Xem hiện vật không cần vào bảo tàng
Nhiều phóng viên đã không thể ghi hình trưng bày chuyên đề Đèn cổ để so sánh với trưng bày ảo này trên trang web củaBảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội). Phòng trưng bày này đã đóng cửa. “Mỗi đợt trưng bày chuyên đề của chúng tôi chỉ kéo dài vài tháng. Vì thế phòng trưng bày ảo sẽ giúp khách có thể tham quan trưng bày chuyên đề khi nó không còn nữa”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói.
Trên trang web của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhấn vào hai phòng trưng bày ảo là Hiện vật Phật giáo và Đèn cổ Việt Nam, công chúng sẽ được xem lần lượt các hiện vật với các thông số chiều cao, chất liệu, tuổi tác, kèm theo lời thuyết minh. Họ cũng sẽ biết vị trí của từng hiện vật đó trong phòng trưng bày thật. Cũng tại phòng trưng bày này, một số bài nghiên cứu liên quan nằm trong kho tư liệu để mọi người có thể đọc, xem bổ sung. Đây chính là hai phòng trưng bày được chọn để thí điểm dự án bảo tàng ảo với không gian 3D.
Bảo tàng ảo cần sự tương tác
|
|
Đang có một làn “sóng ngầm” xây dựng trưng bày ảo tại nhiều khu di tích, bảo tàng. Đây là xu hướng được đánh giá là bắt kịp công nghệ của thế giới. Các nước tiên tiến đều đã có bảo tàng ảo từ những năm 2008 như Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Tự nhiên quốc gia Mỹ, Bảo tàng Vatican... Về giá thành thực hiện bảo tàng ảo, TS Vũ Mạnh Hà cho biết chi phí chỉ bằng 1/10 so với thực hiện ở các nước như Mỹ, Pháp.
|
|
|
Tuy nhiên, điểm yếu của bảo tàng ảo cũng chính là điểm yếu của hệ thống bảo tàng nói chung. Mỗi trưng bày hiện vật đều thường thiếu những câu chuyện đi kèm được ví như linh hồn của bảo tàng. Vì thế, thật tiếc khi tới phòng trưng bày hiện vật Phật giáo, người xem không được giải thích vì sao bảo vật quốc gia trống đồng Cảnh Thịnh lại nằm ở đó. Hoặc giả câu chuyện ly kỳ khi nhà khảo cổ học nhờ đi lạc lại tìm thấy chiếc đèn hình người quỳ - một bảo vật quốc gia khác - hoàn toàn không được nói tới trong trưng bày ảo. Với những hiện vật - cổ vật đẹp lộng lẫy như hiện vật trong hai phòng trưng bày ảo này, công chúng vẫn còn có thể thích nhờ hình thức của chúng. Còn với những hiện vật lịch sử có giá trị khác, nhưng lại không bắt mắt như hiện vật gốm mộc mạc của Bãi Cọi, việc thiếu câu chuyện chắc chắn sẽ khiến công chúng dễ bỏ qua.
Ngoài các câu chuyện đi kèm hiện vật, một điều cần lưu ý nữa khi làm trưng bày ảo là các trò chơi tương tác với bảo tàng. Hiện phiên bản ảo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới chỉ có phần hiện vật trưng bày mà chưa có các trò chơi nhằm thu hút công chúng nhỏ tuổi. Điều này cũng giống với phiên bản ảo của Bảo tàng Dân tộc học - nơi đã làm trưng bày ảo trước cả Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nếu sự sinh động của phiên bản thật Bảo tàng Dân tộc học hấp dẫn có tiếng, thì sức hút của phiên bản ảo lại thầm lặng. Có nhiều lý do dẫn đến kết quả đó, nhưng khả năng tương tác của bảo tàng ảo tại Bảo tàng Dân tộc học cũng là một nguyên nhân. Tương tự, với phiên bản đang chạy của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khả năng hút thêm công chúng mới chưa có gì rõ ràng, bởi trong khi nhu cầu đi bảo tàng ở nhiều nước rất cao, thì ở nước ta điều đó vẫn xa vời.
“Chúng tôi hiện mới đang ở trong quá trình hoàn thiện trưng bày ảo của Bảo tàng Nhân học. Chương trình này cho phép có những trò chơi tương tác với công chúng. Tôi đã cho con trai và nhiều cháu cùng độ tuổi tiểu học cùng chơi, và các cháu chơi hào hứng”, Phó giám đốc Bảo tàng Nhân học Nguyễn Hương Thảo cho biết. Học mà chơi chính là cách Bảo tàng Nhân học “ra chiêu” để hút công chúng trẻ. Chẳng hạn, khi học về xương, học trò có thể chơi các trò chơi ghép những bộ xương trên máy tính.
Về sự tương tác này, TS Vũ Mạnh Hà - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết trong tương lai, bảo tàng ảo cũng sẽ phải có những trò chơi tương tự. Chẳng hạn, muốn vượt qua một thử thách, công chúng phải trả lời đúng câu hỏi về một câu chuyện lịch sử nhất định. Đây cũng là nội dung của Phòng Khám phá mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia sắp mở cho thiếu nhi, bên cạnh CLB Em yêu lịch sử đã từng có.
Theo một chuyên gia bảo tàng, nếu không bổ sung trò chơi tương tác và câu chuyện hiện vật, các bảo tàng ảo nhiều khả năng rơi vào nguy cơ chỉ để hút khách du lịch nước ngoài - những người đã có văn hóa đi bảo tàng rồi.
“Sau Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi còn 3D hóa toàn bộ khu di tích Nguyễn Du, các làng quan họ và một số khu di tích khác. Hiện chúng tôi đang dự kiến tái hiện cồng chiêng Tây nguyên. Chúng tôi cũng hy vọng hấp dẫn giới trẻ bằng nút có chức năng chia sẻ bảo tàng ảo này trên mạng xã hội”, ông Vũ Quốc Việt, đại diện công ty thực hiện trưng bày ảo nói.
|