Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.833 tác phẩm
2.759 tác giả
250
122.897.601

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tranh cãi về ngôi mộ trong đền Nguyễn Trung Trực
Đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá mỗi năm có hàng chục vạn người đến cúng viếng - Ảnh: T.T Hơn 27 năm sau khi hài cốt được cho là của anh hùng Nguyễn Trung Trực được đưa vào đền lập mộ, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau từ phía các nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương và đặc biệt là gia đình của vị anh hùng dân tộc này.
 

 

 

Qua chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam, năm 1986, Sở Văn hóa tỉnh Kiên Giang cho khai quật một ngôi mộ được cho là của vị anh hùng Nguyễn Trung Trực trong khuôn viên Tòa Bố cũ (nay là UBND tỉnh Kiên Giang) và đưa bộ hài cốt về chôn ở đền thờ Nguyễn Trung Trực ở thị xã Rạch Giá.

 

 

 

http://www.thanhnien.com.vn/PublishingImages/img-thanhnien/news-pbdes.jpg;pv8b664f0583babad9

Nếu biết sai thì phải sửa sai. Từ trước đến giờ các vị thần thánh, anh hùng chỉ có hình thôi người ta vẫn tôn thờ, không hình người dân vẫn tôn thờ. Nguyễn Trung Trực là nhân vật lịch sử có thật, thì không thể để điều gì tồn tại sự giả dối được

http://www.thanhnien.com.vn/PublishingImages/img-thanhnien/news-pbdes-2.jpg;pvbfb510943cb34975

 

Ông Diệp Hoàng Du
Phó trưởng ban Tuyên giáo 
Tỉnh ủy Kiên Giang

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khương Ninh, hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Trung Trực và một số cán bộ lão thành lẫn cán bộ đương nhiệm ở Kiên Giang cho rằng đó không phải là hài cốt của ông. Riêng ông Ninh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tập hợp tài liệu quan trọng phản biện về nguồn gốc bộ hài cốt này để khiếu nại nhiều nơi, đề nghị làm rõ.

 

Trong đơn kiến nghị gửi Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Khương Ninh viết: “Với điều kiện khoa học kỹ thuật hiện đại, các cơ quan hữu trách, các nhà khoa học cần phải tiến hành giám định chiếc hộp sọ trong đền thờ cụ Nguyễn hiện nay và bộ hài cốt được cho là của cụ Nguyễn Trung Trực đang đặt tại ngôi mộ trong khuôn viên đền. Nếu kết quả giám định xác định thực sự xương sọ, bộ hài cốt là của cụ Nguyễn Trung Trực thì là điều đáng mừng, rất tốt. Ngược lại, nếu không phải thì phải đưa hộp sọ ra khỏi đền thờ và bộ hài cốt ra khỏi ngôi mộ”.

Không chỉ ông Nguyễn Khương Ninh mà nhiều cán bộ đương chức lẫn về hưu của tỉnh Kiên Giang bày tỏ tha thiết cần xem xét, giám định lại hài cốt được cho là của Nguyễn Trung Trực. Ông Nguyễn Văn Cầu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, người chỉ đạo việc tìm kiếm, bốc dỡ hài cốt nói với phóng viên Thanh Niên: “Sau này tôi nghe có ý kiến nói hài cốt này không đúng, tôi đã đề nghị cho đi kiểm tra bộ xương cốt đó. Nhưng đến nay có làm hay không thì tôi không nghe báo”. Bức xúc hơn, ông Diệp Hoàng Du, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, bày tỏ: “Theo truyền thống dân tộc, việc “thờ lộn” là không thể chấp nhận được. Nếu biết sai thì phải sửa sai. Từ trước đến giờ các vị thần thánh, anh hùng chỉ có hình thôi người ta vẫn tôn thờ, không hình người dân vẫn tôn thờ. Nguyễn Trung Trực là nhân vật lịch sử có thật, thì không thể để điều gì tồn tại sự giả dối được”. Ông Ngô Văn Huệ, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Kiên Giang đưa ý kiến: “Lịch sử thì phải là sự thật, chứ không thể nói méo mó được. Nếu cần thiết lật lại (vụ hài cốt - PV) thì phải có chứng minh khoa học đàng hoàng…”.

 

Một trong những người phản ứng mạnh mẽ việc vội vàng xác định ngôi mộ và hài cốt của Nguyễn Trung Trực là ông Nguyễn Tấn Thanh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nay đã mất) và con trai là Nguyễn Tiến Dũng (lúc đó là cán bộ Công an tỉnh Kiên Giang). Sau 30.4.1975, ông Thanh được cấp nhà trong khuôn viên Dinh tham biện cũ của Pháp và ngôi mộ được khai quật nằm sát cạnh nhà của ông. Ông Thanh đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh, trong đó nêu rõ ông cố của ông là đội trưởng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực. Ông Thanh kiến nghị phải giám định hài cốt và thẩm định lại những chi tiết còn nghi vấn. Thập niên 1980, khi khoa học giám định ở VN chưa phát triển, ông Thanh đã từng đề nghị đưa bộ hài cốt đi Đức giám định cho chính xác.

