Tối 1 và 2.3, Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) hơn ngàn ghế, không còn một chỗ trống. Giữa không ít người trẻ, trang phục lịch sự, sang trọng, là nhiều ông bà cụ tuổi 70, 80 vẫn chịu khó leo lầu, nhất quyết gặp lại “cố nhân”.
Không yêu sao được, vì những “cố nhân” một thời nay trở về ngọt ngào quá đỗi. Thanh Sang, Phượng Liên hút hồn người vì giọng hát nao lòng. Đạo diễn Hữu Châu và Bảo Quốc có một xử lý tuyệt vời khi cho tắt bặt toàn bộ âm thanh và ánh sáng để duy nhất câu vọng cổ của Thi Sách (Thanh Sang) cất lên trên dàn hỏa, bao nhiêu tinh hoa dồn hết vào tâm trạng người xem trong khán phòng lặng phắc. Đến những lớp diễn để đời của Thanh Nga thì bà “có mặt”, bởi không ai có thể thay thế nổi. Bà hiện ra trên màn hình đen trắng cùng đôi mắt sâu thẳm nỗi buồn. Khán giả khóc. Vừa vỗ tay, vừa khóc…
Rồi những Bích Vân công chúa (Xuân Lan), Mã Tắc (Hùng Minh), Chương Hầu (Bảo Quốc), cụ Đô Trinh (Quốc Nhĩ) làm kinh ngạc mọi người vì phong độ vẫn như xưa. 37 năm bào mòn nhan sắc nhưng không bào mòn giọng ca, nét diễn. Người ta thích xem lại đúng những người năm ấy, để mà thương nhớ, hoài niệm. Nhưng không có nghĩa là khán giả chối bỏ hiện tại, cho nên pháo tay vẫn giòn giã dành cho Hồng Loan (đúp vai Trưng Trắc), Phương Hồng Thủy, Tú Sương (Trưng Nhị),Thành Lộc (Tào Quyên), Thanh Hằng (Thánh Thiên), Ngọc Giàu (nàng Tía), Hồng Nga (Lê Chân), Hữu Châu (Tô Định), Gia Bảo (đúp vai Chương Hầu), Vũ Luân (Đông Bảng)...
Cải lương như vậy không mê sao được!