300 ngàn USD cho 5 năm bảo tồn ca trù?
Ngày 9-5-2005, Bộ trưởng Bộ VHTT đã ký quyết định giao việc xây dựng hồ sơ quốc gia "Hát ca trù của người Việt" đề nghị UNESCO công nhận Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại cho Viện Âm nhạc (thuộc Nhạc viện Hà Nội).
Theo bản đề xuất (dài 8 trang, có thể tạm coi là đề cương dự án) của Viện Âm nhạc, dự án có diện hoạt động rất rộng, trải trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Dự kiến thời gian tới, tiểu ban lập dự án sẽ dựng lại lễ "Thị yến thưởng đào" tại làng Đông Ngạc, lễ "Mở xiêm áo" tại đình Lỗ Khê (Đông Anh); phục hồi lễ "Chầu cử" tại đền Đồng Sâm (Thái Bình), quay phim các bài "Múa bỏ bộ", "Múa bài bông", "Múa dâng hương" tại Hà Tĩnh...
Một chương trình hành động 5 năm được đưa ra, nhấn mạnh các phương án chính như: Đưa ca trù vào giảng dạy tại Khoa Âm nhạc truyền thống và trường Văn hoá- Nghệ thuật trong cả nước; Đầu tư cho các nghệ thuật chuyên nghiệp các tiết mục hát ca trù; Tạo điều kiện cho các nhóm nghệ nhân hoạt động thường xuyên trong các dịp liên hoan, tiếp khách của trung ương và địa phương; Tổ chức "Lễ chầu cử" định kỳ 1 hoặc 2 năm/lần thành một Festival nghệ thuật.... Viện Âm nhạc cũng đề nghị UNESCO tài trợ cho chương trình bảo tồn ca trù khoảng kinh phí 300.000 USD.
Còn nhiều bất đồng trong giới nghiên cứu!
Bản đề xuất của Viện Âm nhạc khẳng định: hát ca trù xuất hiện ở nước ta từ thời kỳ nhà Lý ("Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), vua Lý Thái Tổ đặt chức quản giáp cho giới con hát"). Tuy nhiên, nhà nghiên cứu - Th.sỹ Nguyễn Xuân Diện (Viện nghiên cứu Hán Nôm) bác bỏ quan điểm này.
"Với tư liệu hiện tại chỉ có thể tạm khẳng định là ca trù có từ thế kỷ 15" - Th.sỹ Nguyễn Xuân Diện quả quyết - "Căn cứ vào gia phả Lê Đức Mao làng Đông Ngạc trong đó có nhắc đến hai chữ ca trù. Đó là tư liệu sớm nhất về ca trù. Ngoài ra ở một số chùa có những bức chạm về ca trù. Có lẽ những người khẳng định ca trù có từ trước thế kỷ 15 căn cứ vào bức khắc gỗ trên bệ tượng chùa Thái Lạc (Hưng Yên) nhưng thực tế bức khắc đó diễn tả một vũ điệu dân gian ảnh hưởng nặng của âm nhạc Chàm, chứ không phải nói về ca trù".
Tuy nhiên, GS.TS Vũ Nhật Thăng (từng là Trưởng BGK tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2005) lại khăng khăng bảo vệ dòng quan điểm thứ nhất: "Sử ghi từ thời Lý, tức khoảng thế kỷ 11 đã có hát Ả đào (Mãi về sau Ả đào mới được gọi là ca trù). Những người nói rằng ca trù chỉ có từ thể kỷ 15 là căn cứ vào cái đàn đáy. Đàn đáy đúng là thế kỷ 15 mới có, nhưng điều đó không có nghĩa hát Ả đào đến thế kỷ 15 mới xuất hiện. Hát Ả đào có thể có một dàn nhạc chứ không phải chỉ có một đàn đáy. Cho nên, có thể những hình thức Ả đào đã được thay đổi qua các triều đại".
Như vậy, để tiến tới xác định những tư liệu chính xác về ca trù, ngay từ bước đầu tiên chúng ta đã "vấp"! Hồ sơ trình UNESCO sẽ phải hoàn thành muộn nhất vào tháng 8 năm sau. Tiểu ban soạn thảo cần tìm lấy một tiếng nói chung giữa mọi sự bất đồng hiện nay, tránh tạo nên sự nghi ngờ ở chính tổ chức sẽ xét duyệt hồ sơ.