Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.827 tác phẩm
2.759 tác giả
420
122.841.690

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Ngày thống nhất - Kỳ 2: An lành trong thành phố
Một chiếc máy bay rơi trên đường phố Sài Gòn đầu tháng 5.1975 - Ảnh: Nguyễn Chính Tôi còn nhớ, có những đêm tháng 5.1975 ở Sài Gòn, tôi đã đạp xe đạp lang thang gần như sáng đêm. Đi kiếm bạn để chuyện trò bù khú. Dĩ nhiên hồi đó tôi chỉ có những bạn bè ở chiến khu, chiến trường và một số ít bạn học từ miền Bắc mới vào. Thành phố quân quản, có giới nghiêm hẳn hoi, nhưng chính vì vậy độ an toàn càng cao hơn.

 

 

Nhiều đêm đi trên đường, tôi gặp những tốp chiến sĩ quân giải phóng tuần tra, họ bảo vệ cho thành phố tránh khỏi những lộn xộn mất an ninh, điều mà Sài Gòn rất dễ lâm vào. Nhớ mấy ngày đầu hòa bình, ngay tại nội ô Sài Gòn vẫn còn diễn ra cảnh cướp kho gạo hay kho hàng, nhưng chỉ mấy ngày sau, những cảnh này hoàn toàn biến mất. Không chỉ tàn quân không dám manh động nổ súng gây rối loạn, mà các băng cướp, các tổ chức xã hội đen, hay các nhóm giật dọc trộm cắp cũng tạm nằm im, không dám hoạt động. Thành phố yên ả cực kỳ, thật khó hình dung đây là một thành phố vừa thoát khỏi chiến tranh, vừa thay đổi chính thể.

 

Nhiều buổi sáng đi bộ trên phố, tôi gặp những sĩ quan cấp tá, thậm chí cấp tướng của quân đội Sài Gòn đang đi tìm những “điểm đăng ký trình diện”. Nhiều người thấy tôi mặc quân phục giải phóng đã hỏi tôi những điểm đăng ký họ cần tới. Tôi vui vẻ nói địa chỉ cho họ, kể cả tên đường, những con đường mà tôi cũng không nhớ ở đâu (vì tôi vốn rất kém nhớ đường). Tôi chỉ biết, và nói với những sĩ quan Sài Gòn ấy rằng, họ cứ đến đăng ký trình diện rồi sau đó về nhà mình. Do là người của Binh vận nên tôi biết những quy định này. Vậy thôi. Những ngày đầu tiên ấy sao mà nhẹ nhàng. Tôi và mấy người bạn của mình hoàn toàn hồn nhiên, không hề giữ kẽ. Chúng tôi tiếp xúc với nhiều tầng lớp cư dân Sài Gòn, kể cả những người ở “phía bên kia” - những đối phương bây giờ đã thành “cũ” của mình - một cách tự nhiên, cởi mở và vui vẻ. Và họ cũng cư xử với chúng tôi rất thân thiện. Làm sao tôi biết cái không khí hòa hợp ấy duy trì được bao lâu, nhưng hồi mới hòa bình, thì đúng là như vậy.

 

Uống rượu ở nhà Chú Hỏa

 

Tôi với Tám Nhân và Ngô Thế Oanh tới lâu đài của Chú Hỏa... uống rượu, cũng rất chi tình cờ. Tám Nhân là dân Sài Gòn trước khi lên chiến khu, dĩ nhiên thuộc đường biết lối, còn tôi với Oanh thì chẳng biết gì, cứ chỗ nào vui anh em dẫn mình tới thì tấp vào. Nhà Chú Hỏa vui vì… có nhiều rượu. Hẳn một hầm rượu vĩ đại, gồm đủ loại rượu Tây, Tàu, Nga, Mỹ… Chúng tôi ra chợ Cũ gần đó mua vịt quay (vịt quay chợ Cũ - theo Tám Nhân - là món ngon có hạng của Sài Gòn), rồi tự nhiên xuống hầm rượu chọn loại rượu nào mình tạm biết danh, mình đoán là ngon, rồi cứ ngồi bệt trên sàn lát đá cẩm thạch bóng loáng mà… nhậu. Thật vui mà thật ấm áp. Tôi nghĩ, nếu bấy giờ Chú Hỏa còn sống và đang ở đó, ông cũng sẵn lòng mời chúng tôi uống rượu theo kiểu dân dã như vậy. Theo lời kể của Tám Nhân, thì Chú Hỏa vốn xuất thân là người mua bán ve chai đồng nát. Trong phòng khách nhà ông, nơi trân trọng nhất có thờ một chiếc đòn gánh cũ. Tương truyền, đó là chiếc đòn gánh mà thuở hàn vi Chú Hỏa thường gồng gánh mưu sinh trên những con đường Sài Gòn xưa.

 

Tôi biết được một số địa chỉ ở Sài Gòn là nhờ những cuộc “nắng chiều đột kích mấy hàng cau” như vậy. Đó có lẽ là thời gian sống hồn nhiên nhất trong đời tôi. Chả nghĩ ngợi gì nhiều. Cũng không hề “cảnh giác” hay ngần ngại. Như một đứa trẻ, tôi cứ mở lòng tươi vui đón nhận từng ngày hòa bình đầu tiên. Và tôi thấy dường như người Sài Gòn cũng sống như vậy. Chưa ai nghĩ ngợi hay lo lắng gì nhiều. Ai cũng mừng vì chiến tranh đã kết thúc. Đã có những cuộc đoàn tụ và hứa hẹn sẽ đoàn tụ. Tôi thì biết chắc mình không có bà con ruột thịt nào ở Sài Gòn, thôi thì mình đoàn tụ với bà con Sài Gòn vậy. Tôi mê mải đi theo những đoàn múa lân trên đường phố, những đám múa tập thể của thanh niên. Và thật ngạc nhiên, một buổi sáng trên đường Tự Do (sau đổi thành Đồng Khởi) tôi được chứng kiến một… đám ma ở Sài Gòn, với một dàn “quân nhạc” đi trước, có người chỉ huy dàn nhạc vung gậy giữ nhịp, và dàn kèn trống cử những “bản nhạc Tây”. Trông rất oách. Ở ngoài bắc, tôi chưa từng thấy một đám ma thường dân nào như thế, nên hết sức ngạc nhiên. Còn nhiều điều khiến tôi ngạc nhiên nữa, nhưng có lẽ điều ngạc nhiên nhất với tôi - một người đã nhiều năm viết báo về đề tài hòa hợp và hòa giải dân tộc - là thấy người Việt mình trong những ngày hòa bình đầu tiên ấy đã thực sự mở lòng với nhau.

 

Mãi gần chục năm sau, tôi mới được nghe ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao ngay tại nhà ông, nhưng tôi có cảm giác Văn Cao đã nói được nỗi lòng của hàng triệu người VN không hề phân biệt, trong những ngày hòa bình đầu tiên ấy. Trong một thành phố an lành và cởi mở. Một thành phố mà những dấu tích chiến tranh vẫn còn đó nhưng đã bị những “ngọn sóng hòa bình” tràn ngập và che phủ.

 

 

Thanh Thảo - TN0