Phải tự chòi đạp để sống
NSND Mạnh Tưởng, Đoàn Cải lương Hoa Mai – Hà Tây, năm nay đã 71 tuổi đã xúc động bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với các đồng nghiệp phương Nam: “Các bạn đã cố chòi đạp để sống, để giữ lấy nghề ngay trên chiếc nôi đã sản sinh ra mình”.
Tác giả Hữu Lộc, Trưởng đoàn Long An, cho biết: “Lương diễn viên chính cao nhất là 70.000 đồng/suất, công nhân hậu đài 30.000 đồng/suất. Để có đủ kinh phí nuôi sống anh em, đoàn hát phải nài nỉ quỹ Công đoàn các huyện, đưa cải lương về diễn mùa khô. Đến mùa mưa coi như đoàn “nghỉ khỏe”. Chưa tính đến chi phí dàn dựng, mua sắm, tiền lương... phải lo cho một năm lên tới 450 triệu đồng, lấy đâu kinh phí để nghĩ đến việc đoàn đầu tư cho các vở đỉnh cao”.
Bất hạnh hơn là trường hợp vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung – Trần Thiện (Đoàn Cải lương Tây Đô – Cần Thơ) cách đây 5 tháng trên đường đi tập tuồng tham dự hội diễn đã bị xe tải chở cát gây tai nạn giao thông dẫn đến cưa chân trái của chị Kiều Mỹ Dung và vá xương chậu của anh Trần Thiện. Cả đoàn đã nghèo lại phải chung vai gánh vác việc nuôi bệnh hai vợ chồng anh chị và hai con nhỏ.
Đoàn Văn công Đồng Tháp có 47 người lương cao nhất 1,1 triệu đồng/người/tháng. Cả năm 2004 đoàn diễn 140 suất, vượt chỉ tiêu 20 suất. Cuối năm cộng sổ mỗi thành viên được thưởng thêm một tháng lương. Cầm trong tay số tiền thưởng ai cũng xúc động. Vì hơn 10 năm qua, đoàn diễn đủ chỉ tiêu không mắc nợ là mừng, có dám mơ đến việc dư chỉ tiêu. Không ít nghệ sĩ cải lương ở các tỉnh ĐBSCL phải tìm thêm thu nhập bằng việc đi gặt lúa, tưới rẫy để nuôi sống gia đình và bản thân.
Cải lương miền Bắc sống khỏe
Tham gia hội diễn năm nay có sáu đoàn cải lương miền Bắc: Hoa Mai (Hà Tây), Nhà hát Cải lương Hà Nội, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Đoàn Cải lương Thanh Hóa, Đoàn Cải lương Nam Định. Đoàn Hoa Mai – Hà Tây một năm được cấp kinh phí 600 triệu đồng, trong đó mức lương chi cho cả đoàn gồm 35 diễn viên, công nhân hậu đài là 300 triệu đồng. Còn lại là chi phí dựng vở, từ 120 triệu đến 150 triệu đồng. Năm 2004 đoàn diễn 150 suất, trong đó có 100 suất đạt doanh thu, 50 suất diễn phục vụ. Lương diễn viên 1,2 triệu đồng/tháng đủ chi phí sinh hoạt ở một tỉnh như Hà Tây. Đoàn cải lương Nam Định một năm được cấp kinh phí 480 triệu đồng, trong đó mức lương cao nhất là 1,3 triệu đồng/tháng. Năm 2004 Đoàn Cải lương Nam Định diễn được 200 suất, nhờ có rạp Bình Minh được xây dựng khang trang trên phố Trần Hưng Đạo. NSƯT Quang Trí, Trưởng Đoàn Cải lương Nam Định, cho biết: “Anh em nghệ sĩ đoàn tôi tự hào là sống được với nghề, chẳng ai phải làm nghề tay trái”.
Điều gây ngạc nhiên cho các đoàn nghệ thuật cải lương trên đất Bắc là vì sao các đồng nghiệp phương Nam, nơi được xem là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương, lại sống khổ sở đến như vậy?
Ông Nguyễn Thanh Đời, Trưởng Đoàn Cải lương Tây Đô – Cần Thơ: “Năm 2004 đoàn diễn 90 suất, chủ yếu phục vụ trong tỉnh, không dám đi lưu diễn vì không còn kinh phí. Để tự thu, tự chi, đoàn nhận sân bãi diễn với mức vé 3.000 đồng/vé, mỗi suất bán được 600 đến 700 vé nhờ vậy mà anh em có thêm những bữa cơm no. Nếu Nhà nước cứ buông nghệ thuật cải lương như hiện nay, không hỗ trợ thêm kinh phí để chúng tôi cải tổ sân khấu, hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nhằm lôi kéo khán giả đến với cải lương thì vài năm nữa chưa chắc chúng tôi còn tồn tại để đến với hội diễn”.