Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
394
123.251.787

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cổ vật kỳ sự: Đầu tượng vàng trong đống phế liệu
Phiên bản đầu tượng được trưng bày để công chúng thưởng lãm Được đánh giá là bảo vật cực kỳ quý hiếm, đầu tượng bằng vàng của Vương triều Champa phát lộ tại xã Đại Thắng (H.Đại Lộc, Quảng Nam) hiện đang được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.

 

Đầu tượng giá 160 lượng vàng

Năm 2015, đầu tượng Shiva do cha con ông Nguyễn Văn Kình (trú tại Phú Long, xã Đại Thắng) tình cờ tìm thấy (vào tháng 7.1997) được công nhận là bảo vật quốc gia. Từ đây, những câu chuyện ly kỳ về số phận của món bảo vật được nhiều người nhắc lại.

 

Cách đây gần 20 năm, con trai ông Kình trong một lần rà phế liệu đã tìm thấy một hũ bạc bị bể, bên trong có chứa đầu tượng bằng vàng. Người dân hay tin cha con ông Kình đào được bức tượng quý đã truyền tai rồi rủ nhau đến xem. Cánh buôn đồ cổ cũng “ngửi” thấy được giá trị bức tượng nên lần lượt đến nhà ông Kình gạ gẫm mua bán. Trong đó, trùm buôn bán đồ cổ nổi tiếng thời đó là Nguyễn Đăng Tiến (trú xã tại Điện Minh, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) đã nhanh chân tìm đến và ra giá 15 lượng vàng.

 

Đầu tượng sau đó được đẩy lên với mức giá 68 lượng vàng. Gia đình ông Kình đồng ý bán và trở thành đại gia của vùng quê chỉ sau một đêm. Trong khi đó, biết vớ được “của hời” nên ông Tiến đã tìm cách liên hệ Đào Danh Đức (trú tại TP.HCM) rồi bán đầu tượng với giá 160 lượng vàng. Bắt đầu từ đây, lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc, khởi tố và bắt giữ 4 người liên quan đến vụ án buôn bán cổ vật.

 

Không chỉ đẩy nhiều người vướng vòng lao lý, bức tượng cũng khiến ngành chức năng tỉnh Quảng Nam “mất ăn mất ngủ” khi tìm cách cất giữ. Sau khi nhận bàn giao từ công an, ngành văn hóa tỉnh này đã lên phương án bảo vệ bảo vật hết sức cẩn mật bởi đầu tượng chắc chắn sẽ khó tránh khỏi sự dòm ngó của kẻ xấu. Khi đề cập đến vấn đề này, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam tỏ ra dè dặt và từ chối cung cấp chính xác địa điểm cất giữ. “Với một bảo vật giá trị như đầu tượng Shiva thì công tác bảo vệ sẽ hết sức chặt chẽ. Vì yếu tố bảo mật nên chúng tôi không thể nói rõ hơn”, ông Hài thận trọng.

 

Còn ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam thì cho biết, vì đầu tượng Shiva có giá trị quá lớn nên sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia, bảo tàng tỉnh đã làm một phiên bản với chất liệu khác chứ không dám mang hiện vật này ra trưng bày trực tiếp. “Thông tin về nơi cất giữ rất hạn chế. Phương thức bảo vệ đầu tượng này cũng rất đặc biệt”, ông Tịnh nói, rồi “bật mí”: Hiện đầu tượng Shiva đang được cất tại một vị trí riêng biệt với hệ thống bảo vệ nhiều lớp. “Để có thể tiếp xúc với đầu tượng này phải qua nhiều lớp cửa với nhiều ổ khóa khác nhau. Chỉ những người có chức năng mới được giữ chìa khóa. Và những chiếc chìa khóa này được chia ra cho một số người”, ông Tịnh nói thêm. Có thể hiểu đơn giản là, khi cần thiết vào “két sắt” cất đầu tượng, những người giữ chìa khóa sẽ cùng có mặt và mỗi người mở một lớp cửa để vào lần lượt. Cách quản lý này có thể hạn chế thấp nhất khả năng quốc bảo bị đánh cắp.

