng được gọi là “Áo dài Le Mur”.
Nhóm Tự Lực Văn Đoàn cũng cật lực cổ súy cho “Y phục phụ nữ tân thời” (chữ dùng trên báo Phong Hóa, 1934). Trên tờPhong Hóa, họa sĩ Nguyễn Cát Tường phụ trách một chuyên mục có tên “Vẻ đẹp xin tặng các bà, các cô”, mỗi số báo đều giới thiệu một vài mẫu y phục do ông vẽ kiểu. ông còn hợp tác với hiệu dệt Cự Chung (phố Hàng Bông, Hà Nội) để xuất xưởng những chiếc áo dài Le Mur đầu tiên. Từ đó, áo dài Le Mur phổ biến từ bắc chí nam, từ các nữ sinh cho đến quý bà đều ưa thích.
|