Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.824 tác phẩm
2.758 tác giả
193
122.830.984

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người ước mơ thay đổi bộ mặt Sài Gòn
Công viên 23.9 ngày nay - Ảnh: D.Đ.M Cố vấn xây dựng đồ án thiết kế Thư viện Quốc gia ở Sài Gòn vào năm 1968 (nay là Thư viện Tổng hợp TP.HCM) là kiến trúc sư Lê Văn Lắm. Nhưng ít ai biết ông đã có đề án xây dựng một trung tâm thương mại Sài Gòn vào năm 1964.

 

 

 

Thời đó, năm 1964, đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định tròm trèm khoảng 2 triệu dân lại rối beng vì các tướng lãnh “chỉnh lý” liên tục, sinh viên - học sinh biểu tình đòi dân chủ, chống Hiến chương Vũng Tàu… nhưng kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Lắm vẫn nhìn TP về tương lai là: “Cơ quan hữu trách cần lưu tâm cải thiện, càng sớm càng tốt hệ thống lưu thông chung quanh khu vực nhà ga hầu tránh cho đồng bào khỏi phí thời giờ tiền bạc và sức khỏe trong việc xê dịch hằng ngày để mưu sinh…”. Từ suy nghĩ đó, ông Lắm - một trong ba người tại Sài Gòn có cả hai văn bằng KTS và văn bằng phát triển quốc gia tại nước ngoài đã thực hiện dự án xây dựng một trung tâm thương mại tại ngay công trường Diên Hồng (trước chợ Bến Thành).

Không còn những con tàu trên sân ga

Một trong những vấn đề KTS Lê Văn Lắm quan tâm là giao thông trong TP mà theo ông nhận định là hệ thống lưu thông nối liền các khu vực có một vài nơi chưa hoàn hảo. Khi học tại Pháp, ông biết tại những đô thị lớn xe cộ thường bị ứ đọng trong khu trung tâm chứ ít bị nghẽn ở vùng ngoại ô. Lưu thông khó khăn gây ảnh hưởng tai hại cho nền kinh tế quốc gia.

Phối cảnh trung tâm thương mại - Ảnh: T.L

 

Việc đầu tiên của dự án này là chuyển nhà ga xe lửa ra ngoại ô để người dân khỏi phải “lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ, lòng của người đi réo kẻ về” (Tế Hanh). Vị trí nhà ga nằm cạnh chợ Bến Thành, gần các đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Phạm Hồng Thái, Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi). Khu đất nhà ga không có đường xuyên ngang là chướng ngại vật chia TP thành hai khu vực đông tây, khó liên lạc với nhau. Sau khi di chuyển nhà ga ra ngoại ô, sẽ phá bỏ bờ tường nhà ga trên đường Phạm Ngũ Lão, mở đường nối liền hai khu Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, Lê Lai - Võ Tánh để mở rộng hệ thống đường sá chung quanh. Thực hiện chỉnh trang công trường Diên Hồng, mở đường nối liền đại lộ Lê Lợi - Trần Hưng Đạo, dời bến xe buýt sang vị trí mới, thực hiện một tượng đồng, một hồ nước, lối đi và vườn cỏ trên khu trung tâm công trường. Thực hiện dự án di chuyển khu nhà ga sẽ cải thiện được lưu thông, đồng thời có thể xây dựng được tầng hầm ngầm dưới lòng đất dành để đậu xe hơi.

Chợ Bến Thành được “phân công, phân nhiệm” lại

Theo KTS Lắm, kiến trúc chợ Bến Thành thời Pháp, nay (1964) không còn hợp thời nữa khi mật độ dân số và sự phát triển kinh tế thương mại lên cao. Đâu phải vì bóng cũ mà ngại phải nhìn xa, trong dự án này, ông đề nghị xây dựng một trung tâm thương mại ở khu đất nhà ga (công viên 23.9 hôm nay) sau khi nhà ga đã được di chuyển ra ngoại ô.

