Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.824 tác phẩm
2.758 tác giả
344
122.829.958

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Việt sử Xứ Đàng Trong: Văn mạch dằng dặc không dứt
Truyện Sãi vãi (tức Tăng ni truyện) của Nguyễn Cư Trinh xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975ẢNH: T.L Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục viết: 'Họ Nguyễn trước kia chuyên giữ một phương, chỉ mở thi hương, chuyên dùng lai tư, không chuộng văn học, ít thu lượm được người tuấn dị... Thế mà văn mạch ở đất này dằng dặc không dứt, thật đáng khen!'.

 

Thời các chúa Nguyễn, không thấy có trường đại học công lập (cách gọi của tác giả - TN) như trường Quốc Tử Giám ở Bắc hà, cũng không thấy có chức học quan. Đó là một khuyết điểm mà chúa Trịnh đã nêu lên để chỉ trích; người ta cũng thấy hòa thượng Thạch Liêm đã khuyên chúa Hiển Tông nên mở trường quốc học (theo Hải ngoại kỷ sự), không hiểu vì sao trải qua các chúa, đến đời chúa Thế Tông xưng vương, Nam hà vẫn không có trường đại học công. Nhưng trong bài tựa sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết: “Ngày tế đinh (tức tế Khổng Tử ở Văn Miếu - chú thích của tác giả) tôi vẫn đến học cung chiêm bái, học trò đến học có đến vài trăm người, tôi có cùng họ giảng học, luận văn, khuyến khích, dạy bảo ân cần...”. Vậy thì cũng có sinh viên đại học (cách gọi của tác giả - TN) đến nghe giảng ở nhà học, nhưng không biết tổ chức cách nào. Nhưng trong dân gian thì trường học mở rất nhiều. Giáo sĩ Christoforo Borri, trong cuốn Relation de la Nouvelle mission au Royaume de la Cochinchineđã cho biết ở Đàng Trong thời chúa Hy Tông, đã thấy nhiều trường bậc đại học với nhiều giáo sư cùng các cuộc thi, hạch các cấp y như ở Trung Quốc vậy.

Xem trong Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, chúng ta thấy tên một số tác giả và tác phẩm nhưng phần nhiều các tác phẩm ấy chỉ còn cái tên mà thôi. Vì các tác phẩm ấy chép tay, chưa khắc in, nên trải qua cuộc đánh chiếm Thuận, Quảng của quân Trịnh, cuộc chiến tranh với Tây Sơn và 25 năm loạn lạc tiếp đó ít tác phẩm còn giữ lại được dưới các cơn binh hỏa, nhiễu nhương. Điều đáng chú ý là có nhiều tác phẩm bằng quốc âm. Vậy biết rằng văn chương quốc âm cũng đã phát đạt. Ông Lê Quý Đôn khi ở Phú Xuân có sưu tập một số thơ văn mà ông chép lại trong Phủ biên tạp lục. Các thơ văn ấy đều có giá trị về văn chương và tư tưởng.

 

Những tài năng văn chương

 

Sau đây xin theo các sách trên chép lại tên tác giả, tác phẩm cùng những vị học thức, đức hạnh đã có công tài bồi văn hóa trong thời gian ấy.

Ở Thuận Hóa thời Lê có Bùi Dục Tài là người huyện Hải Lăng học rộng biết nhiều, có tiếng hay chữ, đỗ tiến sĩ năm Cảnh Hưng (1502); Dương Văn An người huyện Lệ Thủy, đỗ đồng tiến sĩ đời Mạc, năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1547), người đã sửa chữa và tập thành sách Ô châu cận lục.

Đào Duy Từ còn để lại bài Ngọa long cương ngâm và sách Hổ trướng khu cơ.

