Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
488
123.255.210

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn
Đồ trang sức phát hiện tại Thanh Hóa “Những tín hiệu Đông Sơn vang xa vọng mãi, góp phần tạo nên bản sắc, truyền thống riêng biệt của nghệ thuật VN”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến nói
 

 

 

Trưng bày văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) từ 18.11 như một cuộc “ra quân” của hàng loạt hiện vật nổi tiếng. Trong đó có rất nhiều hiện vật đã được công nhận Bảo vật quốc gia: thạp đồng Đào Thịnh, thạp Hợp Minh, trống Đông Sơn, các hiện vật trong mộ thuyền Việt Khê, kiếm núi Nưa... “Chúng tôi không có tham vọng đề cập một cách đầy đủ mọi khía cạnh của nền văn hóa này mà chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu các hiện vật tiêu biểu”, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc bảo tàng, cho biết về triển lãm nhân 90 năm tìm thấy văn hóa này.

 

Để trở thành tiêu biểu như vậy, các hiện vật đều đã đạt đến trình độ cao về kỹ thuật đúc đồng hay thẩm mỹ. Kiếm núi Nưa với hình người mặc trang phục lộng lẫy được dệt may công phu. Kiểu mặc yếm này cho đến nay vẫn phổ biến trong phụ nữ Mường. Thạp đồng Đào Thịnh với hình người giao hợp, là ví dụ về tín ngưỡng phồn thực của người Việt. Thạp đồng Hợp Minh là một trong những thạp lớn nhất, trang trí hoàn mỹ nhất của văn hóa Đông Sơn. Những đồ vật trang trí như tượng ếch, tượng chim, tượng người cõng nhau nhảy múa cũng thể hiện sự tinh tế đặc trưng. “Chúng tôi đã mượn rất nhiều hiện vật quý ở các bảo tàng khác để trưng bày này”, một cán bộ bảo tàng cho biết.

 

 


Khách nước ngoài hào hứng với trưng bày văn hóa Đông Sơn - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Triển lãm cũng vén những bức màn về thế giới quan của người xưa. Họ đã tưởng tượng thế giới của người chết như thế nào, ở thế giới đó người đã khuất cần gì. Những mũi tên, mũi lao bị bẻ, đồ minh khí (chôn cùng người chết) hình dáng giống hệt đồ thật nhưng kích thước nhỏ hơn.

 

Những hoa văn, cách trang trí đặc trưng Đông Sơn của các hiện vật tại triển lãm vẫn còn tiếp tục được lưu truyền. Đáng nói là văn hóa Đông Sơn đã “va” phải ý định đồng hóa của Hán Đường. Nói cách khác, nó phải đối mặt với sự bành trướng của văn hóa Hán. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, sức sống của văn hóa này vẫn mạnh đến mức gây ảnh hưởng lên những thời kỳ mỹ thuật sau.

 

Cùng quan điểm này, GS Hoàng Xuân Chinh cho rằng: “Sức sống văn hóa Đông Sơn chống lại quá trình Hán hóa thời Bắc thuộc phản ánh quá trình đấu tranh của người Việt. Đỉnh cao là chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán, mở đầu thời Đại Việt. Trong lúc đó các nhà nước hình thành cùng thời với nước ta ở Hoa Nam đều lần lượt bị sáp nhập vĩnh viễn vào nội địa Trung Hoa”.

 

 

Trinh Nguyễn - TN0