Đầu tượng Shiva bằng vàng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng NamS.X

 

Chỉ có 2 đầu tượng vàng tại VN

 

Với nghệ thuật chế tác độc đáo bằng chất liệu vàng, nhiều người có chuyên môn nhận định nếu không kịp thời ngăn chặn vụ buôn bán cổ vật, rất có thể bức tượng đã bị bán ra nước ngoài giống như số phận của nhiều bức tượng khác.

 

Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho biết đầu tượng Shiva được chế tác từ 0,58 kg vàng, cao 24 cm, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 10. Trong văn hóa Champa ngày xưa, đầu tượng Shiva là bộ phận bị tách rời từ những ngẫu tượng linga, còn gọi là linga-kosa thờ tự trong các ngôi tháp. Trong bài Theo dấu linga-kosa, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn giải thích: “Kosa là một lớp vỏ bọc bằng kim loại, thường là vàng hoặc bạc, dùng để bao bọc phần trên cùng của ngẫu tượng linga (hiện thân của thần Shiva) thờ trong các tháp Chăm. Vào những dịp lễ trọng, người Chăm sẽ mở kosa để tiến hành nghi lễ tẩy rửa linga”. Thuật ngữ kosa với ý nghĩa là “vỏ bọc hoặc vật chứa một thứ quý giá”, tức là các linga được thờ cúng trong các ngôi đền. Theo nhà nghiên cứu này, khi Ấn Độ giáo du nhập vào Champa, thần Shiva được người Chăm suy tôn là “thần của các vị thần”, là “chúa tể của muôn loài”. Vào thế kỷ thứ 4, vua Bhadresvara 1 của Champa đã cho lập thánh địa Mỹ Sơn để thờ thần Shiva. Văn bia bằng chữ Phạn trong thánh địa Mỹ Sơn đã tôn thần Shiva là “cội rễ của nước Champa”.

 

“Từ trước đến nay, lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Champa chứng tỏ rằng chỉ duy nhất tượng thần Shiva được làm bằng vàng, chưa thấy tượng các vị thần khác được làm bằng chất liệu quý như thế”, trích bài viết của Trần Đức Anh Sơn. Dẫn các tư liệu, nhà nghiên cứu này thông tin: Kosa là những món quà quan trọng nhất, quý giá nhất mà các vị vua Champa dâng lên thần Shiva. Hoàng gia Champa tin tưởng rằng việc tạo nên những linga-kosa quý giá bao bọc cho các linga thường làm bằng sa thạch sẽ thúc đẩy khả năng bảo vệ vương quốc và hoàng gia khỏi mọi điều bất trắc, đảm bảo sự thịnh vượng cho vương quốc, cũng như khả năng mở rộng lãnh thổ.

 

Điểm đáng chú ý là đầu tượng Shiva được tìm thấy tại H.Đại Lộc, nơi không hề có bất cứ dấu vết nào cho thấy sự tồn tại của nền văn hóa Champa xưa. Do vậy, nhiều khả năng đầu tượng đã trải qua nhiều biến cố, lưu lạc từ một nơi khác cho đến khi được tìm thấy vào năm 1997.

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cũng cho biết hiện ở VN chỉ còn giữ được 2 đầu tượng Shiva bằng vàng. Đầu tượng Shiva thứ nhất được phát hiện đầu thế kỷ 20 tại Hương Đình (Phan Thiết, Bình Thuận), hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN nhưng chưa được trưng bày. Đầu tượng Shiva thứ 2 hiện đang được Bảo tàng Quảng Nam cất giữ.

Nhiều nước xem đầu tượng Shiva là báu vật

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn trong bài Theo dấu linga-kosa cho biết, trong một cuộc triển lãm về lịch sử và văn hóa VN tổ chức tại Áo, ông đã chứng kiến một linga-kosa đặc biệt với kosa làm bằng bạc, gồm hai lớp. Đây là hiện vật được mua bảo hiểm cao nhất trong cuộc triển lãm và được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Còn tại Pháp, ông tận mắt thấy linga-kosa hoàn toàn bằng bạc, niên đại từ thế kỷ 8. “Vì thế, nó được Bảo tàng Guimet, Pháp coi như bảo vật... Nhiều bảo vật của VN đang thuộc về các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài”, ông Sơn viết trong bài nghiên cứu của mình.

 

 

 

Hoàng Sơn - TN0
Tin tức khác