Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.837 tác phẩm
2.759 tác giả
364
122.939.560

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Trùng tu ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn
Ngôi nhà trước khi trùng tu trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục - Ảnh: Nghĩa Phạm Những ngày này, đi ngang qua ngôi nhà gỗ nhỏ có tuổi đời hơn 200 năm trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục TP.HCM, nhiều người ngạc nhiên khi thấy mái ngói ngôi nhà đã bị dỡ xuống, cửa nẻo trống không...
 

 


 

 

Khoảng sân trống trước ngôi nhà vốn đặt những chậu hoa lớn nay thay thế bằng một gian nhà lợp tôn chứa vật liệu xây dựng. Quanh đó, những lớp ngói âm dương trên mái và ngói tráng men xanh lợp trước riềm mái được dỡ xuống, chồng chất dưới nền. Hình đôi rồng chầu thánh giá gắn trên nóc cao nay cũng không còn. Ông Bùi Ngọc Thắm, người có nhiệm vụ coi sóc khu vực Tòa Tổng giám mục, đã ở đây từ hồi chưa lên mười tuổi, cho biết ngôi nhà được dỡ ra để sửa sang lại chứ không phải “dỡ bỏ”. “Theo những tư liệu của Tòa Tổng giám mục, ban đầu nhà cất toàn bằng gỗ, đặc điểm là bộ khung gỗ được liên kết dính chặt với nhau không phải bằng đinh sắt mà bằng một hệ thống khít khao bởi kỹ thuật ghép mộng của người xưa. Những chi tiết như cửa ngõ quanh nhà cũng toàn bằng gỗ. Nhưng khi được đưa về tọa lạc trong khuôn viên của Tòa Tổng giám mục vào năm 1900 ở địa điểm như hiện nay, thì các vách bằng gỗ hai bên hông và phía sau ngôi nhà đều thay bằng tường xây gạch. Vì thế chúng tôi thấy cần phục dựng lại các vách của ngôi nhà bằng gỗ như chất liệu ban đầu”, ông nói.

Cũng theo ông Thắm, loại gỗ được dùng trong việc sửa sang ngôi nhà là căm xe. “Đối với những cột gỗ hoặc những cây kèo, đòn tay quá lâu năm nên bị mối ăn, đe dọa làm nghiêng ngã hoặc sụp nhà, chúng tôi buộc lòng phải thay cái mới nhưng hoàn toàn trung thành theo đúng kiểu thức cũ”. Bên cạnh đó, khi chuyển ngôi nhà từ Thị Nghè về nơi này cách đây hơn một thế kỷ, người ta đã không đặt hệ thống cột gỗ dưới các viên đá tảng chịu lực như “nguyên bản” mà đặt trực tiếp xuống nền. “Vì thế lần này chúng tôi phục hồi lại các chân tảng bằng đá để đỡ lấy các cột gỗ kia. Ngoài ra, một số chi tiết khác cũng sẽ trung thành với các tài liệu về kiến trúc, kiểu thức, hoa văn của ngôi nhà cổ mà vua Gia Long đã dựng lên trong khoảng thời gian từ năm 1790 - 1794, tính ra ít nhất cách đây đã 220 năm”, ông Thắm cho biết.

 
 

 

Vắt qua hai thế kỷ

Đến đầu thế kỷ 21, vào 2003, trong đợt điều tra các công trình kiến trúc cổ trên địa bàn TP.HCM do ngành văn hóa tiến hành đã đưa dinh Tân Xá - tức ngôi nhà cổ trên - vào danh sách 57 công trình cần khảo sát để lập hồ sơ công nhận di tích. Về mặt thời gian, đối tượng điều tra khảo sát do ngành văn hóa đưa ra gồm các công trình kiến trúc có niên đại tạo lập xấp xỉ 100 năm trở lên thì dinh Tân Xá vượt xa niên hạn ấy. Về mặt lịch sử, ngôi nhà cổ này do vua Gia Long sai cất sau ngày xưng vương trên đất Gia Định khoảng 10 năm.

Ông Bùi Ngọc Thắm giới thiệu với chúng tôi nhà được cất để giám mục Bá Đa Lộc (còn gọi Đức Cha Cả, tức Pigneaux de Béhaine, người được vua Gia Long ủy nhiệm đem hoàng tử Cảnh sang cầu viện với triều đình Pháp) dạy hoàng tử Cảnh học, lúc bấy giờ tọa lạc ở vùng Thị Nghè. Khi giám mục Bá Đa Lộc mất ở cửa Thị Nại vì bệnh vào năm 1799, vua Gia Long đã sai đưa linh cữu về quàn tại ngôi nhà ấy hơn 2 tháng rồi sau đó đưa đi an táng tại Lăng Cha Cả (nằm ở bùng binh Q.Tân Bình hiện nay) và giao nhà trên để linh mục Liot coi giữ. Đức cha Liot mất, ngôi nhà đóng cửa suốt nửa thế kỷ đến năm 1864 giao cho Đức cha Lefèbvre (Cha Ngãi) làm Tòa Tổng giám mục. Tuy nhiên, sau đó khi Thảo Cầm viên Sài Gòn khởi công xây dựng, ngôi nhà phải dời về vùng đất của các linh mục thừa sai nằm sâu về hướng công viên trước dinh Norodom, tức dinh Độc Lập, nay là dinh Thống Nhất. Qua thế kỷ 20, lúc Tòa Giám mục (nay là Tòa Tổng giám mục) được xây xong ở vị trí sâu hơn về phía chợ Vườn Chuối, ngôi nhà gỗ trên được dời vào đó để làm nhà nguyện đến khi được dỡ ra phục chế như những ngày qua.

Các tài liệu trên đã được nhắc đến sau này trong cuốn Nhà thờ Công giáo ở Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là công trình sưu tập, nhiếp ảnh và xuất bản công phu nhất về các nhà thờ. Còn cuốn Nhà thờ Công giáo ở TP.HCM cho biết nhà cổ được xây theo lối ba gian hai chái này có “khung cửa với các cánh cửa đều chạm trổ hoa lá như tạo thêm sức sống cho mặt tiền của căn nhà. Bên trong, gian giữa của căn nhà được dùng làm nơi thờ phụng. Trên cao là một khám thờ bằng gỗ để mộc, chạm trổ các đề tài: “song phượng triều dương” (2 chim phượng chầu mặt trời) ở trên, “tam phúc” (3 con dơi) ở bao lam, hình hoa lá ở phần chân (...) căn nhà hiện vẫn được quay về hướng Nam theo truyền thống của người Việt “lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng Nam”...

Theo dự kiến, khoảng một tháng nữa việc phục chế sẽ hoàn tất.

 

 

Giao Hưởng - TN0