Chủ đề buổi giao lưu là câu chuyện văn hóa về phụ nữ, gia đình, sự nghiệp với sự tham gia của chính nhà văn Phan Việt và những sinh viên nữ của chị từ bên Mỹ sang Việt Nam.
Câu chuyện về sự khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ ảnh hưởng đến cuộc sống của người phụ nữ đã nhận được nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi của cả độc giả và diễn giả. Cô Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường ĐH ngoại thương Hà Nội đặt câu hỏi rằng làm phụ nữ ở Phương Tây khó hơn ở Việt Nam như thế nào?
Nhà văn Phan Việt chia sẻ, khi sống ở Việt Nam, chị không ý thức được mình là phụ nữ mà chỉ ý thức được mình là người. “Tôi không hề biết làm đẹp, trang điểm, chỉ chú tâm học hành, Đến khi ý thức được mình là phụ nữ thì đã lấy chồng và không còn ở Việt Nam nữa. Nên tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm khi làm phụ nữ ở Việt Nam” – nhà văn chia sẻ.
Chị cũng nói rằng, ở Mỹ làm phụ nữ dễ hơn rất nhiều. Ở bên đó, chị có thể ngồi nói chuyện hàng giờ với những người đàn ông về những vấn đề xã hội mà phụ nữ quan tâm – điều chị hiếm gặp ở Việt Nam.
Chị nói: “Ở Mỹ, họ chẳng bao giờ hỏi tôi lấy chồng chưa, có con chưa, bao nhiêu con rồi…Tôi đã ly hôn nhưng ở trường không ai biết, vì khi tôi không nói ra thì không ai hỏi tôi, vì họ nghĩ nó thuộc về cuộc sống riêng tư của mỗi người. Nhưng ở Việt Nam thì đó luôn là những câu hỏi đầu tiên khi tôi gặp bất kỳ ai”.
Một nữ sinh viên Mỹ chia sẻ rằng phụ nữ Việt Nam rất khỏe. Bởi trong một lần đi chùa Hương, chị thấy những người chèo đò chở khách trên suối Yến đều là phụ nữ - một cảnh chị chưa bao giờ thấy ở nước Mỹ.
Một độc giả khác cho rằng, ở Việt Nam người phụ nữ luôn là người nuôi dạy con cái, và có ảnh hưởng quyết định trong gia đình. Vì thế, gia đình là tài sản lớn nhất đối với bất kỳ người phụ nữ nào. Điều khác biệt là phụ nữ Việt Nam luôn lùi lại một bước để người đàn ông bước lên phía trước.
Làm thế nào để vượt qua nỗi buồn?
Trả lời câu hỏi của độc giả, làm cách nào chị có thể vượt qua được nỗi buồn của cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhà văn Phan Việt nói: “Tôi may mắn vì sinh ra là người lạc quan, những lúc buồn, tôi nhận thấy mình đang buồn, nhưng nỗi buồn đó không phải là chính tôi. Hơn nữa, từ nhỏ tôi đã được đọc nhiều câu chuyện về những tấm gương vượt khó nên tôi hiểu ra rằng, cuộc đời quá lớn và nỗi buồn, sự đau khổ quá nhỏ”.
Chị cũng nói muốn vượt qua nỗi buồn, hãy thừa nhận nó và biến nó thành tài sản của mình.
Nói về cuốn sách Xuyên Mỹ, Phan Việt nói rằng: “Thực lòng, sau cuốn sách này tôi mong mong những người phụ nữ có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc hãy dũng cảm ly hôn. Nhưng nếu muốn ly hôn vì lý do phù phiếm nào đó thì đừng nên làm. Vì khi đó, họ phải trải qua nỗi đau rất lớn”.
Chị cũng nói thêm, cuốn sách này "không phải là sự cổ xúy cho việc ly hôn của những người phụ nữ mà là cuốn sách nói về tình yêu, bởi ly hôn không phải là sự chấm hết. Cuốn sách chỉ chuẩn bị tâm lý để những người phụ nữ dũng cảm đối mặt với nỗi đau mà thôi".