Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.843 tác phẩm
2.760 tác giả
455
122.962.348

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hát chùa
NSƯT Út Bạch Lan và NSƯT Thoại Mỹ trong vở Phật hoàng Trần Nhân Tông - Ảnh: NS cung cấp Tháng bảy Vu lan về, nhiều nghệ sĩ rộn ràng lên đường đi hát sô chùa. Niềm vui không kém gì chạy sô bên ngoài. Và khán giả của họ thật đáng yêu…
 
 

 

 

NSƯT Út Bạch Lan nổi tiếng nhất trong giới hát chùa. Bà lập hẳn một đoàn hát nho nhỏ gọi là Hoa Lan Trắng. Hoa Lan Trắng có tuổi đời khoảng 17 năm, từ hồi NSND Út Trà Ôn còn sống. Duyên nợ hát chùa đến với bà thật tình cờ. Bà kể: “Lần đó tôi đi chùa, cũng bình thường như các Phật tử khác thôi. Nhưng tôi chợt nghĩ, sao mình không đem nghề sân khấu của mình ra phục vụ, chuyển tải những bài học đạo lý của Đức Phật thành câu ca giọng hát, bà con sẽ dễ tiếp nhận hơn. Hòa thượng Thanh Từ thường dạy, bố thí cơm gạo vật chất đã là quý, nhưng bố thí giáo pháp để người ta biết sống hướng thiện lại còn quý hơn nữa. Thế là tôi về nói với anh Út Trà Ôn, tụi mình lập nhóm đi hát chùa, anh chịu liền. Mấy em cháu nghệ sĩ nghe tôi kêu đi hát là vui vẻ lên đường”. Đoàn hát ban đầu định lấy tên Hoa Sen nhưng mọi người bảo cứ lấy luôn biệt danh của cô Út cho dễ nhớ và ấn tượng, thế là Hoa Lan Trắng ra đời.


 

 

Sầu nữ Út Bạch Lan hồi trẻ làm mưa làm gió trên các đại bang cải lương, giờ lại có mặt khắp các tỉnh thành, ai cũng yêu mến bà. Một lần theo bà về chùa Trúc Lâm tỉnh Đồng Tháp, xa một trăm mấy chục cây số, lại phải qua đò sóng gió, vậy mà bà vẫn hát rất khỏe, làm một hơi mấy bài vọng cổ. Năm nay bà đã 80 tuổi, bị gai cột sống, vậy mà dám đi “xuyên tỉnh” kiểu này có tâm phục khẩu phục không chứ. Sáng xuất phát từ Sài Gòn đi Mũi Né, hát xong liền vọt xuống Cà Mau, vừa hạ màn là tài xế lái xe đi luôn trong đêm để kịp về miền Đông hát tiếp buổi sáng. Cùng cộng tác với bà là những diễn viên khá tên tuổi như NSƯT Diệu Hiền, Tô Châu, Chí Cường, Hồng Lan, Lý Thu, Thanh Sử, Minh Quân, Duy Mỹ, Hoàng Vũ... cùng hai nhạc công guitar và organ.

 

Còn một đoàn cũng rất nổi tiếng là Bông Sen Sài Gòn do bà bầu Phượng Trang thành lập năm 2008. Chị vốn là cháu gọi bà bầu Kim Chưởng bằng cô ruột. Khi các đoàn cải lương tư nhân tại các tỉnh tan rã, chị về gom anh em lại lập nhóm đi hát chùa cho đỡ nhớ nghề. Đoàn hấp dẫn cả những diễn viên đang trong biên chế của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Có Diệu Thanh (con NSƯT Diệu Hiền), Ngọc Sương, Như Hạnh, Yến Loan, Cẩm Thúy, Bửu Hoàn, Hoàng Xinh, Hoàng Bửu, Minh Đức… và nhạc công Duy Khải, Hoàng Thịnh. Ai cũng qua tuổi 40, 50 nhưng máu nghề còn sôi động lắm. Chuẩn bị cho tháng bảy Vu lan, nghệ sĩ Duy Mỹ đã dàn dựng vở Ngọc Lộ Kim Bàng, kéo nhau tập tuồng trong miếu Ngũ Hành đường Ngô Gia Tự quận 10. Con hẻm ngoằn ngoèo dẫn vào một ngôi miếu nhỏ có ông quản trị cũng thuộc dòng dõi nghệ sĩ nên cho đoàn tập tuồng thoải mái. Miếu đang trùng tu nên xi măng gạch đá ngổn ngang, nhưng bà con trong xóm vẫn xúm đen xúm đỏ coi mặt nghệ sĩ, tới mấy lớp Hoàng Xinh hài hước thì đám trẻ con cười ngặt nghẽo, còn mấy cụ già cũng khoe hết hàm răng rụng, nói: “Hay quá, hay quá!”. Thật cảm động khi thấy cải lương trở về nằm trong lòng nhân dân, dù nghèo nhưng đầy âu yếm. Và càng cảm động khi thấy nghệ sĩ thuộc lời vanh vách, không cần ai nhắc tuồng.

 

Hát “chùa” là đi hát ở chùa, nhưng cũng có nghĩa là đi hát miễn phí. Không đoàn nào lấy tiền, chỉ nhận tiền xe do chùa hỗ trợ. Nếu chùa khá hơn thì bỏ phong bì cho mỗi diễn viên vài trăm ngàn. Mà có khi thấy chùa nghèo quá, anh em cúng lại hết, thậm chí bù luôn tiền xe, hoặc còn vận động bà con đem gạo xuống cứu trợ. Kịch mục đoàn nào cũng phong phú, đủ cả vọng cổ, trích đoạn, tấu hài. Nổi bật nhất là trích đoạn Hòa thượng cua, Mục Liên tìm mẹ, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Bức họa thần kỳ...

 

 

 

Hoàng Kim - TN0