 

Biên bản giám định

 

Tháng 4.1986, khi tổ chức khai quật ngôi mộ dưới gốc một cây đa trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang, đại diện Bảo tàng Kiên Giang đã mời ông Lê Trung Khá, cán bộ khảo cổ chuyên ngành nhân chủng học tại TP.HCM, tham gia giám định hài cốt. Tuy nhiên, những đánh giá của ông Khá lại cho nhiều tình tiết mâu thuẫn với lịch sử cuộc đời anh hùng Nguyễn Trung Trực. Từ độ tuổi đến trạng thái bộ xương tìm thấy đều phát sinh nghi vấn. Trong biên bản khai quật của Bảo tàng Kiên Giang, ông Khá đánh giá: “Xương tộc Việt, đàn ông. Người cao khoảng 1,60 m, người này khoảng 50 tuổi, bộ xương này đã chôn trên 100 năm…”.

 

Trong khi đó, nhiều tài liệu lịch sử ghi anh hùng Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử chém đầu vào năm 1868, khi ông 30 tuổi. Theo lời ông Nguyễn Khương Ninh, để làm sáng tỏ sự việc, ông đã đến TP.HCM tìm gặp ông Lê Trung Khá. Ông Khá khẳng định hai biên bản của Bảo tàng Kiên Giang lập không ghi đúng nội dung giám định. Chính tay ông Khá đã viết hai biên bản giám định, một bản do ông giữ, còn một bản giao cho ông Dương Văn Truyện (lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang). Ông Khá xác định nội dung giám định là: 7 đốt xương cổ và xương hàm của hài cốt còn nguyên, chứng tỏ người chết không bị chém đầu, xương sọ dày chứng tỏ giàu có ăn uống quá đầy đủ, còn nhiều chiếc răng bị mòn vẹt dính chất vôi, chứng tỏ người chết cao niên và có ăn trầu. Ông Khá xác định bộ hài cốt này không phải là hài cốt Nguyễn Trung Trực. Điều này có phần trùng khớp với lời kể của ông Nguyễn Văn Cầu. Theo ông Cầu thì sau lời chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam dẫn tới tìm ra bộ hài cốt, ông đã chỉ đạo cho bốc cốt lên để cải táng. Trong quá trình bốc cốt, ông trực tiếp có mặt tại hiện trường và thấy hài cốt “còn nguyên xương ống chân, xương hàm, sọ đầu…”.

 

Ông Nguyễn Khương Ninh cung cấp thêm tài liệu khai quật trong thời gian đó, theo ông là “có nhiều khuất tất” với 2 biên bản khai quật, nội dung có điểm khác nhau. Biên bản thứ nhất phần nội dung của ông Lê Trung Khá ghi tuổi của xương khai quật được là 50 tuổi. Thế nhưng biên bản thứ hai, tuổi được sửa còn 40 tuổi. Ông Ninh nói: “Rất đau đớn khi nhận một người lạ làm tổ tiên mình. Một vị anh hùng được dân tộc tôn thờ”, vì theo ông, đó là “sự xúc phạm ghê gớm không chỉ đối với người đã khuất, với gia tộc mà còn với cả người dân cả nước nói chung và người dân Nam bộ nói riêng”.

 

Quanh nội dung giám định của ông Lê Trung Khá, một nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết thời điểm đó chưa có khái niệm giám định bộ hài cốt tìm được. Bản thân ông cũng “không mấy tin” ông Lê Trung Khá vì ông Khá chỉ đánh giá bằng mắt thường, không thể nói là tuyệt đối chính xác. “Chưa có tài liệu nào khẳng định đầu và thân thể Nguyễn Trung Trực không được chôn cùng một nơi”, vị này nói. Lúc đó, theo vị này thì căn cứ được cho là có giá trị nhất dẫn đến việc tìm kiếm hài cốt là từ chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam.

 

Nhà văn Sơn Nam đã nhầm ?

 

Tuy nhiên, ngay cả chỉ dẫn của nhà văn Sơn Nam cũng gặp phải nhiều ý kiến hoài nghi. Về thông tin vị trí ngôi mộ được cho là của Nguyễn Trung Trực, ngày 15.10.1986 nhà văn Sơn Nam đã viết tờ cam kết như sau: “Năm 1943 - 1944 tôi có làm thư ký ở Tòa Bố Rạch Giá. Vì tò mò tôi có tìm hiểu về Nguyễn Trung Trực, nhất là nơi chôn hài cốt. Tên Phó Tham biện bấy giờ là Roger Lucas, có nhà riêng ở khuôn viên Tòa Bố, nói nhiều lần với tôi rằng xác của Nguyễn Trung Trực chôn ở sát bên Tòa Bố, tức là chỗ mà tôi đã chỉ rõ để khai quật. Tòa Bố thời pháp, từ năm 1880 về sau xây không chính xác đúng nền Tòa Bố cũ. Vì vậy Tòa Bố sau có vách đá kiểu đồn lính, lại sát kề bên mộ. Giặc giữ xác Nguyễn Trung Trực sát đồn, sợ nghĩa quân lén đào xới đem chôn nơi khác rồi khởi nghĩa lần nhì. Hoặc nghĩa quân cho rằng người bị giặc chém là Nguyễn Trung Trực giả. Chúng chém công khai để xác nhận sự thật…”.

