Những ngày cuối tháng 12.2012, những câu hát: “… Hãy luôn thắp ngọn lửa trong tim và hãy luôn vững niềm tin cuộc sống. Luôn theo bước đường cha ông lý tưởng cách mạng bừng cháy mênh mông, cho Việt Nam mãi mãi rực hồng. Hãy yêu đất mẹ Việt Nam ta bằng cánh tay sức mạnh như Thánh Gióng, có dáng đứng của tre xanh, có một lá cờ đỏ thắm tung bay trước biển Đông mãi mãi rạng ngời…” lần đầu tiên được vang lên tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam (Hà Nội).
Hàng nghìn trái tim của người trẻ tuổi đã rung lên theo từng nhịp điệu, từng ca từ. Một ca khúc hào hùng, sôi nổi, nhưng vẫn thật… thơ theo đúng “chất” An Thuyên. Đó có lẽ là lần đầu tiên ông trở thành tình nguyện viên của Đoàn, và rồi gắn bó tới tận mãi sau này, cho đến khi ông đi xa.
Làm sao để người trẻ nghe nhạc cách mạng
Nói là tình nguyện viên bởi ông đã nhận lời làm là làm tận tâm, trách nhiệm và hầu như không nhận thù lao. Không nhiều người biết, vị tướng nhạc sĩ ấy đã đảm nhận vai trò đạo diễn cho nhiều những chương trình lớn của Đoàn: Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10 (tháng 12.2012), Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác (tháng 8.2014), Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm phong trào 3 sẵn sàng (tháng 8.2014), Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ 7 (tháng 12.2014).
Bên cạnh công việc đạo diễn, ông còn bỏ thời gian, công sức để sáng tác ca khúc riêng phù hợp cho chủ đề của mỗi chương trình. Chất sâu lắng, đi vào lòng người trong nhạc của An Thuyên vẫn được ông giữ nguyên trong các sáng tác mang tính chính trị. Ngày tình hình biển Đông căng thẳng, nhạc sĩ An Thuyên viết ca khúc Thư con, một bức thư bằng âm nhạc của người con gửi cha đang làm nhiệm vụ tại đảo xa. Trong khán phòng của Lễ tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác (tháng 8.2014), những trái tim đã lặng đi khi nghe những lời hát “Ba ơi, khỏe mạnh lên ba nhé, gió yên biển đảo quê hương, dẹp tan quân giặc điên cuồng rồi ba về với con nhé ba. Con gửi ba nụ hôn thật trẻ với trang thư ra nơi Hoàng Sa…”.
Anh Lê Quang Tự Do, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, vẫn nhớ những ngày nhạc sĩ An Thuyên đầy hào hứng chia sẻ về những ý tưởng của chương trình. Làm sao để nhạc cách mạng đi vào lòng những người trẻ - thế hệ khác với thời đại của các ca khúc không phải điều dễ. “Nhạc sĩ đã rất dày công nghĩ các ý tưởng để chương trình được thực hiện với những góc nhìn nghệ thuật vừa đậm tính chính trị, truyền tải được các thông điệp, mà vẫn nhẹ nhàng, gần gũi. Ông là người có tấm lòng, tâm huyết và hơn hết ông hiểu những người trẻ”, anh Tự Do nhớ lại hình ảnh của người nhạc sĩ - người tổng đạo diễn tận tâm.
Khi còn sống, nhạc sĩ có một tâm nguyện là làm thế nào để người trẻ nghe nhạc cách mạng. Đầu năm nay, ông đã nói về những ý tưởng thực hiện các chương trình biểu diễn đưa nhạc cách mạng đến với thanh niên và đồng bào. Nhạc sĩ đã bỏ nhiều công sức đi tìm các mạnh thường quân, mọi việc vẫn còn dang dở chưa kịp hoàn thành thì ông đi xa. Nhưng có lẽ ông đã yên lòng vì tâm nguyện của ông đang được T.Ư Đoàn tiếp tục thực hiện.
Gieo những hạt mầm xanh
Nhạc sĩ An Thuyên còn có tâm nguyện là tạo dựng những lứa thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng cho âm nhạc Việt Nam. Tâm nguyện đó đã theo ông trong suốt quãng thời gian ở vị trí Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội cho đến khi ông rời cõi dương gian.
Nhiều người không quên câu chuyện về vị hiệu trưởng ra tận bờ đê sông Hồng giữa trời mưa to để tìm cho được cô bé đoạt giải nhất trong một cuộc thi hát mà ông vừa làm giám khảo. Ông muốn đưa cô bé về làm học sinh của trường.
2
Nhạc sĩ An Thuyên là người luôn dành nhiều tâm huyết cho thanh niên - Ảnh: TL
|
Trong suốt hàng chục năm, nhạc sĩ An Thuyên lặn lội tới những vùng xâu, vùng xa, những vùng quê nghèo... tìm những tài năng đưa về trường đào tạo. Biết bao lần, nhạc sĩ tuyển thẳng thí sinh từ trong các cuộc thi, hội diễn. “Có lẽ chẳng có vị hiệu trưởng nào bỏ qua những nguyên tắc để tuyển thẳng thí sinh tài năng ở các cuộc thi vào trường học như ông”, ca sĩ trẻ Lê Anh Dũng nói về người thầy - người hiệu trưởng chẳng giống ai. Còn nhà phê bình Ngô Thảo thì nhìn nhận An Thuyên là người đưa cái nhìn mới về giảng dạy nghệ thuật: “Trường học không phải là nơi thi thố, mà là nơi thu hút nhân tài”.
Quang Hào, Ploong Thiết…, hay biết bao nhiêu giọng hát tài năng sinh ra trong gia đình nghèo khó, nếu không có vị hiệu trưởng tận tâm ấy, có thể đã không có đủ điều kiện và can đảm đi theo con đường nghệ thuật… Đến khi nghỉ hưu, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhạc sĩ vẫn không thôi tìm cách hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ, tạo điều kiện đưa họ đến với công chúng. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, người nhạc sĩ ấy vẫn không nguôi tâm nguyện tạo ra những lớp nghệ sĩ trẻ có tâm có tài.
Xin tiễn biệt ông, người nhạc sĩ tài hoa, người đã bền bỉ gieo những mầm xanh của niềm tin và lý tưởng cho những con người trẻ tuổi Việt Nam.