 
 

Trả lời Thanh Niên, KTS Ngô Viết Nam Sơn (con của KTS Ngô Viết Thụ) xác nhận: KTS Lê Văn Lắm cùng với KTS Huỳnh Kim Mãng và Ngô Viết Thụ đã tốt nghiệp văn bằng kiến trúc ở nước ngoài đồng thời lấy thêm bằng quy hoạch đô thị, phát triển quốc gia ở Pháp và Bỉ. Ông cũng là bạn thân với KTS Ngô Viết Thụ. KTS Lê Văn Lắm đã qua đời cách đây nhiều năm.

 

Khu trung tâm thương mại gồm những gian hàng nối tiếp nhau, giữa những hành lang trồng hoa, lót gạch có hồ nước nhân tạo và những ghế dài cho khách nghỉ chân. Xây dựng trung tâm thương mại này để di chuyển một phần sự buôn bán tại chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành sẽ được “phân công, phân nhiệm” mua bán thực phẩm như thịt, rau, cá, mắm muối... Khu vực trung tâm thương mại mới sẽ là những gian hàng bán quần áo thời trang, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, vật dụng văn phòng, văn hóa phẩm, đồ dùng học sinh, báo chí, sách vở cùng các trò chơi giải trí, quán giải khát, rạp chiếu bóng… Như vậy so diện tích chợ Bến Thành độ 10.000 m2 thì tổng số khu thương mại diện tích có thể lên đến 40.000 m2 sẽ giải quyết được nhu cầu phát triển giúp đồng bào thêm phương tiện mưu sinh mà từ xưa đến nay việc mua bán chỉ tập trung trong khu vực người Hoa trong Chợ Lớn.

Xây hàng loạt cao ốc 20 tầng

KTS Lê Văn Lắm cho rằng Sài Gòn được tạo lập trên một khu đất thấp, muốn dân chúng trong nước cũng như du khách ngoại quốc thưởng thức được vẻ đẹp của toàn TP cần có một nơi thật cao để ngắm cảnh, mà nơi đó phải là tầng thượng của một tháp hay cao ốc nhiều tầng. Thêm nữa, về mặt kinh tế, đất tại khu thương mại rất đắt tiền, nên cần phải xây dựng một cao ốc nhiều tầng mới mong quân bình số vốn bỏ ra. Về thẩm mỹ, kiến trúc thấp của các gian hàng chạy dài gần 1.000 m sẽ thiếu vẻ hoành tráng nếu như không xây lên vài cao ốc. Ngoài các lý do trên, vào thời 1964, Sài Gòn còn thiếu nhiều khách sạn tối tân dành cho các du khách ngoại quốc, văn phòng thương mại xuất nhập cảng, chi nhánh ngân hàng, văn phòng tư nhân hành nghề tự do, các cư xá cao ốc cho dân chúng nên ông đã đề nghị dự án xây dựng ba cao ốc độ 15 đến 20 tầng/cao ốc tại trung tâm thương mại để giải quyết nhu cầu này cũng như để giải quyết những đòi hỏi của phát triển TP trong những năm về sau.

Có lần KTS Lê Văn Lắm - người từng là Tổng giám đốc Tổng nha Kiến thiết và thiết kế đô thị nói về dự án này: “Nhà đô thị nghiên cứu việc chỉnh trang cũng như nghệ sĩ sáng tác một họa phẩm, nhạc phẩm đều ước mong đứa con tinh thần được dưỡng nuôi và sống mạnh”.

Dự án của ông không được thực hiện vì tình hình chính trị sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm rất rối ren, tình hình kinh tế bất ổn nên các nhà đầu tư và chính phủ Sài Gòn không mặn mà cho lắm. Nếu dự án được thành hình như ông ước mong thì trung tâm Sài Gòn chắc giờ đã khác.

 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa - TN0