Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
568
123.257.648

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Quyền của con người và nghĩa vụ của sử gia
GS Alain J. Lemaître (bìa trái) và nhà sử học Dương Trung Quốc - hai diễn giả tại hội thảo - Ảnh: V.V.Tuân Ký ức và lịch sử là chủ đề của cuộc hội thảo diễn ra tối 19-3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) do NXB Tri Thức tổ chức.

 

 

Hội thảo có sự tham gia của hai diễn giả - giáo sư sử học hiện đại Alain J. Lemaître (Trường đại học Haute Alsace, Mulhouse, Pháp) và nhà sử học Dương Trung Quốc (tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) đã cùng làm rõ khái niệm ký ức và lịch sử để nêu ra những điểm khác biệt và tương đồng giữa hai từ ngữ này.

"Trách nhiệm của chúng ta bây giờ là từng bước làm cho lịch sử mang tiếng nói của con người, của nhân dân"

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Giáo sư Alain J. Lemaître nêu rõ: Ký ức là những trải nghiệm của cá nhân mỗi người, mang đậm tính chủ quan của từng cá nhân. Còn lịch sử là ký ức của cộng đồng, được nhìn một cách khách quan nhất qua ngòi bút các nhà sử gia. “Vì thế, ký ức là quyền của mỗi con người, nhưng lịch sử là nghĩa vụ của con người, nhất là những sử gia” - giáo sư Alain J. Lemaître nói.

Theo quan điểm của ông, ký ức là kỷ niệm gắn kết các cá nhân với xã hội, là phương tiện để phát triển lịch sử. Còn lịch sử bắt buộc con người phải làm việc bằng tư liệu, chứng cứ, nhân chứng. Ký ức cung cấp tư liệu cho lịch sử và lịch sử cũng cung cấp tư liệu cho ký ức. Các nhà sử học là những người góp phần xây dựng ký ức của cộng đồng.

Theo giáo sư Alain J. Lemaître, ký ức tồn tại dưới ba hình thức: ký ức mang tính cản trở, là những trải nghiệm đau đớn, khiến người ta khó quên được; ký ức bị thao túng là một nhóm người trong xã hội muốn lợi dụng ký ức của những cá nhân khác để phục vụ lợi ích của mình; ký ức mang tính chất nghĩa vụ là những điều con người không được quên, như sự đau thương, những nạn nhân vô tội của Chiến tranh thế giới I và II.

Để chứng minh sự khác nhau giữa ký ức và lịch sử, giáo sư Alain J. Lemaître lấy ví dụ minh họa từ chính lịch sử nước Pháp của ông. Đó là sự kiện ngày 8-5-1945, Đức quốc xã đầu hàng đồng minh. Cũng ngày này năm ấy, thực dân Pháp đàn áp dã man một cuộc biểu tình ở Algeria. Nhưng trong các sách lịch sử hiện nay của nước Pháp, người ta chỉ nhắc đến sự kiện Đức quốc xã đầu hàng mà quên đi sự kiện ở Algeria. Ông cho rằng đây là những người làm sử viết ký ức về nước Pháp chứ không phải viết sử về nước Pháp. Vì viết lịch sử nước Pháp cần phải nêu đầy đủ hai sự kiện ấy để người đời sau biết và hiểu rõ, rằng bên cạnh một nước Pháp khát khao tự do, nơi đề ra khẩu hiệu “Tự do - bình đẳng - bác ái” là một nước Pháp thực dân đi cướp tự do của các nước khác.

 

Đứng từ góc nhìn về trách nhiệm thu hẹp khoảng cách giữa ký ức và lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc còn chỉ rõ những nhà viết sử của các triều đại luôn chịu sự chi phối bởi lợi ích của các giai tầng thống trị nên chỉ được coi là viết ký ức chứ không phải viết lịch sử. “Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhà Mạc được coi là ngụy triều, theo các nhà làm sử thời Nguyễn thì triều đại Tây Sơn gắn với người anh hùng áo vải Quang Trung chỉ là giặc cỏ. Nhưng lịch sử nhân dân lại tôn vinh họ là anh hùng”.

 

Vì thế, theo ông Dương Trung Quốc, trách nhiệm lớn lao của những nhà làm sử Việt Nam đương đại là phải thu hẹp khoảng cách giữa lịch sử nhà nước và lịch sử nhân dân để đi đến tiếp cận sự thật một cách gần nhất.

 

Nói về lịch sử Việt Nam hiện đại, ông Dương Trung Quốc nhìn nhận: “Lịch sử Việt Nam hiện đại rất ít con người mà quá nhiều biểu tượng. Đây là sự khiếm khuyết rất lớn của những nhà làm sử nước ta. Trách nhiệm của chúng ta bây giờ là từng bước làm cho lịch sử mang tiếng nói của con người, của nhân dân”.

Ông cũng kiến nghị cần phải đưa cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 vào sách giáo khoa và các tài liệu nghiên cứu lịch sử để nhân dân được hiểu biết đầy đủ về lịch sử đau thương, mất mát của dân tộc. Vì “Chiến tranh là hố sâu ngăn cách giữa các quốc gia. Viết ra những sự thật chính là xây những cây cầu bắc qua hố sâu đó” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

 

 

 

 

VŨ VIẾT TUÂN - TT0