Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
375
123.251.661

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Để sông Hương... hết buồn
Phối cảnh không gian phía bờ nam sông Hương - Ảnh: chụp lại từ tài liệu của dự án Do dự án đề xuất được thực hiện ở vị trí trung tâm và khá nhạy cảm với cảnh quan sông Hương, nên rất được người dân, các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm.

 

 

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa có buổi họp để nghe nhóm tư vấn quy hoạch của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trình bày dự án thí điểm xây dựng hệ thống mạng lưới kết nối tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương.

Đây là dự án thí điểm trong quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương với kinh phí tài trợ 6 triệu USD (hơn 130 tỉ đồng), phạm vi quy hoạch có chiều dài khoảng 16 km đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều rộng mỗi bên cách bờ khoảng 100 m, diện tích là 365 ha. Dự án do Công ty kỹ thuật Dohwa (Hàn Quốc), Viện Nghiên cứu đô thị Han-A và đơn vị tư vấn phụ là Công ty CP kiến trúc BHA với mục tiêu nhằm liên kết khu vực ven sông từ cồn Hến đến cồn Dã Viên (bờ nam sông Hương), kết nối giao thông xuyên suốt từ công viên Lý Tự Trọng.

 
 

Để sông Hương... hết buồn - ảnh 1

Đơn vị tư vấn đã đề xuất đóng cọc bê tông xuống sông Hương, để làm một con đường đi bộ rộng 4 m, kết cấu bê tông, sàn lát gỗ lim gắn lan can bằng vật liệu đồng thau, đồng thiếc hoặc thép mạ đồng

Để sông Hương... hết buồn - ảnh 2

 
 
 

Mở rộng không gian giải trí

KOICA đã đề xuất phương án xây dựng mạng lưới kết nối với tuyến đường đi bộ dài 380 m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (hiện tại) lên đến khu vực công viên trước Bệnh viện T.Ư Huế, chia làm 3 khu vực gồm: không gian bến thuyền, quảng trường tổ chức sự kiện; không gian cầu đi bộ và không gian dưới chân cầu Phú Xuân kết nối với không gian sân khấu biểu diễn ngoài trời.

Không gian bến thuyền với phương án mở rộng đến bờ kè, làm các đường dốc, bồn hoa, đặt bộ bàn ghế, ki ốt, dựng sân khấu nhỏ phía trước quảng trường bậc thang. Không gian cầu đi bộ sẽ được cải tạo quán cà phê ven sông hiện có để tạo tính liên kết đến cầu Phú Xuân; làm vườn sen ở khu vực ven bờ giữa cầu đi bộ với nhà hàng. Không gian cuối cùng kết nối với không gian sân khấu biểu diễn ngoài trời, sẽ xây dựng băng ghế dài ở dưới chân cầu Phú Xuân để làm không gian nghỉ ngơi, ở khu vực cuối cùng của sàn tàu nối với sân khấu biểu diễn ngoài trời có thể là bến thuyền quy mô nhỏ, sân khấu biểu diễn ngoài trời bố trí các băng ghế theo địa hình và xây dựng theo kiểu dáng tự nhiên nhưng sử dụng vật liệu phân biệt với sàn gỗ lim.

Theo phương án này, đơn vị tư vấn đã đề xuất đóng cọc bê tông xuống sông Hương, để làm một con đường đi bộ rộng 4 m, kết cấu bê tông, sàn lát gỗ lim gắn lan can bằng vật liệu đồng thau, đồng thiếc hoặc thép mạ đồng. Bên cạnh thiết kế công trình đường đi bộ còn kết hợp thiết kế ánh sáng làm cho tuyến bờ sông thêm lung linh về đêm.

Sông Hương sôi động hơn

Do dự án đề xuất được thực hiện ở vị trí trung tâm và khá nhạy cảm với cảnh quan sông Hương, nên rất được người dân, các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế), trước khi đề xuất dự án này, ông cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học cũng đã được mời góp ý rất nhiều lần. “Ai cũng công nhận dòng sông Hương không chỉ đẹp mà còn thơ mộng, là linh hồn của Huế. Tuy nhiên, từ nhà quản lý đến người làm nghiên cứu luôn trăn trở là suốt từ trước đến nay, dòng sông Hương vẫn rất buồn. Huế chưa làm được một điều gì đó để thu hút người dân và du khách đến gần với sông Hương hơn. Dự án này là một trong những nỗ lực tạo điểm nhấn để làm sao cho sông Hương sôi động hơn, gần gũi hơn và tạo cảnh quan đẹp để nhìn sang bờ bắc với Kinh thành Huế cổ kính”, ông Hoa chia sẻ.

Một trong những điều mà các nhà nghiên cứu quan ngại nhất theo ông Nguyễn Xuân Hoa đó là tránh tạo ra những công trình to lớn, phản cảm với sông Hương. “Trước đây, trong các cuộc họp lấy ý kiến, phía tư vấn Hàn Quốc có đề xuất xây dựng đài ngắm cảnh gần cầu Tràng Tiền, nhà hát ngoài trời có mái che cách điệu hình cánh diều và một vài điểm dịch vụ ở trước khu vực UBND tỉnh. Về đài ngắm cảnh, chúng tôi đồng ý sông Hương cần một công trình điểm nhấn nổi bật, nhưng vị trí gần cầu Tràng Tiền thì không ổn. Sau đó, nhiều người đồng tình chọn vị trí cồn Dã Viên là thích hợp nhất. Về sân khấu ngoài trời có mái che chúng tôi chưa bằng lòng lắm. Còn phương án kết nối không gian phố đi bộ, chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý vật liệu phải thân thiện với môi trường và phù hợp với cảnh quan đặc trưng của Huế”, ông Hoa cho biết thêm.

Ông Phan Thiên Định, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nói đại diện các sở, ban ngành cũng đã có ý kiến như phần lan can không nên làm lan can cứng mà phải làm lan can mềm, điểm xuyết thêm cây xanh. Ở vị trí đường đi bộ dưới chân cầu Phú Xuân, nhiều ý kiến yêu cầu phải bảo đảm cả về mặt kiến trúc lẫn thẩm mỹ, và vì cầu hiện đang thuộc quản lý của Bộ GTVT nên phải có ý kiến của bộ này. Về phương án đóng cọc xuống sông Hương để làm cầu đi bộ, nhiều ý kiến cũng băn khoăn đề nghị phải hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dòng chảy và tránh nhìn từ xa thấy hàng cọc thô sẽ mất mỹ quan. Ngoài ra, khi kết nối mở rộng phố đi bộ cần phải tăng cường hệ thống nhà vệ sinh kết hợp với các tổ hợp dịch vụ có quy mô vừa phải...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cũng đề nghị phía dự án phải tổ chức trưng bày công khai để tiếp thu thêm ý kiến nhân dân.

Theo KOICA, dự án thí điểm xây dựng hệ thống mạng lưới kết nối tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương, sau giai đoạn thẩm định, phê duyệt và chuẩn bị đầu tư, dự kiến có tiến độ thi công từ tháng 5.2016 và sẽ hoàn thành vào tháng 4.2017, với tổng kinh phí hơn 63 tỉ đồng (hơn 2,8 triệu USD).

 

 

Bùi Ngọc Long - TN0