Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
616
123.244.808

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Liệu có còn cơ chế xin-cho?
Hội thảo về Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xuất bản: Ngày 13.4, tại TPHCM, Cục Xuất bản, Bộ VHTT tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Xuất bản. Theo ý kiến chung, những quy định trong dự thảo có sự mập mờ chung chung về câu chữ, nên dường như đằng sau đó vẫn thấp thoáng bóng dáng cơ chế xin-cho.

Theo dịch giả Đoàn Tử Huyến, luật mới (2004) đã bãi bỏ  một số thủ tục phiền hà như việc cấp giấy  chấp nhận kế hoạch xuất bản.  Tuy nhiên, trong luật vẫn còn những điều bất cập khác, nó chỉ là bước luật hóa  những gì đã tồn tại trong thực tế xuất bản ở nước ta và để ngỏ một số khả năng khác...

 

Một số khả năng khác bỏ ngỏ ở đây được các giám đốc NXB nhấn mạnh là dù trong luật mới đã bỏ giấy chấp nhận đăng ký kế hoạch đề tài, thì  điều 10 của nghị định dự thảo vẫn nhắc đến kế hoạch xuất  bản và quản lý đăng ký, cũng như  việc phải thông qua cơ quan chủ quản xét duyệt... Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM Trần Đình Việt  nhấn mạnh: "Nhiều người chú ý đến cụm từ Cục Xuất bản thông báo và  quản lý đăng ký kế hoạch đề tài của nhà xuất bản". Nội hàm của từ "thông báo" và "quản lý" ở điều 10 chưa được nói rõ. Liệu có còn cơ chế xin-cho nữa không? Tương tự, đại diện NXB Giáo dục Nguyễn Quý Thao cũng nêu rõ: Nếu  NXB phải đăng ký kế hoạch với Bộ VHTT qua Cục Xuất bản, thì liệu cục có  thể trả lời ngay trong vòng 10 ngày không? Liệu chỉ với tiêu đề và vài dòng tóm tắt tác phẩm, cục có nắm được nội dung cuốn sách sắp ra không? Việc đăng ký kế hoạch này có  tương tự giấy chấp nhận xuất bản đang làm? Hay đó chỉ là một cách diễn đạt khác đi mà thôi? Ngoài ra, việc đăng ký kế hoạch qua cơ quan chủ quản cũng sẽ tạo khó khăn như trước.

 

Một số nội dung cụ thể của chính sách ở Luật Xuất bản 2004 điều 6 có  nhiều điểm khó trở thành hiện thực. Theo ông Nguyễn Văn Dòng - Giám đốc Công ty in Trần Phú,  điểm a, điều 2 ghi: "Cấp kinh phí  đào tạo đội ngũ làm công tác xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trong và ngoài nước". Nhưng kinh phí do ai cấp? Cấp cho NXB hay cho việc đào tạo biên tập viên? Hoặc trong luật mới  những quy định cũ vẫn còn. Thậm chí, nghị định dự thảo nói không rõ bằng các văn bản trước. Các NXB có phải xin phép Cục Xuất bản nữa hay không? Nếu nói không rõ, các đơn vị sẽ gặp khó khăn trong nhiều khâu, đặc biệt trong in ấn.

Cuối cùng, thông điệp  mà nhiều NXB đề cập đến là  cần quy hoạch, phân loại các NXB, chấm dứt hoạt động của những nhà xuất bản không hiệu quả, Nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi cùng cơ chế toàn vốn đối với NXB để họ thực hiện việc xuất bản sách, cần có chính sách đào tạo đội ngũ biên tập viên giỏi nghề.

Minh Thi - laodong