Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
519
123.255.903

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Về với tiếng đàn quê hương
Các thành viên của ban Hướng Việt (từ trái sang): Minh Ngọc, Việt Hải, Thủy Tiên và Etsuko trong buổi tập sáng 29-6 - Ảnh: H.O. Sáng 29-6, phòng tập của Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương (Cung văn hóa Lao động) nhộn nhịp hơn thường lệ. Mọi thành viên từ em nhỏ 5 tuổi đến cụ già 70 tuổi đều chăm chỉ tập luyện để chuẩn bị cho chương trình Hội ngộ đàn tranh 2014.

 

 

Sự xuất hiện của những tay đàn từ hải ngoại vừa trở về đã làm không khí buổi tập càng thêm sôi nổi, hào hứng.

 

Hội ngộ

 

Anh Hồng Việt Hải vốn là một bác sĩ y học cổ truyền ở Seattle (Mỹ). Ngoài công việc khám chữa bệnh hằng ngày, anh dành toàn bộ thời gian còn lại để luyện ngón đàn và thành lập ban đàn tranh Hướng Việt hơn 10 năm qua tại Mỹ. Số lượng thành viên của Hướng Việt có khi lên đến hơn 100 người, nhưng cũng có khi chỉ còn lại hơn chục người kiên trì tấu nhạc cùng nhau. Một cây đàn tranh mua trong nước đã đắt, cộng thêm tiền vận chuyển sang Mỹ thì còn đắt hơn nhiều lần nhưng không thể làm hao mòn tình yêu âm nhạc dân tộc của những người con xa xứ.

Chương trình Hội ngộ đàn tranh 2014 diễn ra từ ngày 30-6 đến 4-7 tại TP.HCM. Tiếp nối chương trình Đàn tranh do khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện tổ chức vào 20g hôm nay 30-6 tại Nhạc viện TP.HCM là hai chương trình diễn ra tại Cung văn hóa Lao động: Giai điệu quê hương (19g30 ngày 2-7, vé mời phát tại cung), tọa đàm về nhạc dân tộc và đặc biệt về đàn tranh (8g30 ngày 3-7, vào cửa tự do). Cuộc hội ngộ khép lại với buổi nói chuyện “Đàn tranh xưa và nay” tại tư gia của giáo sư Trần Văn Khê (19g30 ngày 4-7).

Lần này ngoài anh Việt Hải, ban Hướng Việt còn có các thành viên khác cùng về để tham gia cuộc hội ngộ: cô bé Thủy Tiên 14 tuổi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhờ học đàn tranh mà nói được tiếng Việt dù chưa sõi; chị Minh Ngọc vốn sang Mỹ định cư cùng gia đình khá lâu, học đàn tranh gần hai năm và còn hướng dẫn cho cậu con trai 8 tuổi của mình theo học để nhớ về nguồn cội; cô gái người Nhật tên Etsuko (tên Việt Nam là Hương) vì quá yêu thích âm nhạc Việt Nam mà quyết tâm theo học đàn tranh được hơn bảy năm và nay đã trở thành cô giáo dạy đàn.

 

Cùng với Hướng Việt, ở Mỹ hiện còn có ban đàn tranh VA’V Tranhsemble ở San Francisco của nghệ sĩ Võ Vân Ánh Vanessa. Vân Ánh vốn là một nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng từng đoạt giải nhất đàn tranh quốc gia 1994, nhận đề cử Oscar năm 2003 và nhận giải Emmy năm 2009. Lần này chị về nước để hội ngộ cùng những nghệ sĩ và khán giả yêu quý âm nhạc dân tộc, đồng thời cũng là để kêu gọi gây quỹ ủng hộ cho dự án Music Bridge Under 25 - một dự án khuyến học dành cho những bạn trẻ dưới 25 tuổi có niềm đam mê với âm nhạc dân tộc, có khả năng sáng tác và chơi nhạc cụ. Theo đó, những bản nhạc do những bạn trẻ này sáng tác sẽ được lựa chọn, trình diễn và trao phần thưởng, với mục đích nhằm bảo tồn âm nhạc truyền thống và nuôi dưỡng một thế hệ nghệ sĩ mới.

 

Mẹ con cùng lo

 

Ở một góc của phòng tập, chị Thùy Trang và con trai Văn Hiếu đang trao đổi với nhau để chuẩn bị cho đêm diễn. Họ vừa trở về từ Paris (Pháp) với tư cách là đại diện của Trường âm nhạc Phượng Ca tham gia cuộc hội ngộ đàn tranh. Anh chàng Văn Hiếu năm nay tròn 19 tuổi, có dáng dấp to lớn như một anh Tây và chỉ nói được một ít tiếng Việt nhưng lại có thâm niên chơi đàn tranh hơn 10 năm. Chị Thùy Trang vì đưa con đi học đàn từ bé nên dần dần cũng mê và quyết định theo học ở Trường Phượng Ca. Cuộc hội ngộ này cũng là lần đầu tiên hai mẹ con sẽ cùng tấu lên những bản nhạc quê hương trên chính mảnh đất quê hương. Đó là điều làm họ thấy vui và háo hức nhất.

 

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết vé của đêm diễn chính vào ngày 30-6 tại Nhạc viện TP.HCM đã được bán gần hết, trong đó có những đơn vị mua vé giá cao để ủng hộ hết mình cho âm nhạc truyền thống. Bà cùng với con gái là nghệ sĩ Hải Phượng có lẽ là những người tất bật nhất trong cuộc hội ngộ lần này. Mong muốn của họ là tiếng đàn tranh dù là ở Việt Nam hay từ Âu, Mỹ xa xôi sẽ được hòa nhịp tấu lên những bài bản quê hương mà bất cứ ai khi nghe cũng sẽ thấy xúc động.

 

 

Hoàng Oanh - TT0