Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
603
123.245.541

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bài hát Việt 2005 : Những dấu ấn đầu tiên
Mảng âm nhạc pop trên VTV ngày càng sắc nét và thu hút mạnh công chúng, phát hiện nhiều nhân tố trẻ - mới cho làng ca nhạc, tạo được tiếng vang trong xã hội qua các chương trình như VTV - Bài hát tôi yêu (clip vidéo ca nhạc, sân chơi dành cho đạo diễn và ê-kíp thực hiện), Sao Mai - Điểm hẹn (sân chơi và công nghệ đào tạo ca sĩ trẻ). Và Bài hát Việt hiển hiện nhiều cái "lần đầu tiên" cho đời sống một ca khúc...

Năm 2005, liveshow Bài hát Việt  (sân chơi cho giới sáng tác ca khúc và phối khí) dù mới đi được một đoạn đường ngắn, nhưng đã được dự báo là một hoạt động nổi bật trong năm nay.

 

Bao nhiêu năm qua, ngay cả những nhạc sĩ chuyên nghiệp, dù có tác phẩm đã được giải thưởng thường niên của Hội Nghệ sĩ Việt Nam, nhưng công chúng vẫn chưa biết đến. Nhiều ca khúc tồn tại trên giấy. Lần đầu tiên, qua Bài hát Việt, đã đem đến đời sống xã hội thực sự cho các  ca khúc mới sáng tác. Đáp ứng nguyện vọng của không ít nhạc sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên, những người  không có điều kiện, chưa nổi danh, xa trung tâm, xa đất nước... được dịp  phổ biến tác phẩm "mới tò te", đến với hàng vạn công chúng.

 

Lần đầu tiên, một đại diện của thế hệ đàn anh "giao nhiệm vụ" cho thế hệ nhạc sĩ trẻ. Từ lâu, các nhạc sĩ trẻ có cảm giác như nhạc sĩ thế hệ đàn anh chưa có thiện cảm với mình từ những nhận xét, đánh giá trên truyền thông đại chúng. Đêm 22/5, nhạc sĩ Trần Tiến đã chân tình cho rằng, thế hệ của anh đã hoàn thành nhiệm vụ trước một giai đoạn phát triển của ca khúc Việt Nam. Bây giờ là thời của lớp trẻ, và thế hệ mới phải sáng tác, phải cống hiến hơn nữa để gánh vác nhiệm vụ của mình. Nhạc sĩ nói: "Lớp già chúng tôi đến nay còn sức mà lẽo đẽo theo các em đã là vui lắm rồi. Lớp trẻ mới là quan trọng, họ là người đi tiếp con đường chúng tôi còn chưa qua. Cũng đã xuất hiện những tài năng, nhưng chưa nhiều. Lớp trẻ cần cố gắng hơn nữa, bởi họ là niềm hy vọng của công chúng yêu nhạc và của chính lớp nhạc sĩ già chúng tôi".

 

Lần đầu tiên, theo nhạc sĩ An Thuyên, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ), từ các ca khúc khắp cả nước gửi về,  chương trình hội tụ đủ 4 thế hệ cầm bút trên một sân khấu ca nhạc. Nhiều nhạc sĩ tên tuổi  trong làng âm nhạc vẫn vào cuộc rất trẻ như Hồng Đăng, Trần Tiến, Trương Ngọc Ninh... bên cạnh những cây viết đang làm chủ thương trường hiện nay: Võ Thiện Thanh, Vũ Quốc Việt, Đức Trí, Lương Bằng Quang..., có cả nhạc sĩ từ hải ngoại, e-mail gửi bài về, như nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô (Giấc mơ lạ), nhạc sĩ trẻ mang trong mình hai dòng máu Việt-Tiệp như Tina Dinhova (Chiếc gương)...

 

Một điểm nổi bật khác, đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện nhiều cây viết nữ. Trước đây, mỗi khi nhắc đến nhạc sĩ nữ, chúng ta chỉ nhớ đến chị Trương Tuyết Mai. Từ thập niên 80 đến nay, Phương Uyên (Ba Con Mèo) có tác phẩm thực sự tung hoành trên thị trường sân khấu, băng đĩa;  khi nhóm 5 Dòng Kẻ xuất hiện lại nổi lên Giáng Son, rồi đến Ngọc Anh, Mỹ Tâm (giới hạn tác phẩm trong các album của mình)... Ở Bài hát Việt 2005, chỉ sau hai chương trình đã xuất hiện nhiều nhạc sĩ nữ trẻ - đẹp... như Lưu Thiên Hương (Thu tình yêu), Sa Anh (Chợt như), Nguyễn Ngọc Ánh (Biển lặng), Bảo Lan (Một thoáng mùa đông)..., nhưng con số nhạc sĩ nữ tham dự cuộc thi chắc hẳn chưa dừng ở đây. 

 

Và lần đầu tiên quan trọng nhất, trong một cuộc thi ca khúc, đại diện của các nhà sản xuất, nhà báo, nhà biên tập có tiếng nói bình đẳng cùng với các nhạc sĩ trong một HĐTĐ. Có dự họp, mới thấy hết cách làm việc khách quan, thẳng thắn, bản lĩnh, sôi nổi của từng cá nhân trong hội đồng. Cái khó nhất cho HĐTĐ là phải đong đo nhiều phong cách âm nhạc khác nhau của đồng nghiệp, chọn lựa được tác phẩm sao cho không vượt quá tai nghe của công chúng. Khi nói về HĐTĐ, nhạc sĩ Dương Thụ phát biểu: "Trước đây, ở nhiều cuộc thi, Ban giám khảo chưa đáp ứng được đời sống thực. Lần đầu tiên, chúng ta có được một hội đồng đủ thành phần thể hiện tính công bằng. Tránh được cho công chúng cái nhìn hể nói đến VTV có nghĩa là... Hà Nội". 