Nguyễn Hữu Dật 16 tuổi đã nổi tiếng văn học, đời chúa Hy Tông, được bổ làm văn chức, đời chúa Thái Tông, Hữu Dật làm Ký lục dinh Bố Chính. Tham tướng Nguyễn Phước Tráng vốn cùng Hữu Dật có hiềm khích, gièm với chúa rằng Hữu Dật toan mưu trở về bắc. Chúa Thái Tông bắt Hữu Dật bỏ ngục. Hữu Dật theo tập sách Anh liệt chí đời Minh, làm thành truyện Hoa Vân cáo thị để nói rõ chí mình, rồi nhờ người coi ngục dâng lên chúa. Chúa đọc xong, tha và cho làm Văn chức ở Chính dinh.

Nguyễn Phước Chu, tức chúa Hiển Tông, học rộng kinh sử, thường trước tác; đề vịnh, ý tứ tự nhiên. Ông còn để lại 4 bài thơ khóc phi là Nguyễn thị, bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Mụ, bài văn bia ở chùa này, nhiều bài thơ, câu đối tặng, điếu các quan...

Nguyễn Phước Tứ, con thứ 8 của chúa Hiển Tông, có khí cuộc, học rộng, ưa ngâm vịnh, giỏi thơ quốc âm, có làm Hoa tình nguyện bằng quốc âm, lời rất đau buồn, được dân gian ưa đọc. Nguyễn Phước Dục con Nguyễn Phước Tứ, học rộng, có tài lược, thơ hay, ưa ngâm vịnh, tương truyền rằng đàn Nam cầm là do ông chế ra.

Nguyễn Khoa Chiêm bắt đầu làm chức Thủ hợp đời chúa Hiển Tông rồi trải qua nhiều chức, đến năm Giáp Thìn (1724) thăng Tham chính Chính đoán sự, tác giả sách Nam triều Nguyễn Chúa khai quốc diễn chí (còn có tên gọi Nam triều công nghiệp diễn chí - TN).

Nguyễn Cư Trinh, hiệu Đạm Am, làm quan đời chúa Hiển Tông đến chức Ký lục. Cư Trinh thuở bé dĩnh ngộ, tuyệt quần, 11 tuổi đã làm văn thơ hay, cùng tùng huynh là Nguyễn Đăng Thịnh tề danh một thời, năm Canh Thân đỗ Hương cống, làm quan Tri phủ, Văn chức. Sau khi chúa Thế Tông lên ngôi vương, điển chương, pháp độ do Đăng Thịnh tán định, còn từ lệnh thì do ông thảo ra. Ông từng làm Tăng ni truyện (tức truyện Sãi vãi) bằng quốc âm. Từ năm Quý Dậu (1753), ông vào cầm binh đánh Chân Lạp, lập dinh Long Hồ, đạo Đông Khẩu, đạo Tân Châu, đạo Châu Đốc, Nam thùy mở rộng đất đai đến đấy đều là công của ông. Trong thời gian ở biên cảnh hơn 10 năm này, ông thường cùng Đô đốc Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ tặng đáp thơ, văn. Ông có họa 10 bài thơ vịnh Hà Tiên và mấy bức thư ông đáp lại Mạc Thiên Tứ, nội dung nhiều tư tưởng, triết lý.

Nguyễn Quang Tiền người huyện Quảng Điền, học rộng, thơ hay. Đời chúa Hiển Tông, ông làm Văn chức, biểu cầu phong gửi vua Thanh là do ông soạn. Đời chúa Thế Tông, các bài thơ đề vịnh ở các cung đình, và văn thư thù ứng với các lân bang phần nhiều do ông soạn. Khi Lê Quý Đôn ở Phú Xuân, có đến nhà ông để sưu tầm những văn phẩm của ông còn lại.

Võ Trường Toản là người huyện Bình Dương, phủ Gia Định, thông dĩnh, kinh học uẩn súc, gặp loạn Tây Sơn ở ẩn dạy học, học trò nhiều kẻ trở thành danh thần nhà Nguyễn như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức. Khi Nguyễn Phước Ánh đóng ở Gia Định, có triệu ông đến thăm hỏi, và rất khen ngợi sự cao thượng của ông. Ông mất, Nguyễn vương cho hiệu là “Gia Định xử sĩ sung đức Võ tiên sinh”, sai khắc ở mộ chí.

 

 

 

(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)

 

 

Phan Khoang - TN0