Tháng 7 hằng năm là thời điểm Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) giới thiệu các tác phẩm đương đại mới trong lĩnh vực âm nhạc và múa của các tác giả Việt Nam. Năm nay là năm đầu tiên chương trình sẽ giới thiệu cả những tác phẩm quốc tế có chung tiêu chí nghệ thuật.
Đi tìm tình yêu là một trong những vở múa đương đại mới nhất của hai anh em biên đạo Phúc Hùng - Phúc Hải, cũng là tên gọi của chương trình nghệ thuật sẽ diễn ra tối 9-7 tại Nhà hát TP.
“Có bao giờ ta ngập tràn trong mùa yêu mà nghĩ đến những điều tiếc nuối?” - câu hỏi thật giản dị nhưng không dễ trả lời ấy sẽ được các nghệ sĩ trẻ Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang, Phan Tiểu Ly, Sùng A Lùng, Phan Thái Bình, Nguyễn Minh Tâm “lý giải” trên sân khấu đương đại của vở múa Đi tìm tình yêu.
Đi tìm tình yêu lần này còn thật sự hấp dẫn với phần âm nhạc đương đại được trình diễn bởi bốn nghệ sĩ đầy tài năng đến từ cả hai miền Nam - Bắc là Nguyễn Mạnh Duy Linh, Đặng Hữu Phúc, Lưu Quang Minh và tác giả quốc tế David Tuqici. Đặng Hữu Phúc là nhạc sĩ - nhà soạn nhạc rất có duyên với những giải thưởng về nhạc phim, từng đoạt giải Nhạc phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần 8 với phim Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh, nhạc phim Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Trong khi đó Lưu Quang Minh là thủ lĩnh của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Maius Philharmonic từng ghi nhiều dấu ấn khi mang giao hưởng tiếp cận cộng đồng.
Trong khi đó, ra mắt lần đầu vào tháng 6-2015, Nón - vở múa đương đại kết hợp với âm nhạc thuần Việt - sẽ trở lại vào mùa hè năm nay và lần đầu đến với khán giả Hà Nội lúc 20g ngày 21-7 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace), đồng thời tái ngộ khán giả TP.HCM qua hai buổi diễn ngày 26 và 27-7 tại Idecaf, Q.1.
Những khán giả đã đến và ngồi chật kín khán phòng (thậm chí phải kê thêm ghế phụ tại lối đi) trong buổi diễn duy nhất tại TP.HCM mùa hè năm trước hẳn còn nhớ những cảm xúc mãnh liệt, khác lạ từ Nón.
Ngoài tính hấp dẫn với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ cơ thể và âm nhạc, Nón còn là sự hòa quyện giữa những nét văn hóa truyền thống (sự tích bánh chưng bánh giầy, nón lá, áo dài, nhạc cụ dân tộc) và các vấn đề trong nhịp sống đương đại (nỗi cô đơn của con người khi công nghệ tiên tiến chi phối toàn bộ đời sống, hành trình tìm kiếm bản sắc cá nhân, gìn giữ văn hóa nguồn cội - hòa nhập với thế giới...).
Tháng 12-2015, Nón vinh dự được mời tham gia trình diễn cho 300 khán giả là tùy viên văn hóa, đại sứ... trong một sự kiện khép lại chương trình Vì sự phát triển của châu Âu tại Luxembourg. Bộ đôi Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang - hai nhân vật chính của Nón - phần nào hiện thực hóa giấc mơ mang hồn Việt đi
xa hơn của mình.
Ở lần trước, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đã sáng tạo ra một loại “ngôn ngữ” âm nhạc riêng khi “ứng đối” với những chuyển động múa của Ngọc Khải. Sau một năm, Quang sẽ khoản đãi khán giả của Nón một bài hát hoàn chỉnh.
Ở đó, ca từ và giai điệu của Về đồi non cho phép trí tưởng tượng của khán giả được thỏa sức bay bổng, phiêu du đến khoảng không gian xa, rộng, tự do của núi rừng.
Mong muốn đưa múa đến gần hơn với công chúng cũng như trao đổi kinh nghiệm cùng những đồng nghiệp trẻ, Nón cũng sẽ tổ chức hai chương trình workshop cho những ai yêu nghệ thuật múa - âm nhạc trong hai ngày 9 và 10-7 tại Hà Nội và
22, 23-7 tại TP.HCM.