Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.827 tác phẩm
2.759 tác giả
435
122.839.883

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bốn phút nuôi một giấc mơ
Những cô bé cậu bé trong phim chăm chú nhìn lại chính mình trên màn hình - Ảnh: Đăng Hiệp Thì sông cứ chảy ghi lại cuộc sống của đám trẻ nghèo vùng sông nước Long Xuyên, An Giang thu hút cả triệu lượt xem và trở thành chủ đề "nóng" được bàn luận sôi nổi trong hai tuần qua.

 


Không chỉ có sức nóng của những thước phim mộc mạc, hành trình của nhóm bạn trẻ thực hiện dự án này cũng có nhiều điều để chia sẻ.

 

“Duyên nợ” từ một cuộc tẩu thoát

 

Thì sông cứ chảy ra đời hoàn toàn ngẫu hứng không hề được lên “khung” trước đối với cả Tạ Nguyên Hiệp và Mai Huyền Chi - hai thành viên đầu tiên của dự án này. Chai sạn cảm xúc khi hằng ngày phải tiếp xúc quá nhiều với các phương tiện truyền thông, với quảng cáo, với cơm áo gạo tiền, hai người bạn rủ nhau “tẩu thoát” khỏi Sài Gòn, đến một nơi không xa nhưng cũng chẳng gần, vừa đủ để họ tạm quên đi xô bồ mà hòa mình vào một đời sống chậm rãi hơn.

Thế rồi lúc đi loanh quanh ở bến sông, thấy tụi nhỏ đang chơi trên cồn, đôi bạn tấp vào, hỏi han rồi bị cuốn theo câu chuyện của chúng lúc nào chẳng hay... “Ban đầu tụi mình muốn kể một câu chuyện nhưng ở tầm vĩ mô hơn một chút - về môi trường, về biến đổi khí hậu, về chuyện đập thủy điện và sinh kế ở hạ nguồn. Nhưng đến khi xem lại tất cả video và ngồi ráp lại, một câu chuyện mới lại từ từ thành hình...”.

Hóa ra đằng sau sự phóng khoáng, cởi mở, vồn vã và tử tế của người dân Long Xuyên là những lo lắng đáng ngại khi họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về mưu sinh, giáo dục, chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự thiếu thốn ấy phản chiếu qua gương mặt non tơ của những đứa trẻ - con cái họ - khi đến tuổi thay vì đến trường thì ngày ngày nơi chúng phải đến chỉ là những phiên chợ cá nhớp nháp với tập vé số trên tay. Mơ ước của chúng là có một mảnh giấy khai sinh để được đi học, được trở thành... ca sĩ để nhanh kiếm tiền trả nợ cho ba mẹ, còn nghề khác thì như Biển - một nhân vật trong phim - nói là “bí rồi”!

Họ thiếu nhiều lắm, nhưng cái “dư dả” của họ là sự lạc quan, một lối sống chân tình và hết lòng với người khác. Tất cả đã tác động mạnh mẽ đến Hiệp và Chi, để từ những chất liệu quý giá ấy, bốn phút của bộ phim đã làm thay đổi hoàn toàn định hướng của hai người trẻ, thậm chí còn lôi kéo được cả những người bạn của họ vào một hành trình thiện 
nguyện mới mẻ.

 

Chiếu phim trên hai tờ giấy khổ A0!

 

“Đấy là buổi chiều muộn chủ nhật ở Long Xuyên, khi cơn mưa ào tới lùa gió sông vào chiếm trọn con ghe nhỏ, đám đàn bà con gái hè nhau tết tóc, chờ cơn mưa ấy ngớt đi để quay về ghe nhà Biển, ở đấy Lành đang dán giấy trắng làm màn hình chiếu phim cho tụi nhỏ.

Chi tỉ tê hỏi câu chuyện sông, chuyện học, chuyện xóm chài, chuyện sắp nhỏ mơ ước lên bờ. Hiệp kiên nhẫn quay lại tất cả dưới ánh đèn tù mù của dòng điện dùng dè sẻn chỉ bằng một bóng huỳnh quang. Mọi người lo Huyền đang trên thuyền nhỏ mang quà đến những ghe cuối xóm không biết có mắc mưa không.

Mình ngưng chụp ảnh, một hàng dài tụi nhỏ hóng chờ tết tóc! Chạm vào mái tóc của mấy đứa con gái mới thấy lũ trẻ ở đây giống như những bông sen mọc dại giữa đầm gặp cơn mưa tạt...”.

Đó là trích đoạn nhật ký ngắn của Đăng Nguyễn - một thành viên mới của dự án - đã cùng Hiệp và Chi quay trở lại Long Xuyên để chuẩn bị cho buổi chiếu phim ngắn ngay trên bè nhà đám trẻ nhỏ, sau khi bộ phim... 
bỗng dưng nổi tiếng!

Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp bảo đến giờ anh vẫn nhớ như in cái khoảng không chập choạng lúc chiều tà thơm lừng mùi... khô cá ba sa mà cha mẹ tụi nhóc nghèo chuẩn bị để “thết đãi” đoàn chiếu phim di động hôm ấy. Họ không giận vì đoàn phim đã để tụi nhỏ phanh phui chuyện người lớn uống rượu, phá nhà mà chỉ lặng lẽ nhường mái hiên chật chội phía trước bè cho tụi nhỏ được ngồi gần “màn hình”.

