Lễ hội diễn ra vào mồng 6 tết với nhiều nghi thức dân gian và lắm trò vui nhộn. Đỉnh điểm của lễ là màn chém lợn, trước kia thì chém đứt đôi, nay chỉ chém đứt nửa thân. Con lợn kêu thất thanh, máu văng tung tóe; già trẻ lớn bé reo hò và giành nhau dùng tiền thấm máu lợn để lấy hên. Một tập tục khác hẳn với bản tính hòa hiếu của người Việt, đặc biệt là vùng đất quan họ. Tục này có từ xa xưa, sau 1954 bị quên lãng, nay sống lại. Nhiều người thấy cảnh giết lợn quá nhẫn tâm, đề nghị xóa bỏ nhưng chẳng ai nghe. Đến khi quốc tế lên tiếng mới giật mình.
Nét văn hóa bị phá hỏng
Mà nào chỉ có lễ hội Chém lợn cần thay đổi. Lễ hội Chọi trâu với màn giết trâu xẻ thịt, giành giật chia nhau để lấy hên cũng đáng bị lên án. Lễ hội Đâm trâu lại càng bất ổn. Một số địa phương ở miền Bắc như Vĩnh Phúc, Hải Phòng (mồng 9 tháng 8), có lễ hội Chọi trâu truyền thống được tổ chức hằng năm với sự tham dự của hàng chục ngàn người. Có nơi còn đưa vào tuyến điểm du lịch.
Phải công nhận, sới chọi nào cũng hào hứng. Đó là nét văn hóa đặc thù từ việc chọn trâu, chăm sóc và thi đấu. Chỉ có đoạn kết là không có hậu. Sau khi đem hết sức lực thi đấu (chọi) mua vui cho mọi người, tất cả trâu dù thắng hay thua đều đem mổ thịt bán ngay tại lễ hội! Quả là bạc đãi...
Ở các nước, trâu bò nuôi lấy thịt chỉ việc ăn rồi lớn, cái chết đến với chúng cũng nhẹ nhàng và lịch sự hơn. Vì những hành động dũng cảm và chân thành, một số nơi còn dựng tượng đài và phong anh hùng cho chúng. Ở các nước còn tổ chức lễ hội Tạ ơn voi, khỉ, trâu, bò... sau một năm phục vụ cho con người. Nam bộ không có Chọi trâu mà có Đua bò ở Bảy Núi, An Giang cực kỳ sôi động và hào hứng. Bò thắng được giải, bò thua thì về và chẳng bò nào bị giết. Tất cả vui vẻ hẹn năm sau tái đấu.
Một số tỉnh Tây nguyên và Trung Trung bộ có lễ hội Đâm trâu để tế trời đất, thần linh. Hàng ngàn người đổ về các nhà làng, nhà rông trẩy hội, nhảy múa, hát hò. Tôi đã vài lần tham dự với khách nước ngoài. Họ thật sự bị sốc trước cảnh tượng con trâu bị buộc vào cột, xung quanh mọi người nhảy múa. Mặc cho đôi mắt nó vẻ như van lơn, cầu khẩn, tuyệt vọng và hoảng sợ, những trai làng nhảy nhót phóng lao; nó giãy giụa, máu văng tung tóe trong tiếng hò reo man rợ, có nơi còn lấy máu tươi trâu bò hòa vào rượu uống! Lần đó, đoàn khách châu Âu đã hủy tour về TP.HCM sớm vì sợ, cả tháng sau vẫn còn ám ảnh!
Theo hiểu biết của tôi, lễ hội Đâm trâu đã hoàn toàn bị biến dạng méo mó. Gọi là lễ Tế trâu thì đúng hơn. Trâu tế được chọn và nuôi kỳ công. Đêm trước lễ, có phần khóc trâu, để cám ơn và giao nhiệm vụ cho trâu “Đi gặp Giàng”. Lễ chứ không có hội, chỉ những người chức sắc và già làng tham dự. Không có đám đông và trẻ con, càng không có người lạ với máy chụp hình và iPhone loang loáng. Lễ ngày xưa không có đạo diễn, diễn viên và khán giả vì tất cả đều thành tâm tham dự. Con người hiện đại đã phá hỏng các nghi lễ và bày thêm phần hội lai tạp.
Thay đổi để thích nghi
Có người sẽ bảo tôi ủy mị, sẽ thanh minh đó là truyền thống, là tục lệ không thể thay đổi. Nói gì thì nói, truyền thống và tập tục đều do con người đặt ra. Và không phải cái nào cũng tốt đẹp. Với đà phát triển của văn minh nhân loại, nhiều thói quen buộc phải thay đổi để thích nghi. Đặc biệt, khi đất nước mở cửa hội nhập, những tập tục lạc hậu không thể cứ khư khư giữ mãi. Vấn đề là không nên cấm đoán một cách máy móc mà cần phải thuyết phục cộng đồng.
Chọi trâu - cứ chọi, nhưng nên làm như Đua bò. Thắng được thưởng, thua thì thôi, như thể thao vậy. Sẽ không có trâu bò nào bị giết sau cuộc đua. Lễ hội Tế trâu cũng thế. Xin đừng biến tướng thành lễ hội hành hạ trâu, uống máu trâu. Lễ hội Chém lợn cũng vậy. Các nghi thức và trò chơi cứ giữ, chỉ xin bỏ phần chém lợn dã man, phần hí hửng dùng tiền quệt máu lợn. Có thể cúng lợn luộc, lợn quay trước chẳng hạn.
Cái ác có khi được manh nha và hình thành một cách vô thức từ những lễ hội như vậy. VN hiện có hơn 8.000 lễ hội. Rất cần rà soát lại, lấy ý kiến cộng đồng để “gạn đục khơi trong”. Xin chớ so sánh với vài nước có lễ hội dã man tương tự VN mà khư khư với hủ tục. Đừng để đến khi quốc tế lên tiếng mới giật mình.
Số liệu thống kê cho biết, những đợt rét lịch sử ở miền Bắc đã làm chết trên dưới 100.000 trâu bò mỗi năm, có nơi chỉ còn 10%. Đọc báo, đặc biệt xem đài thấy cảnh những người dân nghèo vùng cao đội mưa đội rét đi tìm cỏ cho trâu bò, san sẻ với chúng những mảnh quần áo cũ, những tấm mền vá víu. Tôi không bao giờ quên được nét thảng thốt bàng hoàng, cả nước mắt đau đớn và tiếng kêu xé ruột khi trâu bò bị chết mà không cứu được. Họ thương chúng như con; bởi chúng hết lòng trung thành, tận tụy giúp họ có miếng cơm manh áo. Hình ảnh gần gũi, thân thương của chúng đã đi vào ca dao, tục ngữ, thơ ca, hội họa: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. “Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta”... Bởi nghèo, nên khi trâu bò chết, họ mới đành xẻ thịt cho mọi người chứ bản thân họ chưa chắc đã dám ăn.
|
|