Trong phát biểu khai mạc, PGS - TS Văn Thị Minh Hương - giám đốc Nhạc viện TP.HCM - đã tóm tắt sơ lược quá trình phát triển và đóng góp của Nhạc viện trong những năm gần đây.
Nhiều chương trình biểu diễn định kỳ
Theo PGS - TS Văn Thị Minh Hương, Nhạc viện TP.HCM đã có những thay đổi trong quản lí để bắt kịp xu thế chung của xã hội. Nhiều Khoa, Phòng, Trung tâm, Dàn nhạc… đã được thành lập. Nhạc viện TP.HCM cũng đã trẻ hóa đội ngũ cán bộ, thế hệ trẻ được tin tưởng và giao những trọng trách mới, mở cửa chào đón các tài năng âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới về cùng góp sức với Nhạc viện TP.
Riêng về đào tạo, Nhạc viện TP.HCM đã thực hiện nhiều hình thức đào tạo: chính quy, không chính quy, đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu…; ở các bậc học từ trung cấp dài hạn, trung cấp ngắn hạn, đại học, cao học và tiến sĩ.
Về biểu diễn, Nhạc viện TP.HCM thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc định kỳ. Đặc biệt, trong những năm qua, Nhạc viện TP.HCM tổ chức thành công nhiều sự kiện âm nhạc quốc tế uy tín như: Dàn nhạc giao hưởng Asean, Hội nghị hiệu trưởng các Nhạc viện TP.HCM khối Asean tại TP.HCM, Festival piano quốc tế, Festivel guitar quốc tế, Trại hè âm nhạc…
Cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn
Bên cạnh những thành quả đạt được, giám đốc Nhạc viện TP.HCM cũng không quên nhắc đến những tồn đọng trong nhiều năm qua và nỗi lo cho Nhạc viện trong thời gian sắp tới với mong muốn tìm được giải pháp thích hợp.
Những tồn đọng và nỗi lo này cũng được PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM - chia sẻ cụ thể hơn. Đó là cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn và sự nhanh chóng già đi của đội ngũ các thầy cô, mức độ cạnh tranh về tuyển sinh cũng như đào tạo.
Tại hội thảo, ban giám đốc Nhạc viện TP.HCM cũng cho biết trong nhiều năm qua. Nhạc viện vẫn có đầu vào ổn định. Những năm gần đây, đầu ra của Nhạc viện thậm chí còn không đủ đáp ứng cho nhu cầu của xã hội, những sinh viên được đào tạo chính quy tại Nhạc viện rất được trọng dụng các các cơ sở ở địa phương.
Dẫu vậy, ban giám đốc vẫn vô cùng âu lo khi ngày càng nhiều tài năng từ Nhạc viện làm việc ở các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Malaysia… hoặc những quốc gia phát triển như: Anh, Pháp, Đức…
Không chỉ bị cạnh tranh bởi các đơn vị đào tạo ngoài nước, Nhạc viện hiện cũng đang đối mặt với việc “chảy máu chất xám” giảng viên sang các đơn vị đào tạo tư nhân khác trong nước.
Gần hai trăm nghệ sĩ biểu diễn trong tuần lễ kỷ niệm
Cũng trong chuỗi các sư kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Nhạc viện TP.HCM lần này, Nhạc viện TP sẽ có ba chương trình kỷ niệm chính. Lễ kỷ niệm chặng đường 60 năm xây dựng, cống hiến và phát triển sẽ diễn ra vào lúc 8g ngày 28-7 tại Phòng hòa nhạc. Dịp này, Nhạc viện cũng vinh dự đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ và nhiều bằng khen giấy khen của Bộ VHTTDL cũng như UBND TP.HCM.
Bên cạnh đó là hai chương trình biểu diễn nghệ thuật do thầy và trò Nhạc viện TP.HCM trình diễn: Chương trình lễ kỷ niệm 60 năm thành lập do đạo diễn Lê Thụy dàn dựng vào sáng 28-7 và Chương trình Hòa nhạc Gala Concert vào tối 28-7.
Gần hai trăm nghệ sĩ thuộc các Khoa - chuyên ngành âm nhạc khác nhau của Nhạc viện TP cùng với Dàn nhạc Giao Hưởng Saigon, Dàn nhạc Dân tộc và Dàn Hợp xướng Saigon thuộc Nhạc Viện TP.HCM sẽ trình diễn các tác phẩm nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam và thế giới.
Chương trình còn quy tụ các nghệ sĩ Việt Nam gặt hái được nhiều thành công ở các nước trên thế giới như nghệ sĩ piano Bích Trà (Anh), nghệ sĩ violin Hoàng Tuấn Cương (Đức), cùng các nghệ sĩ đã thành danh tại Việt Nam như: NSƯT Tạ Minh Tâm (Thanh nhạc), NSƯT Trần Vương Thạch (Chỉ huy), NSƯT.Bùi Công Duy (Violin) cùng các nghệ sĩ tiêu biểu xuất sắc trong những năm qua, những người trưởng thành từ cái nôi Nhạc Viện TP.HCM, đã tích cực đóng góp cho các hoạt động nghệ thuật âm nhạc của thành phố cũng như cả nước như: Nguyễn Thùy Yên, Phạm Nguyễn Anh Vũ (Piano), Phạm Thế Vĩ, Nguyễn Ngọc Tuyền, Võ Hạ Trâm, Phạm Khánh Ngọc (Thanh nhạc), nhóm tứ tấu Guitar Saigon (Thanh Huy, Trí Đoàn, Bá Thơ, Hoài Phương).
Xuyên suốt cho các hoạt động trong tuần lễ kỷ niệm là triển lãm Dấu ấn 60 năm với phần thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Đỗ Xuân Tịnh cũng sẽ giúp công chúng hiểu thêm về quá trình xây dựng và phát triển Nhạc viện TP.HCM trong suốt 60 năm qua.
Mơ một tương lai xa
Nhiều khách mời tham dự như: PSG.TS Ca Lê Thuần, PSG - NSND Hoàng Cương, giảng viên chính Đỗ Tân Việt, tiến sĩ sĩ Đặng Huy Hoàng, tiến sĩ Trần Thanh Hà, tiến sĩ - NSUT Trần Ngọc Thắng, thạc sĩ Trần Vân Anh, thạc sĩ Huỳnh Thị Thu Hiền, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung… đã tham gia góp ý với nhiều gợi mở để Nhạc viện hướng đến một tương lai gần giữ vững bảng hiệu - tên tuổi, một tương lai xa hơn là:
Một cơ sở đào tạo âm nhạc đẳng cấp quốc tế với trình độ đào tạo âm nhạc tiếp tục phát triển ở tầm vóc khu vực và quốc tế, có những tác phẩm âm nhạc được thế giới công nhận, những nghệ sĩ biểu diễn đẳng cấp khu vực và quốc tế, những giải thưởng ở các cuộc thi quốc tế, nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò chủ đạo của nền âm nhạc nước nhà.
|