“Tuy việc chọn viện dưỡng lão chưa là trào lưu nhưng nó cũng là vấn đề xã hội đáng lưu tâm”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN, đơn vị tổ chức triển lãm Chuyện tuổi già, nói.
Những hình ảnh, câu chuyện tại triển lãm cho thấy nhiều quan điểm khác nhau của cộng đồng quanh việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão.
Chuyện tuổi già khai mạc ngày 30.9 tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Triển lãm gồm 3 chủ đề: Ước mơ; Tâm sự tuổi già và Nơi cuộc sống mới bắt đầu, có ảnh và câu chuyện của nhóm nghiên cứu và chính 33 cụ già được chọn trong trung tâm dưỡng lão thực hiện.
Bất hiếu ?
Bà Hạ Thanh Duyên reo lên “con khỉ chỗ tôi đây” khi nhìn thấy bức ảnh chụp chú khỉ ở Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức (Hà Nội) tại triển lãm. Bà và những người cùng sống ở Thiên Đức vẫn cho chú khỉ đó ăn hằng ngày. “Một năm nó đã kịp béo ra rồi. Tôi cũng béo lên. Chúng tôi sống thanh thản lắm”, bà nói.
Một điều tra của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội - môi trường (Isee) công bố năm ngoái cho thấy, hiện xã hội vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của “hào quang” gia đình truyền thống. Nghĩa là các gia đình được đánh giá cao vẫn theo hình mẫu tam tứ đại đồng đường - ba, bốn thế hệ chung sống cùng nhau. Ngay trong triển lãm, vẫn có những ý kiến như vậy.
|
|
Cùng ngày, Bảo tàng Phụ nữ VN cũng đã tổ chức khai mạc triển lãm ảnh chuyên đề Vẻ đẹp không tuổi giới thiệu 25 tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn. Ông đã chụp người già VN với những thần thái khác nhau của tâm hồn không tuổi. Theo kế hoạch, tác giả sẽ có buổi ký tặng sách vào ngày 19.10 tại Bảo tàng Phụ nữ VN.
|
|
|
“Con cái hiện giờ hay viện đủ lý do để đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão nhưng theo tôi tất cả chỉ là ngụy biện. Nếu có đủ điều kiện mà để bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu”, chị Nguyễn Thu Hằng (35 tuổi, một phóng viên ở khu Xa La, Hà Đông) cho biết trong triển lãm. Một gia đình khác lại cho biết, họ đã phải đấu tranh, vượt qua dư luận khi đưa người thân của mình vào Thiên Đức. Thậm chí, trong triển lãm còn đưa ra trường hợp mẹ thích sống ở viện dưỡng lão mà con cháu lưỡng lự vì sợ mang tội bất hiếu. Có người con trai một đã giấu họ hàng đưa mẹ vào viện rồi bị trách cứ “một mẹ một con cũng không nuôi được mà phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão”.
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác. Bà Quản Thị Thu Nguyệt (một người sống ở Hà Nội) cho biết sẽ viết di chúc xin vào nhà dưỡng lão để con cái khỏi mang tiếng không nuôi bố mẹ. Ông Lê Chí Thành (cũng sống ở Hà Nội) lại cho rằng, đưa mẹ vào nhà dưỡng lão để tạo môi trường sống thoải mái, chăm sóc đầy đủ mới là làm tròn chữ hiếu.
Trên thực tế, câu chuyện người già ở viện dưỡng lão được kể trong Chuyện tuổi già khá đa dạng. Có người như NSND Trần Phương, ở tuổi 87, ông cảm thấy bơ vơ vì đang sống cùng con cháu vui vầy thì lại được gửi vào trại dưỡng lão. Tuy nhiên, cũng tại nơi này, ông gặp lại nữ diễn viên Tuệ Minh. Ông thấy mình sống bằng kỷ niệm trong tim, ký ức trong đầu. Cặp vợ chồng cụ Lê Bích Châu, 84 tuổi, con cháu ở nước ngoài lại đưa nhau vào đây sống, chăm sóc nhau từng li từng tí. Cụ Đặng Thị Hoạch, 80 tuổi, lại chỉ về nhà khi nào có giỗ hay lễ tết để thắp hương các cụ. Còn lại, cụ vui vẻ ở trung tâm, mỗi tuần con cái lên thăm một lần.
Ước mơ và tâm sự
Những câu chuyện trong triển lãm, một phần do nhóm nghiên cứu chụp và thực hiện. Số còn lại do chính các cụ chụp lẫn nhau. Những bức ảnh các cụ chụp, do sức khỏe, kỹ thuật có thể mờ, nhưng câu chuyện rất thân tình. Trong một bức ảnh bà Xuyên chụp như vậy, bà Diệu đang đưa tay quệt nước mắt, bàn tay che hết nửa mặt. “Con trai sa ngã, vướng vào lao lý. Đây là nỗi đau vô hạn đối với một người mẹ. Khó có cái gì mang lại bình an như xưa cho bà Diệu được nữa... Tôi thương bà ấy lắm nên thi thoảng cũng trò chuyện an ủi cho bà ấy vơi đi nỗi lòng”, bà Xuyên chú thích tấm hình của mình.
Cũng có những bức hình chụp con công, chú khỉ, đàn thiên nga đen - những người bạn của người già trong trại dưỡng lão. “Có cụ được đưa vào nhà dưỡng lão khi ung thư vòm họng nặng, chỉ chờ vài tháng là mất. Cụ vào đây, những dụng cụ đặt ở vòm họng làm cụ ăn khó khăn, dãi dớt chảy và những cụ khác không muốn chơi cùng. Vì thế, trung tâm nuôi thú cưng làm bạn với cụ. Cụ vui khỏe dần và sống thêm được hai năm nữa chứ không phải vài tháng”, bà Vân chia sẻ.
Qua các phỏng vấn, người xem triển lãm không thấy người già như những người buồn tẻ, ốm đau, khó tính, hay quên. Họ có cả một thế giới nội tâm đa sắc, với những mong muốn rất riêng.
Có người thích chụp ảnh đức Phật như bà Lương Thị Thái, 79 tuổi. Bà quy y khi biết mình bị ung thư gan và từ đó chỉ ăn gạo lứt muối mè rồi tụng kinh cho tâm thanh tịnh. Ông Lũy lại quen và muốn gắn bó cuộc đời còn lại của mình với bà Xuyên, một người dịu dàng hát hay. Cụ Lê Bích Châu, 84 tuổi, vẫn tiếp tục đọc báo, làm thơ và dịch tài liệu tiếng Pháp. Cụ Trần Hải, 93 tuổi, lại cho biết, mình chưa từng lấy vợ nên đến tuổi này vẫn mong có người yêu để giới thiệu với gia đình.