Nhiều học giả đã lên tiếng về công mở cõi, ý thức khẳng định chủ quyền biển đảo của chúa Nguyễn Hoàng. Giờ đây, trong triển lãm thêm một công trạng của ông cũng được nêu rõ: đặt quan hệ bang giao giữa hai nước. Nó thể hiện qua quốc thư do chính quyền chúa Nguyễn Hoàng gửi Mạc phủ Hideyoshi (Nhật Bản) để đặt quan hệ giao thương. Quốc thư đề niên hiệu Quang Hưng thứ 14, triều Lê Trung hưng 1591.
“Cuối thế kỷ 16 - 17, giao lưu văn hóa, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ. Chúa Nguyễn cho phép các thương gia Nhật Bản lập phố Nhật ở Hội An để buôn bán. Nhiều thương gia Nhật đã lấy vợ người Việt, sinh con, lập nghiệp lâu dài tại Hội An”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử nói. Thương nhân Việt còn được coi là đã mang con voi đầu tiên tới Nhật Bản. Khảo cổ học Nhật Bản cũng đã phát hiện nhiều gốm cổ Việt Nam có niên đại sau thế kỷ 14.
Một hiện vật khác cũng cho thấy mối giao lưu Việt - Nhật là bức tranh Vạn quốc nhân vật. Bức tranh được chia khoảng 40 khung, mỗi khung vẽ một nhóm nhân vật. “Đây là hình ảnh người Nhật tưởng tượng về người các nước. Trong đoạn thứ ba có bức liên quan đến Việt Nam. Trong khung này vẽ phụ nữ và đàn ông. Cạnh người nữ vẽ chữ Đông Kinh, chỉ phụ nữ Bắc Việt. Vẽ chữ Giao Chỉ, chỉ người nam ở miền Trung”, một đại diện Nhật Bản cho biết.
Các hiện vật đáng chú ý nữa là: Châu Ấn trạng (giấy phép đóng dấu đỏ) do Mạc phủ Tokugawa cấp cho Châu Ấn thuyền tới Giao Chỉ quốc (Đàng Trong) buôn bán, thời kỳ Edo năm 1614. Tranh cuốn Châu Ấn thuyền Giao chỉ độ hàng vẽ cảnh thuyền vượt biển tới Hội An (Đàng Trong) buôn bán, thời kỳ Edo, thế kỷ 17 - 18.
Triển lãm còn giới thiệu nhiều hiện vật quý khác.
|