Cũng dễ hiểu, tác giả của Khói - cuốn tiểu thuyết có cái tên rất ngắn và rất mở kia, có nhiều “khuôn mặt” khác nhau trong cuộc đời thực: võ sư, nhà báo, nhà nhiếp ảnh tự do, và hình như, một chút gì đó anh chị giang hồ. Người đọc, trước một cái tên lạ, thường suy đoán theo nghề nghiệp, nhân thân tác giả, và lựa chọn cầm cuốn sách lên cũng theo suy đoán tương tự. Độc giả của Khói vì vậy cũng được mở rộng ra nhiều phía và nhân lên nhiều lần
.
Có rất nhiều điều có thể nói về Khói: một bức tranh xã hội VN biến đổi qua hơn 40 năm qua thân phận những con người có quá nhiều thăng trầm, đau đớn, mất mát; một thế giới của những con người bên lề, thậm chí dưới đáy, âm thầm, tủi nhục, bạo lực, đen tối nhưng cũng đầy nghĩa khí; những câu chuyện tình đẹp, hoặc lâm ly, hoặc bạo liệt, hoặc thơ mộng trong veo... vắt qua hai thế hệ... Nhưng, có thể nói, cái đọng lại nhiều nhất sau khi đọc Khói, đó là tình bạn đàn ông của bốn con người: Dũng Khói - Quang - Thành đại nhân - Tuấn.
Tình bạn kỳ lạ và thủy chung, đầy tự ái và đầy chia sẻ ấy đi suốt cuộc đời bốn người đàn ông, khiến họ sống người hơn, giúp họ qua những cơn khốn khó hiểm nguy nhất. Và tình bạn đàn ông ấy xuyên suốt cuốn sách, giữ cho cuốn tiểu thuyết một sự cuốn hút nam tính mà nền văn học Việt Nam, vốn giàu nữ tính, ít khi có được.
Dũng Khói, nhân vật trung tâm, đương nhiên là người đàn ông hấp dẫn nhất, “trong Dũng Khói có nhiều tôi nhất” - như lời tự bạch của tác giả.
Sức hấp dẫn kiểu nhân vật Dũng Khói khá lạ. Dũng là một chàng trai đẹp và có học, có võ thuật và trọng chữ tín - hình mẫu khá chuẩn trong văn học đông tây kim cổ. Dũng Khói yêu ngây thơ, chân thành, say đắm và thậm chí lụy tình - hình ảnh khá phổ biến trong văn chương lãng mạn. Dũng Khói bị số phận xô đẩy đến tận đáy xã hội, từng làm trùm bãi vàng, từng vào tù ra tội - hình mẫu “tướng cướp” anh hùng cũng chẳng còn xa lạ bấy lâu.
Nhưng dồn tất cả những tính cách ấy, những từng trải ấy cho một số phận, với tất cả những trải nghiệm cá nhân, với sự lịch lãm của một người đi nhiều biết rộng, rồi thả vào cái cốt cách đàn ông ấy rất nhiều cái tôi của mình, Đoàn Bảo Châu đã tạo nên một Dũng Khói rất không giống ai: một người đàn ông có sự bùng nổ ghê gớm từ khi còn phải ghìm nén trong thân xác của một cậu trai 15 tuổi, dám bài binh bố trận trừng trị tên lưu manh kiêm đồ tể khét tiếng nhất xóm ven đô để trả thù cho mẹ, và cũng là một chàng trai 18 khờ khạo run rẩy trước mối tình đầu trong hình hài người đàn ông gần 50, trái tim cũng như cơ thể đều sần sẹo sau hằng hà sa số những tai ương của cuộc đời.
Ba người đàn ông khác: Quang, Thành đại nhân và Tuấn không có nhiều đất như Dũng Khói, không được tác giả “yêu” bằng Dũng Khói, nhưng cũng đủ khiến cho người đọc nhớ. Và sợi dây liên kết bền chặt giữa họ với nhau, dù có lúc có chút ghen tuông vì cùng yêu chung một cô gái, có chút so sánh thở dài vì thằng này đẹp trai con nhà giàu hơn thằng kia, có chút đắng cay vì nhìn bạn trượt dài mà mình chẳng thể níu được... vẫn là một tình bạn đẹp mà bất kỳ ai trong cuộc đời cũng ao ước một lần mình được có.
Sau làn Khói, có rất nhiều số phận, sau Khói, có nhiều cảnh đời, và từ trong Khói, có nhiều người đàn ông.