Những chiếc lò xo xoắn mềm mại, một đầu gắn mây còn đầu kia đính vào thân mũ xung thiên. Cả lò xo, cả vân mây đều bằng vàng, và có thể rung rung nhẹ khi nhà vua di chuyển. “Chiếc mũ phục dựng này lần đầu tiên được trưng bày”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, nói. Đây là một trong nhiều chiếc mũ vua được ông Vũ Kim Lộc, một nhà làm kim hoàn phục dựng sau nhiều năm nghiên cứu. Và cho dù chiếc mũ còn gây quan điểm trái chiều về một chi tiết phải thẳng hay cong, thì đây cũng là một kỳ tích trong việc tái hiện lịch sử.
Ngoài chiếc mũ được phục dựng, các hiện vật đã qua phục chế tại trưng bày trang sức cổ hầu như không có. Chúng đều là các hiện vật gốc, thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Niên đại của các đồ trang sức này trải dài qua các thời kỳ. Thời tiền sơ sử với đồ trang sức từ vỏ nhuyễn thể. Văn hóa Phùng Nguyên với rất nhiều đá ngọc. Trang sức Đông Sơn phổ biến với chất liệu đồng, kiểu dáng hoa văn đa dạng... Trang sức văn hóa Óc Eo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Ấn Độ. Trang sức cung đình triều Nguyễn đặc biệt quý hiếm và hoàn mỹ, trình độ chế tác đạt tới đỉnh cao. “Qua triển lãm, chúng ta có thể hình dung được sự phát triển của tư duy thẩm mỹ người Việt qua từng thời kỳ lịch sử”, PGS-TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết.
Câu chuyện về từng thời đại
|
|
|
Qua triển lãm, chúng ta có thể hình dung được sự phát triển của tư duy thẩm mỹ người Việt qua từng thời kỳ lịch sử
|
|
|
PGS-TS Vũ Quốc Hiền
Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia
|
|
|
Không chỉ đẹp, các hiện vật còn mang đến câu chuyện riêng về chính mình và thời đại. Chẳng hạn, theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hiện vật đa dạng của văn hóa Phùng Nguyên cho thấy vào thời đó, chúng ta đã có hai công xưởng chế tác đồ trang sức đá quy mô lớn, đạt trình độ chuyên môn hóa nhất định. Hai công xưởng đó đặt ở Tràng Kênh, Hải Phòng và Bãi Tự, Bắc Ninh. Nguyên liệu chế tác đá được nhập về từ thượng Miến Điện. Các sản phẩm làm ra cũng được tiêu thụ ra cả thị trường bên ngoài. Trang sức hình hai đầu thú nổi bật của văn hóa Sa Huỳnh cũng được tìm thấy ở Thái Lan, Philippines. Điều này cho thấy giao lưu văn hóa đường biển rất sớm của cư dân Sa Huỳnh.
Trưng bày cũng có một hiện vật tuy là trang sức nhưng lại liên quan đến âm nhạc. Đó là một bao tay đeo chuông nhạc bằng đồng, từ thời văn hóa Đông Sơn. Theo ông Chiến, đây là một hiện vật vô cùng quý hiếm.
Đặc biệt, những trang sức của thời Nguyễn trong trưng bày này có kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao. Trong số đó, chiếc bác sơn bằng vàng nạm đá quý thời chúa Nguyễn, thế kỷ 18 vô cùng nổi bật. Đây là trang sức che trán của phụ nữ hoàng tộc thời chúa Nguyễn. Hiện vật được chạm tinh xảo hoa văn mây, sóng nước, chim phượng và hoa lá. Kỹ thuật kéo vàng thành sợi ở đây vô cùng cao. Theo ông Hiền: “Kỹ thuật này ngay cả người Trung Quốc đương thời cũng khâm phục. Còn chúng ta hiện nay không thể tái hiện được”.
Mặc dù vậy, những hiện vật tại trưng bày này đều được nghiên cứu kỹ về nguồn gốc. Chẳng hạn, bảo tàng có thể chắc chắn về nguồn gốc của các trang sức thời Nguyễn. Những trang sức này đều được làm từ trong nước chứ không phải nhập từ Trung Quốc.
“Chúng ta biết triều đại phong kiến đều có bộ phận ngự xưởng - xưởng riêng của nhà vua”, ông Chiến nói và cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh được nhiều sản phẩm trong đó nghiên cứu ấn triều Nguyễn, bằng ngọc vàng đều của ngự xưởng. Đương nhiên, ngự xưởng tập trung đội ngũ thợ tốt nhất trong nước. Trong trưng bày thì đây là đồ từ ngự xưởng”. Điều này có thể thấy rõ nhất ở chiếc kim bài trang sức gắn trên áo thể hiện quyền uy cho người đeo nó. Thời Nguyễn có cục chế tác riêng để làm kim bài.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là tiến trình lịch sử của những đồ trang sức trong triển lãm này lại bị đứt đoạn vào thời Lý, Trần. Thời kỳ đó, chúng ta có rất ít hiện vật, đặc biệt là hiện vật vàng. “Cho tới giờ hiện vật vàng thời đó chúng ta chỉ có mấy chiếc đĩa vàng hiện chưa được trưng bày, và mới nhất có thêm chiếc hộp vàng hoa sen được tìm thấy ở Yên Tử. Đây là một khoảng trống”, ông Chiến nói. Thiếu hụt là vậy nên muốn phân tích và chứng minh tính kế thừa của các đồ trang sức qua nhiều thời kỳ đến nay vẫn còn là một nhiệm vụ phải làm mà chưa thể làm được thấu đáo.
Trưng bày Trang sức cổ Việt Nam gồm 100 tài liệu, hiện vật quý hiếm đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trưng bày diễn ra từ 30.8 đến hết tháng 12.2013 tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
|