Các nhà văn - hoạ sĩ đã mang tới triển lãm này gần 100 bức tranh. Trong đó, người có nhiều tác phẩm trưng bày nhất là nhà văn Trần Nhương - 32 bức. Con số này cũng tỷ lệ thuận với quãng thời gian cầm cọ của ông - 10 năm. Tính đến nay, ông đã có 5 triển lãm cá nhân và tập thể. Hoàng Minh Tường, Đoàn Lê, Đỗ Minh Tuấn cũng đã theo đuổi nghiệp vẽ từ lâu. "Họa sĩ" ít tuổi nghề nhất là Nguyễn Quang Thiều. Anh viết văn đã 20 năm nay nhưng "sự mất ngủ vì…cọ" mới xuất hiện ở anh cách đây 6 tháng. Trong số 15 bức tranh Nguyễn Quang Thiều mang đến triển lãm lần này, có những bức còn chưa khô hẳn nước sơn dầu. Những con số không nói lên được nhiều điều nhưng ít nhất nó đã đem lại cho người xem cảm nhận về một thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, sức sáng tạo mãnh liệt của các nhà văn.
Khi được hỏi về những ấn tượng của mình khi xem đồng nghiệp vẽ, nhà văn Y Ban cho biết: "Tôi thật sự bất ngờ. Tranh của họ rất đẹp. Tôi nghĩ là không có khoảng cách lớn lắm giữa tranh của các hoạ sĩ chuyên nghiệp và tranh của các nhà văn". Còn hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét: "Về mặt nghệ thuật, các nhà văn đã sử dụng thành thạo các chất liệu như sơn dầu, tranh cắt giấy để thể hiện thế giới nội tâm phong phú của chính mình". Mỗi người một vẻ, các nhà văn - hoạ sĩ đã thể hiện được cái tôi riêng qua các bức tranh.
Giàu chất nữ tính, dịu dàng và tinh tế, nhà văn Đoàn Lê lặng lẽ ghi lại những nét đẹp mong manh của thiên nhiên, cảnh vật; những ước mơ hướng tới cái đẹp thánh thiện, trong sáng của người phụ nữ. Ẩn trong những bức tranh như Em làm người đàn bà xa lạ, Góc quên… là một nụ cười tinh nghịch, hóm hỉnh. Trong một tác phẩm của mình, bà vẽ một cánh đồng quê yên ả, trên đó, một chiếc điếu cày ngả lưng vào cây đu đủ. Dưới gốc cây là một ấm nước và một gói thuốc lào. Cái nhìn dí dỏm ấy làm cho bức tranh nói lên được nhiều điều hơn là bản thân cái tên Nông nhàn của nó.
Trần Nhương gây ấn tượng mạnh bằng những bức tranh thể hiện sự trải nghiệm về chiến tranh như: Hậu quả chiến tranh, Những cô gái ở rừng… Trong Hậu quả chiến tranh, ông vẽ một hài nhi mặt người nhưng tay chân mang đầy những di chứng của bom đạn, chất độc da cam… Trần Nhương nói: "Tranh của tôi mang cái hiền lành, tĩnh lặng của một nhà thơ", nhưng người xem đã thấy được ở những tác phẩm của ông nhiều hơn thế.
Nhà văn Hoàng Minh Tường nghiêng về khai thác những đề tài mang đậm màu sắc làng quê Bắc Bộ. Đặc biệt, ông tỏ ra say mê với việc thể hiện hình tượng Chí Phèo - Thị Nở trong tranh của mình. Tranh Chí Phèo - Thị Nở của ông tiếp tục cái ước vọng của Nam Cao về một hạnh phúc bình dị và lương thiện cho những con người khốn khổ.
Tác giả Nguyễn Quang Thiều sử dụng rất nhiều gam màu nóng, ý tưởng trong tranh anh mang đậm chất huyền thoại. Anh nói: "Tranh của tôi là một nỗi buồn, một khát vọng, một giấc mơ, đôi khi là một ký ức nào đó. Tôi vẽ những nhân vật trong thơ trong truyện của tôi. Tôi muốn nhìn lại họ một lần nữa bằng hình ảnh và màu sắc". Tranh của anh mang đến sự đối lập giữa các chiều kích không gian; giữa những gam màu đối chọi nhau gay gắt: 12 và 1, Đoản ca mùa hạ… Với các tác phẩm này, Nguyễn Quang Thiều cho biết anh đã "vẽ những câu thơ hay nhất của mình".
Nhà thơ - đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chủ yếu sử dụng nghệ thuật cắt dán giấy. Tranh của anh độc đáo, hiện đại và rất cá tính nhưng dường như tham vọng bộc lộ mạnh mẽ làm cho tác phẩm của anh ít nhiều rối rắm về ý tưởng, về cách trình bày. Anh sử dụng nhiều gam màu đen, đỏ với những chi tiết gãy vụn, chắp nối thể hiện sâu sắc sự giằng xé bên trong…
"Nhà văn là những người có thế giới nội tâm phong phú. Họ phải tìm một hình thức thể hiện khác ngoài văn chương để bộc lộ bản thân mình". Đó là lời lý giải của họa sĩ Lương Xuân Đoàn về hiện tượng nhà văn vẽ tranh.
Triển lãm sẽ mở cửa tới ngày 12/5.
ghi thêm:
Tôi được Nhà văn Trần Nhương cho xem lọat tranh của cuộc triển lãm và anh hứa sẽ gởi cho SCL ,hy vọng bạn đọc sẽ được xem lọat tranh này trên trang SCL. Và hy vọng những ngôn ngữ màu sắc của những nhà văn sẽ có nhiều điều mới lạ (?). TN