Đã đành là giấc mơ có tác phẩm hay luôn ám ảnh các nhà văn, song, ở đại hội này, theo quan sát và ghi nhận của riêng tôi, với góc nhìn của người bình luận văn nghệ, thì khao khát lớn nhất của nhà văn có thể là chưa phải viết được tác phẩm hay, mà là sự được tỏ bày cái khao khát được tự do sáng tạo trong cái viết. Được tự do viết và tự do chịu sức ép từ phía người đọc.
Tôi nhìn thấy và nghe thấy trong lời phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh rằng, tự do sáng tạo của nhà văn VN hiện đại được Đảng và Nhà nước hết sức tôn trọng và trân trọng.
Thế nên, hai ý kiến có vẻ “công” nhau giữa nhà thơ Khổng Minh Dụ, phụ trách A25, và nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại thực sự giống nhau về bản chất. Một nhà thơ thực thi chức trách của người coi sóc an ninh cho văn hóa văn nghệ, còn một nhà thơ thực hiện bổn phận và nghĩa vụ đương nhiên của một công dân và cả hai đều khao khát được tự do viết. Và cả hai có thể; theo tôi đều ngộ ra rằng, hóa ra chẳng có ai ngăn cản được sự sáng tạo tự do của nhà văn.
Đó là phát hiện của tôi, mà tôi tự cho là lý thú nhất khi ngồi ở vị trí người nghe. Còn thú vị hơn, khi ra hành lang đại hội, thấy nhà văn cao tuổi Trần Kim Trắc, tóc bạc xóa, cười hiền lành bảo, tự do nhất của tôi là khám phá xem người đọc cần gì, mong đợi ở tôi cái viết thế nào, cho tôi chiều chuộng họ theo cái đẹp văn chương của riêng tôi. Tôi chỉ thích chiều độc giả, mà không thấy ai bàn soạn đến.
Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến có một tham luận rất hay về tiến Việt, mà không đọc tại đại hội, nhưng tôi đọc thấy nồng nàn một tình yêu tiếng Việt, và thấy ông đã đánh động một tình trạng ngổn ngang đó là người ta viết tiếng Việt khá là tùy tiện ẩu tả, và tiếng Việt văn chương đang bị tha hóa vào ngôn ngữ sinh hoạt, khiến Hoàng Ngọc Hiến phải nhắc lại, như một ám ảnh rằng: “Cội rễ của tôi là tiếng Việt. Nếu ai có hỏi tôi Tổ quốc tôi ở đâu tôi sẵn sàng trả lời Tổ quốc tôi ở tiếng Việt, là tiếng Việt. Suốt ngày và hàng ngày, suốt ngày và suốt đời tôi nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt, nghĩ bằng tiếng Việt. Tổ quốc này luôn ở bên tôi và trong tôi. Tiếng Việt là nguồn sống thường xuyên của tôi”.
Những ý nghĩ được nói thành lời, được viết thành chữ như thế, cũng đã thành những quà tặng êm dịu cho riêng tôi và có lẽ không chỉ cho một mình tôi.
2. Đến đại hội VII này, các nhà văn cả nươc quy tụ, ai cũng mang tâm thế của người đi hội. Gặp nhau tíu tít tay bắt mặt mừng, sung sướng và nhung nhớ. Nên vui nhất vẫn là chuyện bầu cử. Yêu mến nhau một cách đầy cảm tình thiên lệch, việc bầu cử lẫn lộn với việc đi trẩy hội, nên chỉ yêu cầu bầu ra 15 ủy viên ban chấp hành, nhưng rốt cuộc số lượng đề cử lên cao ngất ngưởng hơn 300 vị. Rồi kêu gọi nhau rút lui cũng tấp nập chẳng khác lúc đề cử. Vui vẻ rút lui, mãi rồi cũng vơi, đến con số 67 thì dừng lại.
Lần bầu thứ nhất diễn ra lúc cuối chiều 24-4, có lẽ chờ đợi danh sách bầu lâu quá, vội vàng và nhầm lẫn, có đến 55 phiếu viết không hợp lệ, 510 phiếu phát ra, thu lại 505 phiếu. Sáng hôm sau ban kiểm phiếu gồm nhà văn Lê Thành Chơn trưởng ban, nhà văn Hữu Ước, Bão Vũ phó ban, cùng 40 ủy viên ban kiểm phiếu, đã công bố kết quả bầu cử: chỉ có 4 nhà văn trúng cử ban chấp hành: Hữu Thỉnh (374 phiếu), Nguyễn Trí Huân (355), Hồ Anh Thái (268), Trần Đăng Khoa (250).
Ngay sáng hôm 25-4, Chủ tịch đoàn quyết định bầu vòng hai, để chọn lựa thêm 11 người, trong số 33 người cao phiếu nhất của 67 người vòng một. Kết quả thật đáng ngạc nhiên, chỉ có 2 nhà văn quá bán là Phan Thị Vàng Anh và Lê Văn Thảo. Và đại hội quyết định dừng ở con số 6 nhất quyết không bầu thêm nữa.
Cuối chiều lễ bế mạc diễm ra, Ban chấp hành Hội Nhà văn lần thứ VII ra mắt, bầu ra Chủ tịch Hội Nhà văn VN: Hữu Thỉnh, hai phó chủ tịch là nhà văn Nguyễn Trí Huân và Lê Văn Thảo. Đúng như nhận xét của một số nhà văn hóm hỉnh, cái công việc đáng làm nghiêm túc nhất là bầu cử đã được các nhà văn tham dự đại hội, có lẽ do thực hiện nó trong tính hội hè, nên đã chỉ chọn ra được 6 vị trong ban chấp hành, bỏ phí mất 8 nhân lực lẽ ra đã phải bầu được đang rất cần cho việc điều hành tổ chức của hơn 800 hội viên với bao việc cần làm ngay và sẽ phải làm trước mắt và cả lâu dài nữa. Lại phải hy vọng tiếp và chờ đợi vào sự đổi mới thực sự vào lần thứ 8, nghĩa là 5 năm nữa.