Khác với mọi năm, lễ hội do người dân làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) tự đứng ra tổ chức, năm nay UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN đồng tổ chức lễ hội này.
“Bữa tiệc ánh sáng”
Theo sáng kiến của PGS.TS Bùi Quang Thắng (trưởng ban nghiên cứu văn hóa sinh thái và du lịch, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN), ngoài những nghi lễ truyền thống từ bao đời, lễ hội lần này sẽ có thêm hai tiết mục đặc biệt, đó là trình diễn ánh sáng và nghệ thuật thư pháp đương đại. Đặc biệt nhất là ba đêm trình chiếu ánh sáng đương đại trước mặt đền. “Đây là lần đầu tiên tại một di tích lịch sử quốc gia sẽ có những màn trình chiếu ánh sáng đương đại với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất thế giới hiện nay” - ông Bùi Quang Thắng cho biết.
Làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) từ bao đời nay đã thờ cúng hai vị thần: Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền Nội và Linh Lang đại vương tại đền Ngoại. Lễ hội làng Bình Đà có từ hàng trăm năm nay, đã gắn liền với đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Hằng năm, từ ngày 3 đến 6-3 âm lịch, làng lại mở lễ hội tưởng nhớ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền Nội (gần đây được một số người gọi là Thánh Tổ Lạc Long Quân). Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1985.
|
Để chuẩn bị cho màn trình chiếu ánh sáng, ban tổ chức bố trí chín chiếc đèn laser công suất lớn ngay trong đại tiền môn của đền. Từ xa đã nhìn thấy những ánh sáng chói lóa phát ra. Cả mặt trước đại tiền môn và mặt trước đền đều bị phủ bởi lớp vải trắng. Trong sân đền là một hệ thống với hàng chục chiếc loa, đài công suất cực lớn. Nhiều người tới dự hội cho biết họ rất chói tai, khó chịu. Không những thế, trước giờ trình chiếu ánh sáng, hàng chục chiếc loa cùng phát nhạc với âm lượng lớn ngay trong sân đền. Những âm thanh thường chỉ nghe thấy ở các quầy bar, vũ trường, nay xuất hiện ngay trong ngôi đền cổ, là di tích lịch sử văn hóa.
Dù đến ngày 3-4 lễ hội mới chính thức khai mạc, nhưng từ tối 2-4 người dân làng Bình Đà đã được mục kích “bữa tiệc ánh sáng” tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Tò mò với những công nghệ hiện đại, người dân đến xem chật kín sân đền. “Bữa tiệc ánh sáng” bắt đầu cũng là lúc đền thờ phải “hứng chịu” những luồng ánh sáng công suất lớn với đủ các màu chiếu thẳng vào trước mặt đền.
Phá vỡ không gian lễ hội truyền thống
Trả lời về việc đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội truyền thống này, ông Bùi Quang Thắng cho biết: “Bây giờ, di tích muốn sống được thì cần phải thu hút được nhiều người. Vì vậy, tôi đưa những yếu tố đương đại vào lễ hội Bình Đà là cách để phát huy giá trị của nó phù hợp với thời đại”. Ông còn nói thêm rằng: “Nếu làm cho người ta nhớ những tiết mục nghệ thuật đương đại tại lễ hội thì đó cũng là cách tạo ra bản sắc riêng, đặc biệt cho lễ hội. Tôi quan niệm những tiết mục này thuộc phần hội, nên không ảnh hưởng đến phần lễ linh thiêng. Chúng tôi không động chạm, không xâm phạm đến di tích lịch sử này”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Tuấn - viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - cho rằng: “Theo tôi, nên giữ nguyên những nghi lễ truyền thống của lễ hội đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Không nên đưa những yếu tố đương đại như trình chiếu ánh sáng vào. Đây là lễ hội truyền thống hàng nghìn năm chứ không phải là nơi để thử nghiệm những yếu tố mới đó”. Ông Tuấn cũng nói không thể biện minh rằng việc trình chiếu ánh sáng thuộc phần hội thì không ảnh hưởng đến không gian lễ hội truyền thống nơi đây. “Chúng ta chấp nhận đưa những yếu tố phù hợp với thời đại vào lễ hội truyền thống. Nhưng cần phải có sợi dây liên hệ về tâm linh, phong tục của những yếu tố mới với nghi thức truyền thống. Tôi chưa thấy có sợi dây liên hệ nào giữa việc trình chiếu ánh sáng và nghi thức lễ hội nghìn năm tuổi này” - ông Tuấn nói.
Đồng tình với TS Nguyễn Quốc Tuấn, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN - cho rằng muốn đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội truyền thống thì phải đảm bảo đủ ba yêu cầu: đảm bảo không phá vỡ tính thiêng liêng của lễ hội, đảm bảo vai trò của chủ thể văn hóa lễ hội là nhân dân, đảm bảo mô thức nghi lễ truyền thống của lễ hội. Ông Thịnh cũng cho biết việc đưa những đèn laser lớn vào trong đền cùng với hệ thống loa đài công suất lớn là khó chấp nhận. “Những nơi linh thiêng như thế này cần có không gian tĩnh lặng để phù hợp với đời sống văn hóa tâm linh chứ không phải cái chợ để lắp loa đài inh ỏi như vậy” - GS Ngô Đức Thịnh nói.