Nhưng cái hấp dẫn nhất trong các truyện ngắn Trầm Hương lại chính là những thân phận người ẩn sau tên những loài hoa ấy, mà phần lớn lại đều là thân phận những nhân vật nữ Nam bộ, miền đồng bằng sông Cửu Long, trong cả thời chiến, thời bình, trong cả ngày hôm qua, lẫn ngày hôm nay, với tất cả nét riêng khả ái, những bí ẩn, đa đoan, truân chuyên... và cả miền tâm linh riêng tư nhất trong con người họ. Là người đàn bà cầm bút, từng trải qua cuộc đời riêng không mấy mát mái xuôi chèo, từng đổ vỡ, từng ngộ nhận, hy vọng và thất vọng, và không ít phen phải chèo chống trong thác lũ cuộc đời để tự trưởng thành trong cái viết của mình, nên tự nhiên, Trầm Hương đã riêng có một mối tình duyên tiền kiếp đối với thân phận người phụ nữ Nam bộ, cũng như đối với chính số phận của bản thân mình. Duyên nợ đó đúng là đã nằm trong cái viết của Trầm Hương, giăng mắc cả đời viết của chị. Hình như cả đời chị cứ bị thôi thúc bởi một món nợ lớn, mà chỉ có thể trả bằng cái viết, viết về thân phận mình, để viết về thân phận người, viết cho người phụ nữ ở ngoài mình và ở trong mình, như để trả món nợ đời. Đó là động lực viết xuyên suốt của Trầm Hương mà người đọc có thể đọc rõ trong tập truyện ngắn này. Hơn nữa, cái viết của Trầm Hương còn nhằm biểu lộ một niềm thương cảm lớn của riêng chị, nhưng từ xa xưa, vốn đã là tự tình chung của truyền thống dân tộc Việt: Thương người như thể thương thân.
2.
Không phải ngẫu nhiên, nhân vật nữ ám ảnh Trầm Hương nhất lại là nhân vật Mẹ. Cho nên, hình ảnh hoa kèo nèo tím biếc, một loài hoa rặt đồng bằng sông Cửu Long đã được Trầm Hương đầy thương mến lồng vào đ1o hình ảnh mẹ - người mẹ có chồng đi kháng chiến, ở nhà một mình tần tảo nuôi con, ngay trong lòng địch, bằng gian hàng mắm, với cái tên "cô Hai kèo nèo", và đó cũng là truyện ngắn mở đầu tập truyện, được viết với một niềm thương cảm sâu xa, như tự bạch mà tác giả tự viết cho tập truyện mang tên Hoa kèo nèo tím biếc của mình: những loài hoa gợi nhớ những số phận / những số phận con người/ thêm thương cảm những loài hoa...
Từ Hoa kèo nèo, tác giả dẫn dụ người đọc lãng du, phiêu bồng trong khu vườn truyện ngắn của mình, với mỗi bông hoa là một thân phận người đàn bà. Như hai chị em nhà kia, xinh đẹp mơn mởn như hai đóa hồng tươi trên cành hồng mùa xuân. Thế rồi, những ngang trái cuộc đời đưa đẩy, khiến em bỏ chị, chị bỏ em, đằng đẵng mấy chục năm trường không gặp lại được nhau, trong truyện ngắn Hoa hồng tỉ muội, khiến người chị phải suốt đời sám hối. Rồi Hoa vông nem khờ dại là hình ảnh chị Ba chân quê, chất phác, đã phát hiện ra vẻ đẹp của bác hàn nồi, vượt lên dư luận thông thường mà tìm thấy hạnh phúc lứa đôi muộn màng. Rồi Hoa trạng nguyên bướng bỉnh như ước nguyện của một cô bé cứ nhất định trở thành diễn viên sân khấu, mặc cho cả nhà phải đối, chỉ một mình người chú ruột ủng hộ. Và chỉ thế thôi, cũng khiến cô có điểm tựa để toại nguyện...
