Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.827 tác phẩm
2.759 tác giả
412
122.841.623

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đưa rối nước ra Phú Quốc
Ông Hà Lương Thuần bên cạnh nhà hát múa rối nước Đảo Ngọc - Ảnh: T.Đức Gần nửa năm qua, nhiều người dân ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã “mắt tròn mắt dẹt” khi lần đầu tiên thấy những hình nhân và các con vật quen được làm bằng gỗ nhưng lại biết múa may, di chuyển giữa bể nước.


 

 

Chúng tôi rất trân trọng và nể phục tinh thần dấn thân vì nghệ thuật, đưa múa rối nước ra đảo Phú Quốc của PGS.TS Hà Lương Thuần và các nghệ nhân làng Đông Các.

Đây không chỉ đơn thuần là biểu diễn cho mọi người xem, mà còn góp phần lưu giữ và đưa loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của đồng bằng Bắc bộ đến với người dân phương Nam và du khách quốc tế

Ông Bùi Văn Cảnh (phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao huyện Phú Quốc) 

 

Những du khách nước ngoài cũng không thể rời mắt khi qua cầu Bà Kèo, thị trấn Dương Đông bất ngờ trông thấy chú Tễu đứng chễm chệ bên gian nhà đậm nét cổ xưa, phía trên có dòng chữ “Pearl island water puppet theater” (nhà hát múa rối nước Đảo Ngọc).

Lại càng ngạc nhiên hơn khi biết người đưa loại hình nghệ thuật tưởng chỉ được biểu diễn ở các đô thị lớn ra đảo xa lại là một nhà khoa học, PGS.TS Hà Lương Thuần (nguyên viện trưởng Viện Nước tưới tiêu và môi trường), hiện là tổng thư ký Hội Thủy lợi VN, viện trưởng Viện Hợp tác và phát triển tài nguyên nước (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN).

 

Nợ duyên với đảo xa

 

Giữa trưa nắng hanh hao, bên cạnh khu vực thủy đình (sân khấu múa rối nước) của nhà hát múa rối nước Đảo Ngọc, vị giám đốc nhà hát đã bước sang tuổi 65 vẫn lọ mọ kiểm tra từng quân rối. 

Cơ duyên nào đã khiến ông rời xa “tổ ấm” của mình ngay tại thủ đô cùng những công việc chuyên môn hơn nửa đời đeo đuổi để gắn mình với đảo xa, với những quân rối vô tri vô giác?

“Vì niềm đam mê với múa rối nước đã nhiễm vào máu thịt của tôi, không dứt ra được” - PGS.TS Hà Lương Thuần tâm sự.

Sinh ra và lớn lên tại làng Đông Các, xã Đông Các, huyện Đông Hưng (Thái Bình), nơi có phường múa rối nước với bề dày lịch sử cả trăm năm, tuổi thơ của ông Thuần đã đắm mình trong những bài biểu diễn rối nước: chọi trâu, đánh cá, đu bay, cày bừa, Quan âm Thị Kính, Đường Tăng đi thỉnh kinh... đầy sinh động, hài hước, nhưng cũng thật giàu triết lý nhân sinh.

Lớn lên xa nhà đi học, rồi bận bịu với những công việc ở Viện Thủy lợi VN, nhưng khi ngơi việc là ông lại đón xe khách về quê để được sống trong không khí múa rối nước của làng quê.

“Tháng 5-2014, lần đầu tiên tôi đặt chân đến đảo Phú Quốc với mục đích tham quan, du lịch. Nhận thấy nơi đây đúng là thiên đường để làm du lịch sinh thái, nhưng ngoài những bãi biển trải dài cát trắng, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn thì không có loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nào để du khách thưởng lãm. Chợt nhớ tới quê mình có loại hình múa rối nước có nguy cơ thất truyền, tại sao không mang ra đây để nó được sống lại” - ông Thuần kể. 

Mang ý nghĩ trên trình bày với lãnh đạo huyện Phú Quốc, được ủng hộ cả hai tay, thế là ông quay về quê Thái Bình thuyết phục các nghệ nhân trong làng cùng mình ra đảo mở nhà hát múa rối nước.