Gọi là màn hình cho sang chứ thực chất đó chỉ là hai tờ giấy khổ A0 được ghép lại với nhau rồi dùng máy chiếu chiếu phim lên. Trong khi nhiều thành viên của đoàn còn choáng váng vì... không quen ngồi lênh đênh trên thuyền lâu như thế thì lũ trẻ đã túm tụm tranh nhau giành chỗ ngồi đẹp.

“Mình nhớ hoài ánh mắt thằng Biển nhìn lên màn hình, rất chăm chú, ngồi im như pho tượng, không nhúc nhích, thằng bạn ngồi kế bên đùa câu gì đó, nó quay lại rất nhanh, hất mặt ý nói để yên cho tao coi, rồi lại quay lên màn hình. Cái hạnh phúc đó chắc mình sẽ nhớ hoài, của cả thằng Biển và của mình” - 
Tạ Nguyên Hiệp nhớ lại.

 

Khởi động một dự án đường dài...

 

Những người tham gia dự án Thì sông cứ chảy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ở vị trí này, khi từ những thước phim của ngày lang thang không có kế hoạch lại dẫn đến cơ hội có thể thay đổi cuộc sống cho một số người - cụ thể đó là những đứa trẻ nghèo, thất học và khao khát được đến trường.

Những phần quà bánh, bút màu, sách vở, quần áo... nhiều vô số kể gửi về tấp nập ngay sau khi đoạn phim được lan truyền đã khiến nhóm lần đầu tiên suy nghĩ nghiêm túc về một dự án đường dài, có chiến lược và đích đến cụ thể để giúp các em một cách dài hơi hơn, bền vững hơn chứ không chỉ là sự giúp đỡ thoáng qua. Hiện tại các thành viên của dự án đang “vắt chân lên cổ” phác thảo bản kế hoạch hoàn chỉnh đầu tiên, trước khi tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng.

“Mình nằm nhắm mắt lại thì thấy mặt thằng Biển, con Gấm, Bé, Lụa, Chi. Xong mình tua tới mười năm sau - sau khi dự án cất cánh - lúc đó là một thằng Biển, một bé Lụa, Gấm, Bé, Chi khác. Tụi nó cũng cười toe như vậy, mắt sáng như vậy, nhưng áo quần, tóc tai đã sạch sẽ, gọn gàng. Trong tay mỗi đứa có cái nghề, kiếm được tiền, chúng đọc được chữ, chúng không có gì để mặc cảm, không phải cúi đầu trước những người khác. Và hàng chục, hàng trăm những Biển, Bé, Gấm, Lụa, Chi như vậy mà tụi mình chưa, nhưng hi vọng sẽ gặp, mười, mười lăm năm sau cũng sẽ như vậy...” - Mai Huyền Chi nói đầy hi vọng về dự án tuyệt vời mà họ đang dốc sức mỗi ngày.

Những giấc mơ bé con

**Các thành viên của dự án: Thu Lành (áo tím - ở giữa), Huyền Chi (áo sọc) ôm những đứa trẻ trước khi ra về - Ảnh: Đăng Hiệp

Vỏn vẹn bốn phút, Thì sông cứ chảy (Down the stream) hướng ống kính chủ yếu vào năm gương mặt trẻ thơ của một xóm chài nghèo ở Long Xuyên (An Giang). Mỗi em chỉ vài câu thoại mà như nói thay hàng vạn đứa trẻ chưa có một tuổi thơ các em xứng đáng có. Những đứa trẻ chưa được đến trường, chưa có giấy khai sinh, hằng ngày còn phải đi bán vé số phụ gia đình kiếm sống... Những đứa trẻ có thể không nghĩ gì xa hơn ngoài làm đúng nghề như cha mẹ - đi bán rau cải, đi vét cá; nhưng đã sớm nghĩ lớn lên sẽ “không lấy chồng” vì “xỉn, uống rượu về say nó đánh”... Những đứa trẻ nuôi ước mơ “lên bờ”, vì “dưới sông dơ quá”, vì trên bờ có siêu thị, có đồ ăn, có căn nhà... Những đứa trẻ ước “được đi học”, “ước được có tiền để trả nợ cho mẹ”...

Giữa tiếng xuồng máy, giữa khúc sông đã ngả màu, giữa tiếng cười đùa của bạn bè, những giấc mơ bé con cứ được bày tỏ một cách hồn nhiên nhất, với những nụ cười lấp lánh nước sông, với giọng nói bình dị 
trong veo...

Sau gần hai tuần kể từ ngày Thì sông cứ chảy được đưa lên mạng, đến sáng 13-6, chỉ tính riêng trên một trang cá nhân của Facebook, video đã có gần 1,4 triệu lượt xem, gần 40.000 lượt chia sẻ. Đã có hàng ngàn bình luận “thương quá các em”, nhưng có lẽ, cũng như chính thước phim này, Thì sông cứ chảy không cần thêm lời bình nào, chỉ cần bốn phút để nhìn và lắng nghe...

 

 

http://tuoitre.vn/css.php?k_c=6fc872d8f7e24c0fbfb49b40eb4d3dc3&o=i

 

L.TH. - TT0