Cứ thế, người đọc lang thang thú vị trong khu vườn truyện ngắn ngạt ngào hương sắc đồng bằng của Trầm Hương, lần lượt hái từng - bông - hoa - truyện - ngắn và cuối cùng, đã có đầy tay những bông hoa thật đặc sắc, với vẻ đẹp khác thường. Bởi cũng giống như cuộc đời phong phú muôn màu, ta thấy trong đó có cả Những đoá hoa vô ưu, Hoa hồng độc dược... và cũng phức tạp éo le, nhiều sự cố bất ngờ như cuộc đời, trong truyện ngắn của Trầm Hương không chỉ có những người phụ nữn đẹp nết đẹp người, cao thượng, dám hy sinh đời mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà còn có cả những nhân vật phụ nữ phản bội, chỉ điểm, ăn ở hai lòng, hoặc nông cạn, hời hợt, tham vàng bỏ ngãi...
Có ưu thế là một cán bộ của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, được tiếp xúc thường xuyên với nhiều nguồn tư liệu về phụ nữ Nam bộ, được gặp gỡ nhiều "người thật việc thật", những điển hình có sẵn trong cuộc sống, lại là người có lòng thương cảm đặc biệt với những số phận phụ nữ, và cũng là người đam mê viết, Trầm Hương đã tự hình thành một phong cách viết truyện ngắn riêng, nồng nàn một chất văn Nam bộ, khó lẫn với một ai khác và rất dễ mến.
3.
Có thể nói, Trầm Hương có một lối viết truyện ngắn đậm mạnh chất báo chí, bởi sự tươi rói và ngồn ngộn chất liệu sống bao giờ cũng hiển thị rõ nét trong truyện ngắn của chị, và cũng bởi chủ thế viết là người đa cảm, rất nhạy cảm và giàu lòng thương cảm. Nhiều khi, sự đa cảm tràn bờ đền mức người viết cứ như bị cuốn trôi theo lòng tư liệu sống động, nên đã không mấy bận tâm đến công chuyện "tu từ", vốn là mối bận tâm đương nhiên, thường trực đồi với nhà văn. Dường như Trần Hương còn đang rất hăm hở trên con đường dài văn chương, với niềm tin chắc rắng, mình vừa mới bắt đầu nghiệp viết mà đã may mắn rơi vào đúng nơi đầu nguồn tư liệu phong phú, sinh động và hấp dẫn (Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, là nơi Trầm Hương đang công tác, những trắc trở, đa đoan, ngang trái, những ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh, rốt cuộc, đối với một người đàn bà viết, cũng đã trở thành chất liệu quý báu ấy, thì việc sáng tác của chị trở nên hanh thông, mát mái xuôi chèo. Viết nhiều, viết khỏe, đi nhiều, gặp gỡ tiếp xúc nhiều, tình thương người lúc nào cũng đong đầy trái tin đa cảm, và dường như chưa thật muốn lắng lại để nghĩ suy, chiêm nghiệm, nên văn phong truyện ngắn của Trầm Hương rất trẻ trung, phóng túng, tự do và hồn nhiên, giải dị. Và tất cả sự hấp dẫn của ngòi bút Trầm Hương có lẽ cùng nằm ở đấy. Trên đường thiên lý, Trầm Hương đã mãi miết đi tìm và hái được những bông hoa rực rỡ sắc hương. Nếu bạn đọc thích một cách viết hết lòng, sôi nổi, đầy thông cảm và thương cảm cho những số phận khác nhau của những người phụ nữ Nam bộ, nếu các bạn muốn có thông tin về cuộc đồi những người đẹp Nam bộ tiêu biểu, điển hình trong cả thời chiến lẫn thời bình. A, mà nếu bạn đọc là phụ nữ, muốn tìm thấy ít nhiều hình bóng của mình qua mỗi tác phẩm văn chương hiện đại của Trầm Hương, thì hãy bước chân vào vườn hoa này mà hái lấy những - bông - hoa - truyện - ngắn tươi rói của chị. Chắc chắn bạn đọc sẽ tìm được sự đồng cảm và chia sẻ...
Giữa mùa đông giá rét Hà Nội
Đầu năm con Gà