“Hôm ông ấy bày tỏ tâm huyết muốn đưa múa rối nước ra đảo Phú Quốc, ban đầu chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên. Nhưng rồi chúng tôi bị thuyết phục, vì một nhà khoa học tầm cỡ như ông ấy lại dám bỏ hàng tỉ đồng tiền túi để nuôi múa rối nước và đưa loại hình này đi xa, nên chúng tôi đã chấp nhận theo” - ông Phạm Đình Duyên, trưởng nhóm nghệ nhân nhà hát múa rối nước Đảo Ngọc, nói.

Được sự đồng lòng ủng hộ của các nghệ nhân Đông Các, ông Thuần đã lập tức “bay” trở ra đảo Phú Quốc. Ông tìm thuê mặt bằng rộng khoảng 500m2 tại bãi biển Bà Kèo với giá 200 triệu đồng/năm rồi đưa cả đội hình biểu diễn và những người làm công việc hậu trường gồm hơn chục người từ Thái Bình ra đảo, bắt tay xây dựng nhà hát múa rối nước.

Đầu tháng 11-2014, chỉ sau ba tháng kể từ lúc hình thành ý tưởng, nhà hát múa rối nước Đảo Ngọc đã hoàn thành và bắt đầu biểu diễn phục vụ khách.

 

Lấy tiền túi nuôi múa rối nước

 

“Ngay từ đầu tôi đã xác định đây không phải là kinh doanh mà chỉ mong lấy nghệ thuật nuôi nghệ thuật, để múa rối nước không bị mai một, nhưng khi đi vào hoạt động thời gian đầu tôi đã không khỏi bị choáng khi phải bù lỗ quá nhiều” - ông Thuần nói.

Những ngày đầu, nhà hát múa rối còn thu hút vài chục khách mỗi đêm, nhưng về sau nhiều suất diễn (50 phút/suất) chỉ có vài ba khách ngồi lọt thỏm giữa sân khấu 150 ghế. “Lượng khách đến xem quá ít khiến nghệ nhân không khỏi xót lòng, nhưng anh em chúng tôi vẫn biểu diễn hết mình, không để bất cứ người nào dù là một em nhỏ đến đây mua vé rồi lại về, không được thưởng thức múa rối nước” - ông Thuần tâm sự.

Đã đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng xây dựng cơ sở, nhưng vì thưa khách hằng tháng ông Thuần lại phải xuất tiền túi thêm 60-100 triệu đồng để duy trì hoạt động của nhà hát múa rối nước.

Bạn bè, người thân ở Hà Nội khuyên ông nên “dừng cuộc chơi” để không tốn thêm tiền của, nhưng ông nói: “Tôi nghĩ công chúng chưa quen, chưa biết nhiều về múa rối nước thì mình phải kiên trì giới thiệu. Khi mọi người đã biết thì họ sẽ mê và múa rối nước sẽ có đất sống ở Phú Quốc”.

Và để thực hiện mong ước đó, mấy hôm nay ông Thuần đã liên hệ với các trường học trên đảo trình bày mong muốn được phục vụ miễn phí cho những người trẻ.

Ông cũng đang tính kế hoạch biểu diễn phục vụ cho bộ đội trên đảo dịp lễ 30-4. Xa hơn, để xây dựng lực lượng kế thừa, nhà hát múa rối của ông đã nhận huấn luyện kỹ thuật múa miễn phí cho 16 học viên trẻ đang làm việc trong ngành văn hóa của huyện Phú Quốc.

Hằng đêm, sau khi ánh đèn trong thủy đình phụt tắt, người ta lại thấy nhà khoa học luống tuổi cắm cúi làm việc trong căn phòng nhỏ bên cạnh chỗ nghỉ ngơi của các nghệ nhân múa rối nước.

Đó là lúc ông quay về với chuyên môn của một nhà khoa học, vừa xử lý công việc ở Viện Hợp tác và phát triển tài nguyên nước, ở Hội Thủy lợi VN, vừa tranh thủ làm thêm để lấy tiền nuôi đam mê nghệ thuật múa rối nước mà ông và các nghệ nhân ở làng Đông Các đã dày công xây dựng nơi hòn đảo này!

 

 

TẤN ĐỨC - TT0