 

Đây không phải lần đầu tiên nhà văn Sơn Nam xác định Pháp chôn thi hài Nguyễn Trung Trực trong Tòa Bố. Năm 1968, Tập san Sử Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn ra số đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nguyễn Trung Trực. Trong tạp chí này nhà văn Sơn Nam đã viết: “Điều rắc rối nhất là nơi chôn thi hài ông Nguyễn Trung Trực. Thuở ấy, để tránh chuyện cướp thi hài, chắc bọn Pháp chẳng dám đem chôn ở ngoại ô. Chúng đem chôn trong vùng gần đồn để dễ kiểm soát. Cấm không cho ai lại gần. Hồi năm 1944, một dạo chúng tôi làm thư ký Tòa Bố Rạch Giá tình cờ được nghe tên chủ tỉnh Maxime Vialar nói với người thơ ký phụ trách việc cơ mật: “Mộ Nguyễn Trung Trực ở sát gốc cây đa đàng kia. Đừng cho lính mã tà dẫn tội (phạm nhân - PV) tới làm cỏ gần đó”. Cây đa này ở sau Tòa Bố, trên khoảng đất trống giữa Tòa Bố và Dinh chủ tỉnh”.

 

So sánh các đoạn trích trên chúng ta thấy có mấy sự khác nhau giữa những gì Sơn Nam viết năm 1968 và 1986 như sau: về nguồn tin, hoàn cảnh tiếp cận thông tin ngôi mộ, trong tờ cam kết nhà văn Sơn Nam viết Phó Tham biện Roger Lucas, …, nói nhiều lần với tôi. Nhưng trong bài báo ông lại viết là tình cờ được nghe tên chủ tỉnh Maxime Vialar nói với người thơ ký phụ trách việc cơ mật. Về vị trí ngôi mộ, khi thì ông cho là ở sát bên Tòa Bố, khi thì cho là ở sát gốc cây đa đàng kia. Cây đa này ở sau Tòa Bố, trên khoảng đất trống giữa Tòa Bố và Dinh chủ tỉnh. Khi lại cho là nơi mấy cây đa trong vòng rào Tòa Bố.

 

Một nguyên lãnh đạo khác của UBND Kiên Giang nhớ lại: “Lúc đầu là xác định “có thể” là hài cốt của Nguyễn Trung Trực. Nguyện vọng của tôi cũng như của Đảng bộ lúc đó là tìm được hài cốt về thờ cúng, chứ không có ý gì khác. Còn nếu sau này có bộ xương cốt nào khác được xác định chính xác là của Nguyễn Trung Trực, hoặc có nhận định gì khác thuyết phục thì sẵn sàng thay đổi. Ở đây không có gì cố chấp cả”.

Thế nhưng, đến nay, 28 năm, sau nhiều phản ứng liên tục của con cháu vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, có giới nghiên cứu, các nhà lãnh đạo lão thành lẫn đương nhiệm, vụ việc thực hư hài cốt cụ Nguyễn Trung Trực vẫn chưa được sáng tỏ. Trong khi, có thông tin đang lập dự án nâng cấp ngôi mộ này với số tiền đầu tư không nhỏ khiến nhiều người thêm bức xúc.

Anh hùng Nguyễn Trung Trực nổi tiếng với hai chiến công oanh liệt đốt tàu Espérance trên sông Nhật Tảo và đánh chiếm đồn Rạch Giá. Theo tài liệu lịch sử, Nguyễn Trung Trực bị Pháp bắt và chém đầu tại chợ Rạch Giá. Truyền thuyết cho rằng Pháp đã bêu đầu ông tại chợ để thị uy nhưng đang đêm có người bí mật cướp mất. Không tài liệu nào xác định thi thể Nguyễn Trung Trực được chôn ở đâu. Chỉ có một số giả thiết là được chôn nơi kín đáo, bí mật vì Pháp sợ người dân khai quật hài cốt cụ, làm biểu tượng tiếp tục khởi nghĩa. Cũng có thông tin cho rằng Pháp chôn hài cốt của Nguyễn Trung Trực trong dinh Tham biện, cho đóng cọc và xiềng xích xung quanh. Nhiều đêm Nguyễn Trung Trực hiển linh rung xiềng xích vang động làm giặc kinh hoàng. Và thêm giả thiết thi hài Nguyễn Trung Trực được chôn trong khuôn viên Tòa Bố (Dinh tỉnh trưởng) thời đó...

 

 

Anh Kiệt - Tiến Trình - TN0