* Ở những câu chuyện trong TK20 trở về trước, nhà văn bao giờ cũng gắn với nghèo (như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao) và cái nghèo của nhà văn gắn với sự sang trọng. Độc giả đã từng yêu nhà văn của họ theo cách như vậy. Theo chị, những nhà văn và độc giả của thế kỷ này đã hoặc có ý định phá bỏ định kiến đó?
- Nghèo và sạch và tự nguyện lĩnh kiếp nạn của những tiên sinh nhìn thấy trước tin dữ mà báo trước cho đồng loại phòng bị - đó là sự sang trọng của nhà văn. Các nhà văn cám ơn rằng người đọc đã nhận ra và yêu điều đó. Nhưng yêu đến mức định kiến thì không nên. Định kiến đó chỉ thích hợp trong một nền văn chương viết tay, thậm chí viết trên tre, nứa và bản khắc gỗ, với một phạm vi phổ biến tác phẩm rất hẹp chứ không cho một thời đại toàn cầu hoá.
Thời toàn cầu hoá, nhà văn vẫn có thể vừa giàu vừa "sạch", vừa là những tiên tri lên tiếng báo tin dữ cho đồng loại phòng bị nó.
* Tôi có thấy một số nhà văn giàu ở VN. Nhưng đáng buồn là họ không giàu vì nghề viết? Chị buồn hay vui trước suy nghĩ này?
- Tất nhiên là buồn. Buồn không chỉ cho văn chương mà cho cả độc giả. Cho cả một nền kinh tế và văn hoá của đất nước. Xem chừng xã hội ta đang quá hiếm hoi người lương thiện có thực tài mà giàu được. Đó là một tin dữ kéo dài "in đi in lại" ngày này qua ngày khác, ảnh hưởng tới bước tiến của một đất nước.
* Theo chị, vì sao nhà văn VN không giàu? Vì họ không thực giỏi hay vì công chúng không quen mua sách? Họ viết sách chỉ để tặng hay muốn bán mà không được?
- Nhà văn Việt Nam không giàu vì nhiều lẽ:
1. Nền văn hoá đọc ở ta đang èo uột và suy dinh dưỡng: Có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ sẵn sàng bỏ cả nửa triệu đồng để nhậu cùng bạn bè tháng dăm bảy bận, nói những câu chuyện tầm phào hoặc bao gái, bia ôm nhưng bỏ thời gian để đọc hoặc bỏ ra vài chục ngàn đồng thì không. Xin đừng nói với tôi rằng: Sách không đáng đọc. Từ xưa đã không có ai đủ mông muội để nói như vậy chứ đừng nói thời cách mạng tri thức như ngày nay.
2. Nhà văn bị tước đoạt và tự tước đoạt: Chúng ta có truyền thống canh rất kỹ những chuồng gà, xe đạp và những đồ vật có thể sờ nắn được bằng tay. Chúng ta đuổi đánh chí chết ngay cả những người bần cùng ăn cắp trứng gà trong ổ. Nhưng chúng ta mỉm cười rất dễ thương, bao dung, độ lượng, thậm chí còn tôn vinh những người in lậu sách và trộm cắp sở hữu trí tuệ.
Trong khi bảo vệ và tôn vinh quyền sở hữu trí tuệ là một biện pháp căn băn bản nhất để thúc đẩy xã hội từ chỗ chỉ biết đi bộ đến lúc biết bay. Khi sở hữu trí tuệ không được bảo vệ thích đáng, cả xã hội có nguy cơ bị chìm trong mông muội, và những người ăn cắp trứng gà đến kẻ trộm bản quyền cũng bị thiệt thòi. Như thế, nhà văn bị tước đoạt sự giàu có mà lẽ ra cuốn sách hấp dẫn đáng đọc của họ đã mang lại.
Nhưng nhà văn cũng thường tự tước đoạt của mình, nếu không cố gắng, nếu vô cảm, nếu chỉ tính tới sự lợi lộc cho chính mình. Không dám "tới bến", ngay cả tự hạn chế mình cho "lùn" đi. "Lùn" hơn nhiều so với cái ngưỡng cho phép vốn đã không cao của Nhà nước quy định.
Chính những tầng lớp trung gian quản lý văn hoá văn nghệ lại hay "phiên dịch" theo chiều hướng quá khắt khe chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thêm một lần nhà văn sợ hãi tự tước đoạt chính kiến của mình và không chia sẻ khát vọng của bạn đọc. Đương nhiên họ không giàu vì số lượng bản sách giảm.
3. Thiếu một thị trường kinh doanh xuất bản phẩm lương thiện với những nhà kinh doanh dài hơi dám bỏ vốn lớn để quảng bá tiếp thị: Những nhà kinh doanh sách lớn - nghĩa là phải biết cách tạo nên những cơn sốt như Harry Potter (Tất nhiên nếu có nhà văn viết được như vậy). Xã hội sẽ được lợi về trí tuệ khi có những nhà kinh doanh lớn về xuất bản phẩm.
* Có một định kiến trong xã hội hiện nay: Sách văn học bán chạy là ít có giá trị nghệ thuật ?
- Cái này xưa rồi - cũng xưa tương tự định kiến nhà văn thì phải nghèo. Để cho người có tài có tâm lương thiện mà nghèo là sự tủi hổ của xã hội.
* Ở VN có những cuốn sách hay mà không bán chạy. Chị có nghĩ là do chúng ta chưa biết PR (tiếp thị, quảng bá) một cách chuyên nghiệp?
- Hoàn toàn đúng. Tôi hi vọng nhìn thấy những nhà PR lớn - những ông, bà "bầu" xứng đáng của chúng tôi vào một ngày không xa.