Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
302
123.252.163

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Dân truyền hình lấn sân phim chiếu rạp
Nhà có năm nàng tiên là những phim điện ảnh mà người làm phim đa số là “dân truyền hình” - Ảnh: ĐPCC Những con số doanh thu từ mấy chục tỉ đến cả trăm tỉ đồng của phim chiếu rạp đã và đang là một động lực lớn để các nhà làm phim truyền hình nhảy qua phim chiếu rạp.

 

 
 

Có thể nói việc thay đổi chất liệu ghi hình (từ phim nhựa sang kỹ thuật số) cộng với sự phát triển quá mạnh của truyền hình Việt khoảng 10 năm qua là những yếu tố chính khiến khoảng cách giữa hai lĩnh vực này ít nhiều bị xóa mờ.

Góp sức cho sự phát triển số lượng phim chiếu rạp thời gian vừa qua có sự góp mặt của các công ty chuyên sản xuất phim truyền hình.  

Ngán ngẩm giờ vàng thành giờ... đất sét

Năm 2005, việc HTV7 mở giờ vàng phim Việt đầu tiên được xem là bước ngoặt lớn của truyền hình Việt. Một loạt phim phát sóng thắng lớn cả về phương diện người xem lẫn quảng cáo.

Thừa thắng xông lên, rất nhiều kênh tiếp tục mở giờ vàng phim Việt. Thế nhưng sau 10 năm, tình hình sản xuất phim truyền hình hiện đang trong giai đoạn muôn vàn khó khăn. Ít khán giả, quảng cáo lúc trồi lúc sụt, dân trong nghề đùa vui rằng giờ vàng phim Việt hiện nay đang trở thành giờ... đất sét.

Thậm chí giờ phim Việt trước đây toàn phát phim mới thì nay phát sóng lại phim cũ. Cụ thể như lúc 17g30 trên HTV9 hiện phát sóng hai phim cũ làTrường nội trú và Những mảnh đời giông bão. Trên truyền hình Vĩnh Long 1 lúc 20g cũng vừa phát sóng xong Ra giêng anh cưới em - phim từng phát sóng dịp đầu năm mới.

Và cả ngay những phim có chất lượng tốt, lượng người xem cao cũng khó thu hút quảng cáo. Đến như phim Cha rơi (huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc và giải Cánh diều vàng năm 2014) với câu chuyện hấp dẫn, đậm tính nhân văn và quy tụ lực lượng diễn viên khá hùng hậu nhưng khi phát sóng trên VTV9 không thu đủ quảng cáo như trong hợp đồng với nhà đài.

Bà Bích Liên - giám đốc Hãng phim Sóng Vàng (nhà sản xuất Cha rơi) - chua chát: “Thời kinh tế khó khăn mà, kiếm quảng cáo đâu dễ”.

Bà Bích Thủy - giám đốc Hãng phim Sena - cũng nhận thấy như vậy: “Thời nay khán giả quá no nê, thậm chí chán ngán với phim truyền hình. Trong khi đó game show được xem nhiều bởi đầu tư hoành tráng, hình ảnh đẹp, vui vẻ.

Kinh tế hiện đang khó khăn nên các công ty quảng cáo tiết kiệm ngân sách, chỉ đầu tư vào những chương trình đông người xem”.

Bộ ba rắc rối  - Ảnh: ĐPCC

 

“Phim chiếu rạp hiện đang bị truyền hình hóa là một thực tế khá rõ ràng. Cụ thể những phim có doanh thu đều là phim quy tụ các nghệ sĩ hài nổi tiếng trên truyền hình

Đạo diễn trẻ TRƯƠNG QUANG THỊNH

 

Phim chiếu rạp: cơ hội làm ăn mới

Ngược lại với những khó khăn của phim truyền hình, phim chiếu rạp đang có vẻ như là món hời để đầu tư khi hệ thống rạp chiếu phim ở VN hiện đã tăng đến gần 100 cụm rạp tiêu chuẩn, lượng phim Việt từ khoảng 10 phim/năm tăng lên đến 30 phim/năm và không chỉ có mùa tết mới có doanh thu lớn.

Không phải vừa lo sản xuất phim vừa phải chạy quảng cáo để đủ doanh số với nhà đài, ngày càng có nhiều nhà sản xuất phim truyền hình lấn sân sang phim điện ảnh như tìm một cơ hội làm ăn mới.

Mang tâm trạng hồ hởi của những người mới bước vào sân chơi mới, bà Bích Thủy cho biết: “Theo tôi, chiếu rạp đang được xem là cuộc chơi sòng phẳng. Nhà sản xuất chỉ chú tâm sản xuất sao cho phù hợp với thị hiếu khán giả.

Còn phương thức thanh toán cào bằng giá phim truyền hình như hiện nay đang khiến nhiều nhà sản xuất không dám đầu tư cao vì sợ lỗ”.

Hiện đơn vị sản xuất phim truyền hình tham gia phim chiếu rạp nổi bật nhất là Hãng phim Sóng Vàng. Mỗi năm hãng phim này sản xuất mấy trăm tập phim truyền hình cung cấp cho cả HTV lẫn VTV. Đều đặn từ năm 2013 đến nay, Sóng Vàng làm phim chiếu rạp mùa tết và còn hợp tác với các hãng phim khác để sản xuất phim chiếu rạp khắp mùa trong năm.

Sau một thời gian chung sống với phim truyền hình, Hãng phim Sena cũng vừa quyết định đầu tư sang phim chiếu rạp.

