Một cảnh hát quan họ - Ảnh: Hà Hương
Hội Lim đông chen với tiếng loa đài mở to hết cỡ của những bài hát nhạc mới, làn điệu quan họ dường như tan biến đi đâu.
Đã nhiều năm nay, người ta truyền tai nhau lời khuyên: muốn nghe quan họ đừng về hội Lim. Và rồi, sau những kỷ lục hàng nghìn người hát, sau những ồn ào vì cảnh liền chị ngả nón xin tiền, hội Lim vẫn đông nhưng không còn giữ niềm vui của người quan họ.
Lời khuyên như xát muối đó khiến cả những liền anh, liền chị của đất Bắc Ninh cũng trở nên ngần ngại, ít lời khi nói về ngày tết của người quan họ quê mình. Câu “người ở đừng về” cũng chẳng còn níu nổi những người yêu quan họ nữa.
Vậy nhưng, thoát khỏi tiếng loa đài náo nhiệt, đi vòng ra sau đồi Lim là một không gian khác, cái không gian quan họ tưởng đã mất từ lâu lắm rồi. Những canh hát quan họ theo lối cổ vẫn diễn ra từ lúc trời bắt đầu tối và có khi kéo dài đến gần về sáng. Không nhạc đệm, không loa đài và cũng từ chối cả những làn điệu nhạc mới, quan họ cổ trở lại và ru hồn người nghe trong gian nhà đơn sơ của một liền anh quan họ.
Nhà anh hai Chiến ở phía sau đồi Lim vào hội từ đêm 12 tháng giêng âm lịch. Anh hai Chiến chào khách bằng điệu quan họ, mời nước bằng một điệu khác. Những làn điệu quan họ cổ quấn quít lấy từng chén trà, trong tiếng xôn xao của khách tìm về nghe quan họ cổ. Người con trai của anh hai Chiến thì bảo: “Người quan họ chúng cháu ăn tết đến hết rằm tháng giêng. Hội hát quan họ còn quan trọng chẳng kém gì tết truyền thống. Bố cháu đã nuôi gà từ nửa năm trước, bánh chưng thì mới gói đêm qua để đón khách phương xa”.
Và rồi, để lại những ồn ã trên đồi Lim, những anh hai, chị hai vào canh hát quan họ. Bàn trà được dọn ra ngoài hiên, sàn nhà trải đôi ba chiếc chiếu cói, làn điệu quan họ cổ cất lên mượt như nhung. Chị hai ca câu “Tìm duyên”: Tìm người khắp hội chùa Lim / Đến hội chùa Diềm chẳng thấy người đâu... Anh hai xin chịu, đành đối ý và xin ca câu: Tìm người xứ Lạng... Cứ thế, đêm càng sâu, canh hát càng say. Mệt mỏi, giá lạnh, đêm khuya không còn cản trở những điệu hát được người quan họ gìn giữ bao nhiêu năm tháng. Hát liên tục hơn năm giờ, anh hai, chị hai giữ giọng chỉ bằng một ít quất chua và muối hạt. Câu giã bạn dùng dằng cũng kéo dài đến hơn nửa đêm.
Anh hai Chiến ngoài ca quan họ còn ra vào chào khách, mời trầu mời nước. Cả năm dồn lại một ngày, anh hai Chiến bảo càng đêm hát càng hay, càng mệt hát càng trong. Sau đêm hội, cất tấm áo the, khăn xếp, anh hai Chiến lại trở về với cuộc sống của một nông dân trên đồng ruộng. Nhưng đến hẹn lại lên, quan họ vẫn được giữ lại và trao truyền thông qua những canh hát đêm giản dị như thế này. Và nhờ thế, quan họ cổ vẫn còn, dù càng ngày càng tách xa tiếng trống hội trên đồi Lim.
Hội Lim: không dẹp nổi nạn “chặt chém”, móc túi
Ngày 12-2 (13 tháng giêng âm lịch), hàng vạn du khách thập phương đã đổ về thị trấn Lim, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh để tham dự hội Lim - lễ hội lớn nhất trong năm của Bắc Ninh. Cách đồi Lim chừng 2km, ôtô, xe máy, xe đạp ken chật cứng đường. Từ cổng vào đồi Lim, bãi gửi xe, quán ăn, quán lưu niệm mọc kín. Trong khuôn viên đồi Lim, nơi có các lán hát quan họ, các trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi, người người chen lấn, xô đẩy nhau khiến bụi mù bung trắng xóa. Không ít du khách vừa phải bịt khẩu trang vừa thưởng thức quan họ.
Trong khi đó, rải rác xung quanh khu vực lễ hội là người khuyết tật, người hát rong, người xin tiền. Nhiều người ăn xin không ngần ngại ngồi giữa đường, kéo tay du khách để xin bằng được tiền.
Mặc dù lực lượng công an, cảnh sát cơ động được điều động đông đảo để đảm bảo an ninh lễ hội nhưng nạn “chặt chém”, móc túi vẫn diễn ra ngang nhiên. Theo quy định của UBND tỉnh, giá vé giữ xe tối đa trong ngày hội là 25.000 đồng/chiếc nhưng nhiều bãi gửi xe của các hộ gia đình xung quanh “chém đẹp” khách đến 40.000-50.000 đồng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Hoàng - chủ tịch UBND thị trấn Lim, trưởng ban tổ chức lễ hội Lim - cho biết năm nay thị trấn Lim huy động toàn bộ lực lượng công an, dân phòng 30 người, dân quân tự vệ 30 người cùng với sự hỗ trợ của hơn 80 công an huyện và 170 công an tỉnh nhưng vẫn không thể ngăn chặn được nạn “chặt chém” và móc túi. Với đối tượng ăn xin, theo ông Hoàng, ban tổ chức thành lập tiểu ban bố trí xe gom đối tượng về một chỗ, sau đó chở đi cách xa hội Lim 100km để đảm bảo cảnh quan lễ hội.
KIỀU LINH
|
|