 

Nhiều ý kiến đồng nhất, chỉ cần sau một năm (10 liveshow), nếu có được một vài ca khúc lan tỏa trong lòng công chúng (và cả phát hiện những cây viết "còn nằm trong lá ủ" bấy lâu) cũng đủ nói lên sự thành công của Bài hát Việt. Một so sánh vui, cuộc thi cũng giống như cuộc thi Hoa hậu toàn quốc, BTC phải hoàn thành chỉ tiêu tìm được top 3 mà công chúng công nhận. Có thể ở thị trường vẫn thống trị bởi nhiều ca khúc dễ nghe, ca khúc "lai" Tây, Tàu, nhưng với công chúng "khó tính", sự tồn tại của Bài hát Việt sẽ khiến cho họ an tâm về một tương lai cho ca khúc Việt Nam hơn. Tuy nhiên, một tín hiệu vui đã đến với những người thực hiện chương trình, qua chương trình 1, giải được trao cho hai nhạc sĩ Trần Tiến và Lương Bằng Quang, cho thấy "hướng nhìn" giữa HĐTĐ và công chúng rất trùng khớp.

 

 

Nhạc sĩ An Thuyên: "Nhìn chung các bài hát bước đầu đã có âm hưởng và cốt cách Việt. Tuy chưa tạo được những ấn tượng mạnh mẽ nhưng cái mới, cái đẹp đã có. Và cũng trong chương trình 1, đã xuất hiện 3 hướng viết ca khúc: 1- Bút pháp tìm tòi chuyên nghiệp, có chiều sâu cảm nhận, 2- Lối viết không cầu kỳ, tình cảm dễ nghe, dễ thuộc, phát huy được thế mạnh của ca khúc, 3- Lối viết đơn giản, trẻ trung, gây ấn tượng. Cả 3 hướng đã tạo một diện mạo thu nhỏ xu hướng ca khúc Việt Nam hiện nay. Tuy vậy, cũng cần nói thêm rằng chương trình 1 chưa thật sự chiếm được cảm tình mạnh của người nghe (cho dù sau 1 tháng đã có 800 ngàn lượt người truy cập trang web), phải chăng đó là trách nhiệm của người sáng tác chúng ta. Ta đã có cái mới, cái đẹp nhưng chưa thuần Việt, cái mới phải hết sức cảnh giác, có khi là cái cũ của nước ngoài, cái đẹp cũng hết sức chú ý là đã quá quen thuộc, mùi mẫn đến nhàm chán... Ca khúc chúng ta cần phải “Việt Nam - đương đại” hơn, đó cũng là cái đích mà chương trình Bài hát Việt chúng ta phải vươn tới".

 

Phan Minh (email: pqminh 306@yahoo.com): "Bài hát Việt 2005 là một chương trình tôn vinh nền âm nhạc hiện đại của Việt Nam, rất hay và bổ ích. Do vậy, chương trình rất đáng được khích lệ. Mong sao có nhiều bài hát và ca sĩ thể hiện tốt. Những người tổ chức nên làm cho chương trình có tính hấp dẫn giống như Sao Mai - Điểm hẹn, và phải có tính bất ngờ. Bên cạnh đó, tôi cũng mong chương trình dàn dựng kịch bản sao cho không bị gián đoạn nhiều. Các kỹ thuật viên cũng cần cải thiện tình hình âm thanh - âm thanh phát trên truyền hình không rõ, lúc to lúc nhỏ, rất khó nghe".

 

Dinh Loan (email : scherzo_Ịs05@yahoo.com): "Âm nhạc Việt Nam trước đây đã vang danh rất nhiều nhạc sĩ tài năng với những ca khúc bất hủ. Và giờ đây, các nhạc sĩ Việt Nam hiện đại đang tìm cách để viết nên những tác phẩm mà sẽ mãi theo cùng năm tháng chứ không chỉ đơn thuần là nhạc thị trường. Bài hát Việt 2005 chính là cơ hội cho các nhạc sĩ thể hiện tài năng. Đây cũng là một sân chơi thực sự chuyên nghiệp để tôn vinh âm nhạc Việt”.

 

Danh sách 12 ca khúc được HĐTĐ chọn từ hơn 40 ca khúc, sẽ biểu diễn vào ngày 26/6: 1- 12 giờ (sáng tác Nguyễn Duy Hùng), 2- Cha tôi (An Hiếu), 3- Giấc mơ lạ (Nguyễn Xinh Xô), 4- Trở về (Xuân Nghĩa), 5- Dù anh không đến (Nguyễn Mạnh Cường), 6-Thuyền giấy (Văn Phong), 7- Bông hoa màu xanh (Khánh Vinh), 8- Chiếc gương (Tina Dinhova), 9- Chuyện tình mùa Đông (Vũ Việt Hồng), 10- Chuyện tình (Hoàng Quân), 11- Đêm trăng Ba Bể (nhạc: Dương Toàn Thiên, thơ: Ma Phương Tân), 12- Chợ tình Sa Pa (Phan Long phỏng thơ Ly Hoàng Ly).  

 

 

Tuấn Anh - TNO