Nếu Hoàng Quốc Hải trăn trở bức xúc “Nỗi niềm văn học đỉnh cao”, thì Nguyễn Quang Sáng nói “vo” những chuyện rất “làng nho”.
“Mối quan hệ giữa Tự Đức và Nguyễn Du, hay là vấn đề muôn thuở của tự do sáng tác” là tên tham luận của Trần Mạnh Hảo được đọc thống thiết, đề cập những vấn đề như “mối quan hệ giữa đòn roi và thi ca”, khẳng định nhà văn là giới thấp cổ bé miệng trong khi lẽ ra họ phải là thượng đế trong chân trời sáng tác của riêng mình.
Cuộc đời người ta có sai có đúng, theo Nguyễn Quang Sáng đời ông sai nhiều hơn, và ông đã chọn dịp này để lên tận diễn đàn xin lỗi nhà văn Bảo Ninh, vì trong nhiệm kỳ của mình đã không bảo vệ được tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh - tức Thân phận của tình yêu dù ông từng bỏ phiếu cho tác phẩm này đoạt giải thưởng Hội nhà văn 1990.
“Với một số người, trong đó có tôi, đã đến thời điểm: đi chỗ khác chơi (Ngô Thảo - "Nâng cao địa vị xã hội của nhà văn”): “Khi nào biết mình hết viết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo...”
Lên diễn đàn vì “bỗng dưng” lại có tên trong bài viết của Trần Mạnh Hảo, rằng các nhà văn khi viết cứ bị ám bởi các nhà quản lý văn hoá, nhà văn Khổng Minh Dụ thanh minh đại ý: các anh chỉ làm theo chức năng, chủ yếu là để bảo vệ văn nghệ sĩ, còn cơ quan cấp trên là A25 không hề có một dòng nào nói tới chức năng “phán xét” đối với tác phẩm văn học, giám định tác phẩm văn học “Tiếng nói của chúng tôi không có một gờ-ram nào cả. Là một người viết tôi cũng day dứt, đau khổ lắm chứ”.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải “tâm trạng”: “Tròn 60 năm từ ngày văn chương báo chí đi theo cách mạng. Tỉ lệ mắc sai lầm về tư tưởng, chính trị, kinh tế trong đội ngũ văn chương báo chí là thấp nhất so với bất cứ một ngành nghề nào. Thế mà độ tin cậy của nhà quản lý đối với nhà văn lúc nào cũng ở mức thấp nhất”.
Bên lề Đại Hội:
Văn nghệ sĩ thường đãng trí, thế nên Nguyễn Thị Minh Thái cứ lẫn lộn giữa Trần Huy Quang và Ánh Hồng, giữa Văn Chinh và Anh Chi. Trong khi đó Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vừa gặp chị đã: “Tôi nhận ra chị rồi, trên ti vi chị nói rất hay về phê bình văn học”.
Trần Bảo Hưng chưa phải đảng viên nhưng lại có tên trong danh sách đàng hoàng, có giấy mời dự hội nghị đảng viên trước ngày khai mạc chính thức. Còn Trần Thị Trường chưa kịp rút tên trong danh sách đề cử đã thấy công bố, không hiểu ai đã tự động làm việc ấy hộ chị. Thành ra cuối cùng tên Trần Thị Trường rút đến 2 lần. Điều khiển chủ tịch đoàn, Hữu Thỉnh buột miệng “Phan Thị Vàng Anh, nữ, 216 tuổi”. Đúng ra là 216 phiếu, bầu vòng 1. Không sao, Vàng Anh đã trở thành uỷ viên chấp hành trẻ nhất Đại hội nhà văn kỳ này.
Hình ảnh cánh chim được ít nhất hai nhà văn chọn dùng. Một, nhà văn Kim Quyên ở đồng bằng sông Cửu Long, gọi Tổng thư ký nhiệm kỳ 6 Hữu Thỉnh là “cánh chim không mỏi, bay đến khắp miền đất nước” đặng giúp đỡ anh chị em, khiến chị rất cảm động! Nhà văn Hà Bình Nhưỡng trong tham luận kêu gọi BCH cần có một vùng trời văn học ấm áp cho các nhà văn ở vùng đất ấm lành là TPHCM lại ví “các nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi như những cánh chim đơn lẻ, tuy đông mà không được bay đàn”.
Trần Mạnh Hảo - Nguyễn Huy Thiệp làm lành? Hai người cười rất tươi góp mặt trong một bức ảnh chung. Trần Mạnh Hảo kể khi anh vừa từ diễn đàn đi xuống, Nguyễn Huy Thiệp liền tới bắt tay, sau đó mời Hảo đi ăn trưa, có Nguyễn Việt Hà chứng kiến.
Ai có bệnh tật cần chữa trị hãy gặp lương y Đinh Nam Khương - chính nhà văn Hà Tây này đã kêu gọi như thế. Là người làm thuốc lâu năm ở chùa Hương, nhà thơ họ Đinh hứa chữa miễn phí 1/3 cho các văn hữu xa gần, không hiểu có nhiều “con bệnh” đặt niềm tin vào một nhà thơ làm thuốc chưa?