Bộ phim đầu tiên của hãng này Hãy ẵm em ra biển đang thực hiện phần hậu kỳ. Át chủ bài của bộ phim này là sự trở lại của “nữ hoàng nước mắt” Việt Trinh với câu chuyện khá lâm li ướt át về cuộc sống vợ chồng.

Công ty Leo Media sau khi sản xuất bốn phim truyền hình giờ cũng bắt đầu “dấn thân” với bộ phim đầu tay Cầu vồng không sắc. Sắp tới đây, hãng sẽ ra rạp một bộ phim hài hước, hành động mang tên Điệp vụ chân dài.

Hoàng Thần Tài - hãng phim của diễn viên hài Hoàng Mập - sau khi thực hiện một số phim truyền hình cũng nhảy vào lĩnh vực phim chiếu rạp với các bộ phim Cưới chạy, Đời như ý, Mỹ nam kế...

Một hãng phim truyền hình khác là Vietcom cũng đang nhắm nhe một kịch bản phim chiếu rạp và chuẩn bị sản xuất trong nay mai.

Sơn đẹp trai - Ảnh: ĐPCC

Khác nhau đâu chỉ cái màn hình

Bà Bích Liên không giấu giếm hiện doanh thu phim truyền hình của Hãng phim Sóng Vàng đã giảm nhiều so với trước đây.

Trong khi đó phim chiếu rạp lại đem về nguồn thu đáng kể: “Tuy nhiên làm phim thể loại nào cũng có cái khó của nó. Làm phim truyền hình nếu lỗ cũng lỗ ít, còn phim chiếu rạp mà không có khán giả thì coi như mất trắng. Mà vốn sản xuất toàn tính bằng tiền tỉ nên không đùa được”.

Nói về ưu thế của sản xuất phim truyền hình chuyển sang phim chiếu rạp, ông Nguyễn Quang Tuyến - giám đốc Hãng phim Leo Media - cho rằng:

“Chịu áp lực về thời gian và tiền bạc nên các đoàn phim truyền hình khi ra phim trường thường đánh nhanh, gọn, lẹ. Một êkip làm phim truyền hình đã quen với cường độ làm việc căng thẳng nên khi chuyển qua làm phim chiếu rạp tốc độ thực hiện cũng nhanh và chuyên nghiệp hơn”.

Thế nhưng truyền hình và điện ảnh vốn là hai lĩnh vực khác nhau, chí ít cũng khác nhau bởi cái màn ảnh. Phim trên màn ảnh nhỏ khán giả có thể vừa xem vừa nấu cơm, lau nhà... Những hạt sạn đôi khi vì thế mà dễ dàng bỏ qua. Còn phim chiếu rạp thì màn ảnh to đùng, âm thanh sắc nét.

Khán giả tập trung coi trong 90 phút nên cái dở, cái phô, cái ngớ ngẩn cứ hiện rõ mồn một. Nhiều đạo diễn dạn dày kinh nghiệm trong phim truyền hình nhưng chỉ là lính mới của phim chiếu rạp như Võ Tấn Bình, Phương Điền, Minh Cao... đã phải nếm mùi thương đau với Nàng men chàng bóng, Bộ ba rắc rối, Bay vào cõi mộng, Thiên sứ 99...

Và câu hỏi đặt ra: liệu với sự tham gia của các nhà sản xuất phim truyền hình, phim chiếu rạp đang ngày một truyền hình hóa?

Đạo diễn trẻ Trương Quang Thịnh (đạo diễn phim truyền hình Quyến rũ, Đánh thức trái tim và mới đây là phim điện ảnh Sơn đẹp trai) thừa nhận:

“Phim chiếu rạp hiện đang bị truyền hình hóa là một thực tế khá rõ ràng. Cụ thể những phim có doanh thu đều là phim quy tụ các nghệ sĩ hài nổi tiếng trên truyền hình.

Khán giả mua vé xem phim để người ta coi danh hài Hoài Linh, Việt Hương hay Trấn Thành... chọc khán giả cười điều gì, chứ họ chẳng quan tâm lắm câu chuyện phim bởi nội dung rất dở. Và để đáp ứng nhu cầu ấy, hài trong phim Việt được nghiên cứu sao cho ngày càng dày hơn để giữ chân khán giả.

Nhưng đến một lúc nào đó tiếng cười nhàm dần, không còn nặng ký, phim Việt sẽ lấy gì để hút khán giả đây?”.

Từ năm 2013, Hãng phim Sóng Vàng chuyên sản xuất phim truyền hình bắt đầu cuộc chơi mới bằng phim chiếu rạp mùa tết. Thị trường phim chiếu rạp còn ghi dấu son về doanh thu của Nhà có năm nàng tiên mà Sóng Vàng sản xuất khi là phim tết nhưng đến tận tháng 4 khán giả vẫn còn đi xem phim này ở cụm rạp Megastar và thu về gần 60 tỉ đồng (con số khủng thời điểm đó).

Giữ át chủ bài và độc quyền bạc tỉ Hoài Linh, Sóng Vàng tiếp tục thắng với Năm sau con lại về (2014) và Quý tử bất đắc dĩ (2015). Không chỉ tập trung mùa phim tết, Sóng Vàng còn hợp tác, bỏ vốn đầu tư tham gia sản xuất nhiều phim chiếu rạp khác rải rác trong năm và mới đây kinh doanh thêm việc phát hành đồng thời làm rạp chiếu phim (Mega GS).

                                                                                                                                       C.Khuê

 

 

HOÀNG LÊ (leht@tuoitre.com.vn) - TT0